06/04/2018 17:33 GMT+7

Luật Tố cáo cần quy định rõ chủ thể tố cáo

HỒNG LY
HỒNG LY

TTO - Đây là nội dung được nhiều đại biểu tham gia góp ý tại hổi thảo góp ý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) diễn ra sáng 6-4 tại văn phòng đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM.


Luật Tố cáo cần quy định rõ chủ thể tố cáo - Ảnh 1.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM chủ trì buổi hội thảo, ảnh: HỒNG LY

Phát biểu tại hội thảo, Luật sư Trương Thị Hòa góp ý nên bổ sung thêm tổ chức, cá nhân hoặc pháp nhân bên cạnh cá nhân về chủ thể tố cáo.

Theo luật sư Hòa, việc quy định chủ thể tố cáo là cá nhân thì không tương thích với các luật khác, làm hạn chế quyền tố cáo của cơ quan, tổ chức, pháp nhân. "Hiện nay, tất cả các luật đều mở rộng ra. Tôi cho rằng có những vụ việc mà chính những cơ quan, tổ chức pháp nhân sẽ phải tố cáo, vì sự việc đó ảnh hưởng đến quyền lợi ích trực tiếp của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó, và họ thống nhất là đứng ra tố cáo. Vì thế, tôi kiến nghị bổ sung nội dung này.", luật sư Hòa nói.

Trái với ý kiến Luật sư Trương Thị Hòa, đại biểu Vũ Thanh Bình, Cục thi hành án TP.HCM, góp ý: "Chủ thể tố cáo cá nhân là chính xác nhất, phù hợp với xu thế thế giới. Bao gồm cá nhân người Việt Nam, và người nước ngoài. Không đặt tổ chức, pháp nhân vào đây."

 Theo ông Bình, Cơ quan tổ chức cứ cử đại diện ra làm việc, trong trường hợp tố cáo sai không biết xử lý ai, phải có cá nhân cụ thể mạnh dạn đứng ra tố cáo, để xác định quyền và nghĩ vụ rõ ràng.

Bổ sung ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Văn Trí, Đại học Luật TP.HCM, cho rằng việc quy định chủ thể tố cáo là cá nhân hoàn toàn hợp lý. Khi quy định về cơ quan tổ chức thì phải dự liệu có một số cá nhân sẽ núp bóng, lợi dụng bóng của tổ chức, làm náo loạn xã hội.

Ông Trí góp ý thêm, việc quy định chủ thể cá nhân còn chung chung. Trong trường hợp những cá nhân cư trú nước ngoài tố cáo, thì có được tiếp nhận, thụ lý hay không? Khi tố cáo sai có xử lý hay không? "Cho nên, cá nhân tố cáo phải là công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam mới phù hợp", đại biểu Nguyễn Văn Trí nói.

Luật Tố cáo cần quy định rõ chủ thể tố cáo - Ảnh 2.

Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu góp ý tại hội thảo, ảnh: HỒNG LY

Về nội dung hình thức tố cáo bằng văn bản giấy, fax, thư điện tử được chấp nhận. "Với thư điện tử nên có văn bản của chính phủ hướng dẫn về vấn đề đối với thư điện tử như thế nào, điều kiện, quy định ra sao. Việc tố cáo bằng lời nói, bao gồm trình bày trực tiếp hoặc qua điện thoại thì bằng chứng về điện thoại đó như thế nào, vì hiện nay, điện thoại sử dụng rất tinh vi.  Những vấn đề này tôi cho là  rất quan trọng vì tố cáo chính là sự bắt đầu, sau đó mới đến các bước tiếp theo, thụ lý, xử lý nội dung tố cáo và kết luận." - luật sư Trương Thị Hòa phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Văn Trí góp ý thêm: Việc cho phép tố cáo bằng văn bản fax, điện thoại, thư điện tử nhưng chưa có nội dung nào quy định đảm bảo tính chính xác thông tin nhằm xác định người tố cáo. Vì thế, ở khâu tiếp nhận, xử lý tố cáo phải có sự ràng buộc, cơ quan tiếp nhận tố cáo yêu cầu người tố cáo đến trực tiếp để xác nhận nội dung. Trong trường hợp đảm bảo bí mật thông tin, đại diện cơ quan đến tận nơi để xác minh thông tin tố cáo, đảm bảo tính chính xác.

HỒNG LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Luật Tố cáo