Chiều 9-1, phiên tòa xét xử hai cựu bộ trưởng cùng 36 người trong vụ án Việt Á tiếp tục phần tranh luận, các luật sư nêu quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình.
Trong vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, ông Nguyễn Thành Danh - cựu giám đốc CDC tỉnh Bình Dương - là người duy nhất đã từ chối nhận tiền khi được nhân viên của công ty này đến "cảm ơn".
Chính vì vậy, khi luận tội, viện kiểm sát đã đề nghị tòa tuyên phạt ông Danh 10 tháng 4 ngày tù. Mức án viện kiểm sát đề nghị bằng với thời gian ông Danh bị tạm giam.
"Mượn test xét nghiệm của Việt Á để sử dụng là thực hiện theo chủ trương cấp trên"
Bào chữa cho bị cáo Danh, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TPHCM) bày tỏ vui mừng vì ở góc độ công tố, buộc tội, phía viện kiểm sát đã cân đối công - tội, sai phạm đặt trong nguyên nhân, bối cảnh, hoàn cảnh để hướng đến sự khách quan nhất để đề nghị một mức hình phạt vừa phải cho ông Danh.
Tuy nhiên, luật sư nêu một số vấn đề để từ đó hội đồng xét xử xem xét, miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Thành Danh.
Theo luật sư, CDC Bình Dương thực hiện việc mượn test xét nghiệm, vật tư để sử dụng là thực hiện theo chủ trương của Sở Y tế tỉnh. Ông Danh hay CDC Bình Dương không hề tự ý hay đề xuất chủ trương mượn hàng này.
Qua lời khai của bị cáo Danh cùng một số người khác tại CDC Bình Dương, Sở Y tế Bình Dương và tại phiên tòa cũng xác nhận việc thực hiện mượn kit xét nghiệm của Công ty Việt Á là thực hiện theo chủ trương kết luận của lãnh đạo Sở Y tế thời điểm đó.
Vì cơ chế độc quyền kit xét nghiệm, test tách chiết trên thị trường của Công ty Việt Á, Công ty VNDAT tại thời điểm dịch lúc đó mà buộc CDC Bình Dương phải thực hiện thầu chỉ định cho hai công ty này để đơn vị mua được sản phẩm với giá rẻ nhất, nhưng đây cũng là chủ trương của Sở Y tế tỉnh Bình Dương.
Luật sư cho rằng hành vi hợp thức hồ sơ thầu để thanh toán hàng đã mượn cho Công ty Việt Á, Công ty VNDAT là sai phạm. Tuy nhiên, thời điểm đó, các bị cáo không thể nào biết được giá kit xét nghiệm của Việt Á đưa ra đã được nâng lên.
Luật sư cũng cho rằng ông Danh không chỉ đạo nhân viên cấp dưới liên hệ, phối hợp với Công ty Việt Á, Công ty VNDAT thông đồng, cung cấp hồ sơ kỹ thuật, báo giá cho đơn vị thẩm định giá để ban hành chứng thư thẩm định với giá do Công ty Việt Á đề nghị.
"Việc cáo buộc bị cáo Danh thông đồng là quá nặng nề", luật sư nhấn mạnh.
Theo luật sư, vì không có kinh nghiệm tổ chức thầu mà các bị cáo tại CDC Bình Dương không tự nhận thức được các hành vi chuyển báo giá, các đặc tính kỹ thuật của Công ty Việt Á cho Công ty Trung Tín là sai phạm.
"Ngày nhận quyết định nghỉ hưu cũng là ngày nhận quyết định khởi tố bị can"
Tiếp đó, luật sư cho rằng ông Nguyễn Thành Danh không vụ lợi hay nhận bất cứ lợi ích gì trong vụ án này. Điều này đã được nêu trong bản cáo trạng.
Khi được phía Công ty Việt Á đặt vấn đề tặng quà cảm ơn, bị cáo Danh đã quyết liệt từ chối không chỉ một mà nhiều lần.
"Bị cáo Danh là người rất khác biệt trong vụ án này. Bị cáo là người chính trực, liêm khiết, quyết liệt từ chối đồng tiền không chính đáng từ Việt Á trong hoàn cảnh như vậy là điều không dễ dàng, đây là một nhân cách đáng kính trọng", luật sư nêu quan điểm và mong hội đồng xét xử xem xét, đánh giá tình tiết đặc biệt này.
Cuối phần bào chữa, luật sư cho rằng điều vô cùng đau xót đối với ông Danh là đã xin nghỉ hưu trước hạn nhưng vì dịch nên đồng ý tiếp tục ở lại chống dịch, đăng ký tham gia vào tuyến đầu, hiểm nguy cả tính mạng.
"Nhưng nghiệt ngã thay, ngày ông Danh nhận quyết định nghỉ hưu cũng là ngày nhận quyết định khởi tố bị can", luật sư cho hay.
"Nghiệt ngã nhưng không tuyệt vọng vì nhân cách đáng kính trọng, khó khăn không chùn bước, tiền bạc không thể làm bị cáo Danh lung lay", luật sư nói và mong được hội đồng xét xử xem xét thấu tình đạt lý, để từ đó cho bị cáo Danh được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt là miễn trách nhiệm hình sự.
Bào chữa cho bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên (cựu nhân viên xét nghiệm CDC Bình Dương), luật sư nêu bối cảnh tỉnh Bình Dương khi bùng phát dịch Covid-19 nhưng cả tỉnh chỉ có một máy xét nghiệm PCR do doanh nghiệp tài trợ.
Bà Xuyên mặc dù là nhân viên xét nghiệm HIV thuộc khoa xét nghiệm CDC Bình Dương đang về quê Bình Định nghỉ Tết nguyên đán đã được ông Nguyễn Thành Danh triệu tập về cơ quan, điều động làm công tác xét nghiệm phòng chống dịch.
"Với tinh thần của một cán bộ ngành y tế, bị cáo Xuyên đã để gia đình ở quê, nhận nhiệm vụ lên tuyến đầu chống dịch", luật sư nói.
Theo luật sư, khi dự thảo các tờ trình tạm ứng kit test của Công ty Việt Á, bà Xuyên "không nghĩ rằng việc tạm ứng hàng là vi phạm pháp luật về đấu thầu".
"Hơn nữa, bản thân bị cáo là một cán bộ làm công tác chuyên môn về xét nghiệm, chưa từng được tập huấn hoặc được hướng dẫn về pháp luật đấu thầu nên không nhận thức đầy đủ hành vi dự thảo các tờ trình tạm ứng kit test của Công ty Việt Á theo chỉ đạo của lãnh đạo là đặt một chân vào vòng lao lý.
Lúc đó, bị cáo chỉ nghĩ đơn giản rằng mượn kit test là để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19", luật sư nêu quan điểm bào chữa.
Về hành vi nhận 1,06 tỉ từ Việt Á, luật sư dẫn lại lời khai của bà Xuyên tại tòa, khi nhân viên công ty này treo túi quà vào xe thì "bà không xác định được trong túi có gì, chỉ nghĩ là các bộ sản phẩm của Công ty Việt Á".
Sau khi phát hiện trong túi có tiền, bà Xuyên đã cố gọi điện lại cho nhân viên Việt Á để trả lại tiền nhưng không được.
Vì vậy, bà Xuyên đã tìm cách liên hệ với các nhân viên khác của Công ty Việt Á đưa tiền nhờ trả lại công ty trước khi bị cơ quan điều tra triệu tập.
"Việc này đã được cơ quan điều tra xác minh, tìm ra nhân viên cầm số tiền trên, yêu cầu trả lại cho Việt Á", lời khai của bà Xuyên tại tòa. Khi làm việc với cơ quan điều tra, bà đã chủ động khai báo về việc được Công ty Việt Á đưa tiền.
Cuối phần bào chữa, luật sư nêu ra hoàn cảnh của bà Xuyên sau khi bị tạm giam, chồng bị cáo ở nhà đã gặp tai nạn giao thông, bị mất trí nhớ. Bị cáo là lao động chính trong gia đình, hoàn cảnh rất khó khăn đang nuôi con nhỏ 5 tuổi.
"Việc Viện kiểm sát đề nghị áp dụng hình phạt 2-3 năm tù đối với bị cáo Xuyên sẽ ảnh hưởng rất lớn con của bị cáo. Hiện nay, cháu mới 5 tuổi, cha ruột thì không tự chăm sóc được, nếu bị cáo Xuyên phải chấp hành hình phạt tù, cháu bé sẽ không nơi nương tựa, thiếu hẳn sự chăm sóc, giáo dục từ mẹ. Tương lai cháu sẽ đi về đâu", luật sư trình bày và đề nghị tòa xem xét cho bà Xuyên được hưởng khoan hồng đặc biệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận