Người biểu tình dùng bình xịt dập lửa để ngăn lực lượng an ninh trấn áp đám đông tại thành phố Yangon ngày 28-2 - Ảnh: AFP
Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu chừng nào vẫn có thể.
Ông Kyaw Moe Tun tuyên bố,
sau khi có thông tin ông đã bị cách chức bởi chính quyền quân sự Myanmar
Cảnh sát có mặt từ sớm tại nhiều địa điểm ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Thoạt đầu là các phát súng chỉ thiên để giải tán, cảnh sát - dưới sự yểm trợ của quân đội - sau đó đã xả súng trực tiếp vào đám đông biểu tình.
Lựu đạn gây choáng và hơi cay cũng được sử dụng để chia cắt đám đông nhưng bất thành.
Bắn đạn thật?
Hãng thông tấn Reuters, AFP dẫn các nguồn tin riêng cho biết đạn thật đã được sử dụng và là nguyên nhân gây ra cái chết của nhiều người biểu tình ở Yangon, Dawei, Mandalay. Nhiều người bị thương sau khi trúng đạn cao su từ cảnh sát.
Các hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông cho thấy những vết máu loang lổ trên vỉa hè Yangon. Một bác sĩ ở Yangon đề nghị giấu tên cho biết một người đàn ông đã chết khi được đưa tới bệnh viện với viên đạn ghim sâu vào ngực.
Tại Dawei, nhân viên cứu hộ Pyae Zaw Hein nói rằng 3 người đàn ông bị bắn bằng đạn thật tử vong.
Theo mô tả của các nhân chứng, cảnh sát cũng ném lựu đạn gây choáng vào các giảng viên và sinh viên tập trung bên ngoài một trường y ở Yangon. Ít nhất 50 người đã bị bắt sau sự việc.
Trước đó, một cuộc biểu tình khác của giáo viên Yangon cũng kết thúc trong hỗn loạn khi cảnh sát thẳng tay xịt hơi cay khiến một người chết vì lên cơn đau tim.
Vị "đại sứ anh hùng"
Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính có dấu hiệu bùng phát mạnh mẽ sau bài phát biểu của đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc - ông Kyaw Moe Tun.
Bài phát biểu của đại sứ Kyaw Moe Tun đã gây sốc khi kêu gọi quốc tế can thiệp "mạnh mẽ nhất có thể" để chống lại chính quyền quân sự đang kiểm soát Myanmar và cứu lấy người dân đang bị đàn áp. Vụ việc này ngay lập tức khiến ông nhận "trát sa thải" từ chính quyền quân sự.
Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp và từng kinh qua các vị trí trong chính phủ thân quân đội, vị đại sứ 50 tuổi lần này đã chọn đứng về phía người dân, chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi và chấp nhận đánh cược tương lai chính trị.
Nhiều người đã lo lắng cho tương lai chính trị của ông khi ông kết thúc bài phát biểu bằng việc giơ 3 ngón tay lên cao - một biểu tượng của sự phản kháng và kêu gọi đoàn kết chống đảo chính. Nhưng theo nhà hoạt động chính trị Myanmar Aung Myo Min, đây là một chỉ dấu cho thấy phong trào bất tuân dân sự để phản đối đảo chính quân sự đã lan tới quan chức ngoại giao cấp cao.
"Bài phát biểu đã mang lại hi vọng cho hàng triệu người, trong đó có những người trẻ, đang đấu tranh với quân đội và hi vọng khôi phục chính phủ được bầu dân chủ của bà Aung San Suu Kyi", ông Myo Min nêu nhận xét.
Truyền hình nhà nước Myanmar hôm 27-2 thông báo ông Kyaw Moe Tun đã bị sa thải vì phản bội đất nước. Tuy nhiên, LHQ không chính thức công nhận chính quyền quân sự Myanmar và chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về thay đổi người đại diện, theo người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric.
Một quan chức LHQ giấu tên khẳng định với Hãng tin Reuters rằng ông Kyaw Moe Tun vẫn là đại diện hợp pháp và chính thức của Myanmar tại LHQ.
Christine Schraner Burgener, đặc phái viên của LHQ về Myanmar, hôm 26-2 đã kêu gọi 193 thành viên LHQ không công nhận chính quyền quân sự Myanmar và làm mọi cách có thể để khôi phục nền dân chủ của nước này.
Nếu quân đội Myanmar, do tổng tư lệnh Min Aung Hlaing đứng đầu, cố gắng tìm kiếm sự công nhận của quốc tế bằng cách chỉ định một đại sứ mới thay ông Kyaw Moe Tun, họ có thể kích hoạt một cuộc tranh luận nảy lửa ở LHQ với đỉnh điểm là một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ.
Indonesia lên án việc sử dụng vũ lực ở Myanmar
"Indonesia hối thúc các lực lượng an ninh (Myanmar) kiềm chế sử dụng vũ lực và kiềm chế hết sức để tránh gây ra thêm thương vong", Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố ngày 28-2.
Indonesia đang vận động các thành viên ASEAN tham gia tìm cách tháo gỡ khủng hoảng ở Myanmar. Theo Hãng tin Kyodo, ngoại trưởng các nước đang thảo luận tổ chức cuộc họp trong tuần này và phần lớn các nước đã đồng ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận