Năn tượng thay thế lục bình, tiềm năng 9 tỉ USD
Sau hơn 20 năm gắn bó trong ngành gỗ, ông Trần Lam Sơn - tổng giám đốc Công ty Thiên Minh - đang nhận thấy cơ hội mới từ cỏ năn tượng sau những chuyến khảo sát ở Đồng bằng sông Cửu Long và các cuộc gặp gỡ với chuyên gia.
Ông cho biết, theo tiến sĩ Trần Văn Ni và nhóm nghiên cứu từ Trường đại học Cần Thơ, hiện có khoảng 1,8 triệu héc ta đất nhiễm mặn không thể canh tác, trong khi cỏ năn tượng lại rất phù hợp với thổ nhưỡng này.
Đây là nguồn nguyên liệu tiềm năng cho sản xuất đồ thủ công, mỹ nghệ nếu có thể nhân rộng. Con gái ông Sơn cũng vừa bắt đầu kinh doanh các sản phẩm đan từ cỏ năn tượng trên Amazon, bước đầu được thị trường đón nhận tích cực.
"Trên diện tích 1m2, tôi từng cắt được 10kg cỏ năn tượng, nếu nhân lên 1,8 triệu héc ta sẽ được khoảng 18 triệu tấn. Lục bình giá khoảng 24.000 đồng/kg. Nếu có thể giảm giá năn tượng chỉ bằng một nửa lục bình như kỳ vọng, chúng ta có thể thu về 9 tỉ USD" - ông Sơn làm phép toán nhanh.
Ở mắt xích tổ chức nguồn nguyên liệu và liên kết các bên sản xuất sản phẩm, Việt Nam Housewares được các doanh nghiệp trong ngành đánh giá là một trong số ít công ty đi đầu khi đưa sản phẩm làm từ cỏ năn tượng xuất khẩu đến Mỹ, châu Âu, Úc...
Có nhiều loại nguyên liệu trong sản xuất thủ công mỹ nghệ như cói, lục bình, cỏ năn tượng, chuối... Ông Lai Trí Mộc - tổng giám đốc Việt Nam Housewares - cho biết cói tập trung ở tỉnh Thanh Hóa và Vĩnh Long nhưng chỉ phù hợp sản xuất quy mô nhỏ. Xơ chuối chưa phổ biến, còn lục bình lại phụ thuộc thời tiết và không chịu được hạn mặn.
Trước đại dịch, nhu cầu sản phẩm mây tre đan lớn, công ty này phải "đi năn nỉ để mua lục bình, nhiều khi khó mua hơn vàng". Sau thời gian dài tìm kiếm và hợp tác các chuyên gia ở Trường đại học Cần Thơ, sau khoảng 5 năm thử nghiệm, họ đánh giá cỏ năn tượng có thể thay thế lục bình.
Ông Mộc kỳ vọng có thể giảm giá năn tượng thấp hơn một nửa so với lục bình nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, mở rộng diện tích trồng cùng nông dân địa phương và thu mua đầu ra ổn định.
Việt Nam Housewares hiện có ba nhà máy sản xuất đồ gỗ, gốm và thủ công mỹ nghệ; trong đó, nhà máy mây tre đan ở Vĩnh Long. Hầu hết sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Mỹ và EU, qua hệ thống Walmart, Kmart, Maisons Du Monde...
Cỏ năn tượng tên khoa học là Scirpus littoralis Schrad, mọc tự nhiên trong các đầm lầy vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Cỏ năn tượng có khả năng lọc sinh học, tự lấy oxy trong tự nhiên đưa xuống bộ rễ.
Các nhà khoa học cho biết cỏ năn tượng có thể chịu mặn 8‰ như cây bồn bồn, thậm chí độ mặn tới 15 - 20‰ vẫn không chết. Chỉ cần cấy găm 3 tép cỏ xuống đất bùn mặt ruộng, khoảng cách 7 - 8 tấc (70 - 80cm) chỉ trong thời gian ngắn cây sẽ tự nở bụi.
Nguyên liệu rẻ tạo cơ hội cạnh tranh tốt hơn
Tại một sự kiện do Hội Mỹ nghệ và Chế biến TP.HCM (HAWA) tổ chức gần đây, ông Huỳnh Lê Đại Thắng, giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ Nghĩa Sơn, cho biết công ty đang tìm các nhà sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Mỹ, EU.
Ông đánh giá nguyên liệu chiếm khoảng một nửa giá thành sản xuất trong ngành. Nếu giá nguyên liệu năn tượng có thể giúp giảm giá thành xuống một nửa, hàng hóa Made in Vietnam sẽ có sức cạnh tranh lớn.
"Nhu cầu ngành này rất lớn, nhưng với sản phẩm từ lục bình dễ bị mốc và bốc mùi. Khách hàng thường yêu cầu kỹ về an toàn hóa chất, bên Amazon cũng hay nhắc về điều này", ông Thắng chia sẻ.
Cùng về vấn đề nguyên liệu, đại diện một nhà mua hàng cho Đan Mạch cho biết nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt từ cói và lục bình tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, họ gặp thách thức vào mùa mưa khi nguồn nguyên liệu xử lý chưa cẩn thận dễ bị mối, mọt.
Về nguyên liệu, ông Mộc đánh giá lục bình hiện nay không còn sinh trưởng tự nhiên và có thể phải bón phân cho lớn nhanh. Điều này khiến phần vỏ của thân cây trở nên xốp hơn và dễ hư sau vài tuần dự trữ.
Ngược lại, năn tượng là loại cây sống ở vùng nước lợ mặn, thân cứng và bền hơn.
"Chúng tôi rửa năn tượng bằng sóng siêu âm, phơi khô xong, bó lại rồi chất đống, trùm bạt che lại để một năm sau vẫn không hư", ông Mộc dẫn chứng.
Phát triển ngành công nghiệp thủ công mỹ nghệ từ cỏ năn tượng đang được kỳ vọng là giải pháp tích cực cho việc ổn định đời sống của nhiều người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Hiệp hội làng nghề, cả nước có hơn 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống, sản xuất các sản phẩm như mây tre đan, gốm sứ, thêu, đúc đồng... với doanh thu khoảng 75.000 tỉ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm, đạt hơn 2,2 tỉ USD năm 2019 và được kỳ vọng đạt 4 tỉ USD năm 2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận