Các chiến binh SDF - liên minh do người Kurd dẫn đầu, giăng cờ tuyên bố chiến thắng sau cùng trước IS ở Baghouz ngày 23-4 - Ảnh: REUTERS
Tấm cờ vàng lớn biểu tượng của SDF ngày 23-3 đã giăng trên một nóc nhà tại làng Baghouz, nơi các tay súng của SDF đánh dấu thành công đợt truy quét quyết định vào cứ điểm cuối cùng do IS nắm giữ ở Syria.
Đó cũng là cột mốc chốt hạ cho số phận của IS sau chừng 5 năm tổ chức này, bị liệt vào hàng khủng bố, trở thành cơn ác mộng cho phương Tây cũng như cho khu vực Syria, Iraq và các nước lân cận.
Với tham vọng hình thành "nhà nước Hồi giáo", một đế chế riêng thống trị của đạo Hồi mang tư duy cực đoan, IS đã tuyên bố đứng sau hàng loạt cuộc khủng bố trên khắp thế giới.
Từ hai đầu não ở Iraq và Syria, các tay súng do IS chiêu nạp đã tấn công khủng bố bằng mọi hình thức từ tấn công máy bay nhằm vào Nga, các vụ dùng xe cán người ở Paris (Pháp) cho tới Barcelona (Tây Ban Nha). Nguy cơ tấn công từ xa này càng kích thích các nước châu Âu tham gia mạnh mẽ cùng hàng loạt lực lượng từ Mỹ, Nga và những nhóm vũ trang trong nội chiến Syria đánh IS.
Nhưng tất cả rồi cũng chấm dứt. Sau hàng tuần liền vây hãm, Baghouz cũng thất thủ và trở thành mồ chôn cuối cùng cho tổ chức này.
"Baghouz đã được giải phóng và chiến thắng của quân đội trước trước Daesh đã hoàn tất", Mustafa Bali, phát ngôn viên của SDF, nói. Ông đề cập tới IS bằng chữ "Daesh" dùng trong tiếng Ả Rập.
Hãng tin AP thống kê rằng trong gần 5 năm chống IS, chiến dịch toàn cầu ấy đã chứng kiến liên quân do Mỹ dẫn đầu thực hiện hơn 100.000 cuộc tấn công. Nhưng đáng buồn là nó cũng để lại hậu quả nghiêm trọng cho Syria và Iraq, nơi nhiều khu vực điêu tàn vì chiến tranh và báo cáo thương tâm về dân thường thiệt mạng.
Chiến dịch ấy, về mặt tích cực, đã thực tế chấm dứt tình trạng thống trị của IS, khi vào lúc cao điểm cách đây 4 năm, "nhà nước Hồi giáo" này có quy mô rộng bằng nước Anh và là nơi cư ngụ của 8 triệu người.
Các tay súng IS sau thời "đỉnh cao" ấy vẫn duy trì sự hiện diện rải rác và ẩn nấp khắp Syria cũng như Iraq.
Hiện nay, bất chấp đã tuyên bố chiến thắng, SDF và các lực lượng khác chưa bắt được thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi, cũng chưa biết rằng người này còn sống hay đã chết và ông ta đang trốn nơi nào.
Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi - Ảnh: REUTERS
Thực tế trong thời hoàng kim, IS cũng kịp tạo "cảm hứng" cho rất nhiều tổ chức khủng bố muốn liên minh, thề trung thành với các tay súng này. Ngày nay, các nhánh khủng bố liên minh với IS vẫn còn tại bán đảo Sinai của Ai Cập, ở Afghanistan hay các nước khác, và vẫn đang tạo ra mối đe dọa cho chính quyền địa phương. Bất kỳ một tín hiệu nào từ al-Baghdadi cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ tái xuất hiện những màn đánh bom liều chết, dù được tổ chức quy mô hay chỉ là dạng tự hành động theo phong cách "sói đơn độc".
Cuộc chiến chống IS hóa ra không chỉ kéo quân đội các nước lại với nhau, mà đồng thời gây khó khăn thêm cho nội chiến Syria.
Thay vì cùng nhau gác lại hiềm khích để tiêu diệt IS, các tổ chức vũ trang của những phe nổi dậy tại Syria thường "mượn cớ đánh IS" để nã đạn vào nhau bất kỳ lúc nào. Điều này lý giải việc độc giả trên thế giới thường xuyên nghe báo cáo loạn xạ từ các phe thân Nga, thân Mỹ hay thân Thổ Nhĩ Kỳ tố giác đối phương tấn công quân mình.
Tại một sự kiện hôm 23-3 tổ chức gần khu vực al-Omar, ông William Roebuck, một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ, cho rằng việc đánh bật IS khỏi cứ điểm cuối cùng là "cột mốc quan trọng" trong việc tiêu diệt tổ chức này. Nhưng ông cũng cảnh báo "chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để đạt được thành tựu tiêu diệt IS".
Ngoài ra, như đã nói, cuộc chiến chống IS chỉ là giai đoạn đầu, mở đường cho một cuộc chiến trên chính trường ở Syria. Giải pháp hòa bình cho Syria còn đấy nhưng chưa ai thông qua. Miếng bánh Syria giờ đã tới lúc chia cho các bên, và đây sẽ lại là một câu chuyện rất dài phía trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận