Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Luật này tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới...
Theo một lãnh đạo công an phường ở TP.HCM, thực tế hiện nay trên địa bàn phường đã có sự tham gia đảm bảo an ninh trật tự của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở.
Đây là lực lượng quần chúng do UBND cấp xã thành lập, quản lý, có nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng công an trong bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn.
Mặc dù vậy, hiện nay mỗi nơi từ tên gọi cũng chưa thống nhất, tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng khác nhau, không rõ ràng. Từ đó có những vụ việc không làm hết trách nhiệm, lộ ra bất cập, rất khó trong chỉ đạo, thực hiện, đòi hỏi phải được chuẩn hóa.
Bên cạnh đó các quy định về thẩm quyền thực hiện một số nhiệm vụ tại cơ sở của lực lượng này bị chồng lấn giữa các lực lượng. Quy định về chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trangthiết bị hoạt động của các lực lượng này còn thiếu, chưa thống nhất...
Điều này gây ra nhiều khó khăn trong lãnh đạo, quản lý, phát huy vai trò của lực lượng ở cơ sở, làm giảm hiệu quả hoạt động.
"Thực tế lực lượng này đã phát huy nhiệm vụ hỗ trợ, bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn phường. Lực lượng đã bám sát dân, hiểu, nắm được tâm tư, nguyện vọng nhân dân, góp phần tham gia tổ chức, thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", vị này chia sẻ.
Anh Trần Thanh Tâm (chủ nhà trọ tại phường Tân Phú, TP Thủ Đức) cho biết vụ việc có liên quan đến an ninh trật tự xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả.
Anh Tâm thấy lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở sẽ phát huy tốt vấn đề này. Họ là những người sinh ra, lớn lên tại cơ sở nên nắm vững địa bàn, phong tục tập quán của người dân, những vụ việc phát sinh có lực lượng này sẽ xử lý nhanh chóng.
"Năm ngoái (2023), tôi có mất một chiếc xe máy ở dãy trọ, do nhóm thanh niên dàn cảnh để lẻn vào lấy. Khi phát hiện mất xe, tôi đã trình báo cơ quan chức năng, lực lượng tại chỗ nhanh chóng có mặt hỗ trợ cùng lực lượng công an phường truy xét", anh Tâm nhớ lại.
Ông Bùi Mạnh Lân, chủ tịch Công ty cổ phần Thương mại - Sản xuất - Xây dựng Hưng Thịnh, chủ đầu tư Khu công nghiệp Đồng An (tỉnh Bình Dương), cho biết Bình Dương có hàng chục khu công nghiệp với số lượng người nhập cư lớn. Một nhà máy có thể tập trung tới hàng ngàn công nhân. Từ nhà xưởng đến nhà trọ như một "xã hội thu nhỏ" với biết bao tình huống có thể xảy ra.
Vì vậy việc phát huy sự chủ động của lực lượng tại chỗ rất quan trọng. Có những sự việc nhỏ như va chạm giao thông nhẹ, mâu thuẫn khi hát karaoke... nếu được giải quyết ngay tại chỗ thì có thể đảm bảo an ninh trật tự, tránh phát sinh những hậu quả đáng tiếc.
Mặt khác, lực lượng tại cơ sở còn giảm tải cho các cơ quan chức năng vì nếu cơ sở có thể giải quyết được thì không cần cơ quan cấp trên phải vào cuộc. Lực lượng tại chỗ còn là đầu mối để nắm bắt tình hình, hỗ trợ để chủ động phòng ngừa tội phạm, các tình huống bất lợi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận