25/07/2006 08:09 GMT+7

Lực lượng đặc biệt, nhiệm vụ tuyệt mật

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

TT - Tám mươi tuổi, thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên chính ủy trung đoàn 919, đơn vị được giao nhiệm vụ tuyệt mật - vẫn còn nhớ như in những ngày triển khai nhiệm vụ tuyệt mật ấy.

LMyOladC.jpgPhóng to

Thiếu tướng Phan Khắc Hy còn giữ quyển lịch túi năm 1968 với những dòng ghi chú: ngày 7-2: "Kế hoạch B với 919"; ngày 12-2: làm việc 919; ngày 13-2: họp rút kinh nghiệm với 919. Thời điểm đó ông là thượng tá - chính ủy Bộ Tư lệnh không quân - Ảnh: T.H.

Ông kể: “Đó là lần đầu tiên phi công ta ra quân với một lực lượng đặc biệt cho nhiệm vụ tuyệt mật”.

Kỳ 1: Những chiến đấu cơ kỳ lạ

Những chuyến bay định mệnh

“Tết năm đó thời tiết xấu. Những làn mây trắng sữa cứ thấp dần rồi ngả sang màu xám xịt mọng nước, trần mây chỉ còn 100-200m” - thiếu tướng Phan Khắc Hy nhớ lại. Theo kế hoạch, các chuyến bay T14 (ký hiệu dùng để chỉ loại máy bay IL -14) sẽ bay gần 1.000km trong tình trạng “bay mò” theo tính toán đồng hồ (để đảm bảo tuyệt đối bí mật, máy bay không có rađa dẫn đường).

Đường bay lại vòng: Gia Lâm (Hà Nội) - Sê-Pôn (Lào) - Phương Tích (Huế). Ngoài khơi, hạm đội Mỹ áp sát hải phận miền Bắc với hệ thống rađa cực mạnh, tạo thành một mạng lưới phát hiện lớn. Do đó các phi đội phải bay nép vào dãy Trường Sơn và bay thật thấp, vừa tránh rađa vừa tạo bất ngờ, đồng thời phải dè chừng những đỉnh cao trên 2.000m của dãy Trường Sơn mà máy bay có thể đâm vào bất cứ lúc nào. Những chuyến bay lần lượt xuất kích và mọi người trong số họ đều không ai nghĩ mình sẽ có thể quay trở về.

Chính ủy Phan Khắc Hy đến động viên anh em lần cuối trước khi xuất kích. Những cái bắt tay rất chặt như những lời chia tay lặng lẽ. 16g ngày 7-2 (mồng 10 tết), sáu tổ bay lần lượt cất cánh cách nhau 15 phút. Ba tổ hướng về đồn Mang Cá, ba tổ hướng về phía phá Tam Giang, tín hiệu xác định vị trí chỉ là những đốm lửa nhỏ bên bờ sông Tam Giang do lính bộ binh đốt lên chờ cứu viện báo hiệu đang trong tình huống ngặt nghèo.

Sự kiện “cầu hàng không” là một khúc bi hùng của không quân VN. Hầu hết những người anh hùng trên những chuyến bay ấy, với tất cả 20 chiến sĩ của bốn tổ bay thuộc trung đoàn 919 và bốn người lính dù thuộc phân đội huấn luyện dù của Bộ tư lệnh Phòng không - không quân, đã ra đi mãi mãi trong chiến dịch đặc biệt. Trong các chuyến bay, chỉ có tổ bay của ông Hoàng Ngọc Trung nhận diện được mục tiêu và thả được 15 chiếc dù với tất cả 14 tấn hàng.

Sở chỉ huy đêm đó trải qua một đêm thức trắng trong hồi hộp, lo lắng. Đêm xuất kích đầu tiên kết thúc với một cảm giác chơi vơi: lần lượt từng đội bay quay trở về, nhưng chỉ có bốn tổ. Rồi tin từ mặt trận báo về: tổ bay của cơ trưởng Hoàng Liên bị địch phát hiện, bắn thủng bình xăng, phải hạ cánh xuống sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa) trong tình trạng… rớt vào hố bom và mọi người chỉ bị xây xát nhẹ.

Còn tổ bay của cơ trưởng Phan Kế (lái chính) và Nguyễn Văn Mẫn (lái phụ), Ngô Phượng Châu (dẫn đường), Nguyễn Minh (cơ giới), Nguyễn Văn Tê (thông tin) và hai lính dù (của phân đội huấn luyện dù thuộc Bộ tư lệnh Phòng không - không quân) mãi mãi không trở về.

Mục tiêu tấn công: hạm đội Mỹ?

Sự kiện “cầu hàng không” cho đến nay vẫn còn nhiều “ẩn sử”. Theo kỷ yếu 45 năm xây dựng và trưởng thành của đoàn bay 919, sự kiện này được cho là diễn ra trong hai đêm 7-2 và 12-2-1968. Đêm đầu chỉ có năm chuyến bay, đêm cuối có bốn chuyến bay IL-14.

Trong khi theo những tài liệu do tướng Hy cung cấp (có cả một bản thảo được chính ông Hy chỉ đạo cho đơn vị ghi lại các sự kiện lịch sử của trung đoàn 919 sau năm 1968), tuần lễ từ 7 đến 12-2-1968 có tất cả bốn đêm không quân xuất kích thiết lập “cầu hàng không”: đêm đầu tiên (7-2) với sáu chuyến bay, ba chuyến tiếp vận hàng hóa và ba chuyến chiến đấu; đêm 8-2 có hai tổ bay của Nguyễn Văn Bang và Nguyễn Văn Ba thực hiện nhiệm vụ chiến đấu; đêm 11-2 có một tổ bay tiếp vận; đêm 12-2 có ba tổ bay làm nhiệm vụ chiến đấu.

Còn theo một tư liệu khác được cung cấp từ một nhân chứng sống - ông Trần Hữu Thọ, sĩ quan dẫn đường của một trong các tổ bay IL-14 (hiện đã nghỉ hưu ở TP.HCM), có tất cả 17 chuyến bay đã được thực hiện trong các ngày 7, 8, 10 và 12-2-1968.

Ông Thọ nêu ra một cách khá chi tiết về các tổ bay và những trường hợp hi sinh, cho rằng các tư liệu đã bỏ sót một chuyến bay vào đêm 7-2 do lái chính Võ Minh Chung thực hiện cùng với các lái phụ Vũ Đức Sầm, dẫn đường Trần Hữu Thọ, cơ giới Phạm Đình Phú, thông tin Ma Văn Thường cùng hai người lính nhảy dù.

uqAZx7vO.jpgPhóng to PdcwCwGy.jpg
Ông Trần Hữu Thọ thời là học viên phi công (1967) - một năm trước chiến dịch "cầu hàng không" và ông Thọ bây giờ

Trong chuyến bay của ngày hôm sau, lực lượng đặc biệt cũng chưa tìm được mục tiêu. Anh em đề xuất cấp trên cho chuyển sang đánh các mục tiêu khác, trong đó có hạm đội Mỹ ngoài khơi. Chuyến bay đêm 12-2, cấp trên đồng ý cho đánh mục tiêu khác. Phi công Nguyễn Văn Bang bàn với kỹ thuật viên Nguyễn Tường Long: “Hôm nay không đánh mục tiêu trên bộ nữa. Ngoài biển khơi, hạm đội Mỹ đèn đốt sáng trưng như một thành phố trên biển, phải đánh bọn này thôi!”.

Ông Tường Long nhớ lại: “Tôi nói với Bang rằng chiến hạm Mỹ dài khoảng 200m, chiều ngang 50m, tốc độ bay trung bình của máy bay mình lại không có máy kiểm tra nên nếu có đánh thì phải đánh dọc từ sau ra trước (hoặc ngược lại) pháo của mình mới rớt trúng mục tiêu. Tôi nhắc đi nhắc lại thật kỹ với Bang rằng cánh máy bay mình là cánh vải, nếu có đánh phải đánh ở độ cao trên 100m bởi khi bom nổ, sức nổ và áp lực hướng lên trên sẽ làm rách đuôi, máy bay sẽ không điều khiển được. Bang gật nhẹ đầu, im lặng. Tối đó, 11 giờ 30, Bang cắt liên lạc. Tôi biết Bang và Ba đã vào trận đánh hạm đội Mỹ”.

Đêm đó chỉ có tổ bay của ông Hoàng Ngọc Trung trở về, hai tổ bay chiến đấu của Bang và Ba đã vĩnh viễn nằm lại. Nhiều giả thiết được đưa ra, người thì bảo họ đã va vào vách núi và nằm đâu đó trên dãy Trường Sơn sau khi trút hết hỏa lực vào mục tiêu đối phương; người thì bảo họ đã rơi trên biển cả sau khi đánh mục tiêu trên bộ, thậm chí có người nói rơi ở Nghệ An…

Tất cả vẫn chỉ là giả thiết. Còn sự thật về những giờ phút cuối cùng của những chiến đấu cơ đặc biệt vẫn là “ẩn sử”. Riêng với Nguyễn Tường Long, ông tin chắc đồng đội mình đã làm nên kỳ tích: “Ngày hôm sau, 13-2-1968, tình cờ tôi nghe bản tin 6 giờ chiều của Đài BBC cho hay chiến hạm của Mỹ đã bị đánh hư hai chiếc phải mang sang cảng Subic của Philippines sửa chữa. Tôi tin chắc là Bang và Ba đã làm việc này”.

________________________________________

Những chuyến bay cảm tử cứ nối tiếp nhau về phương Nam và những người trở về cứ thưa dần. Chuyện gì đã xảy ra với những phi công, những người lính dù dũng cảm? Câu chuyện của những người còn sống sau gần 40 năm...

Kỳ tới:Hồi ức từ trong lửa đạn

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên