Phóng to |
Giữa khách hàng và luật sư thường ký hợp đồng dịch vụ pháp lý để cam kết quyền, nghĩa vụ hai bên (Ảnh minh họa) |
Chiều 20-3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm xử vụ luật sư Triệu Trung Dũng (Trưởng VPLS luật sư Triệu Dũng và cộng sự, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) kiện ông H.M.T đòi hơn 2 tỉ đồng (thù lao dịch vụ pháp lý và tiền phạt vi phạm hợp đồng).
Hội đồng xét xử (HĐXX) đã đồng tình với quan điểm của đại diện VKSND TP.HCM cho rằng có nhiều bất hợp lý trong hợp đồng dịch vụ pháp lý ngày 27-7-2010 giữa VPLS Triệu Dũng và Cộng sự (bên B) do luật sư Triệu Trung Dũng làm đại diện giao kết với ông H.M.T (bên A).
Cụ thể: hai bên đã ký hai hợp đồng dịch vụ pháp lý mang số 03/2010. Hợp đồng thứ nhất tại Điều 3 quy định: “Hai bên sẽ thỏa thuận mức thù lao và chi phí tại phụ lục của hợp đồng sau khi bên B nghiên cứu hồ sơ, tài liệu vụ án”.
Trong khi đó, hợp đồng thứ hai tại Điều 3 quy định về thù lao và chi phí thì để trống. Một dịch vụ pháp lý mà tồn tại 2 hợp đồng như trên là không phù hợp với quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, điều 2 hợp đồng còn quy định: “Bên A không được tự ý chấm dứt hoặc tạm dừng hợp đồng khi chưa có sự đồng ý của bên B, trừ trường hợp bất khả kháng”. Theo hội đồng xét xử, thỏa thuận trên không phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự về quyền chấm dứt hợp đồng của bên thuê dịch vụ nếu thấy bất lợi.
Điều 2 của hợp đồng quy định “Bên B được nhận tiền thù lao theo quy định tại Điều 4 của hợp đồng” nhưng trong hợp đồng chi phí thù lao được quy định ở Điều 3.
Mặt khác, từ khi ký hợp đồng, ông T. muốn biết thông tin về vụ việc của ông nhưng đã không được VPLS cung cấp.
Theo hợp đồng, tiền thù lao luật sư là 1 tỉ đồng. Sau khi kí hợp đồng, ông T phải thanh toán 20% ngay khi luật sư thực hiện xong việc sao chụp hồ sơ tại TAND quận 3. Thực tế luật sư Dũng có thông báo cho ông T về việc đã phô-tô tài liệu của vụ án nhưng không trực tiếp giao cho ông mà lại giao cho một người khác nhờ chuyển dùm và yêu cầu ông T. chuyển tiếp 150 triệu đồng.
Ông T yêu cầu được gặp luật sư nhưng bị từ chối nên ông cảm thấy bất an, không còn niềm tin với luật sư Dũng nữa nên đã gửi thông báo đơn phương chấm dựt hợp đồng. Việc ông T. chấm dứt hợp đồng là có cơ sở nên tòa nghĩ nên chấp nhận.
Vì vậy, hội đồng xét xử phúc thẩm đã thống nhất với ý kiến của đại diện VKSND TP.HCM, quyết định giữ nguyên án sơ thẩm của TAND quận 3, bác toàn bộ yêu cầu của luật sư Dũng.
Như tin đã đưa, ngày 27-7-2010 ông H.M.T. ký hợp đồng dịch vụ pháp lý yêu cầu luật sư Triệu Trung Dũng bảo vệ quyền lợi cho ông trong một vụ án tranh chấp chia thừa kế đang được TAND quận 3, TP.HCM thụ lý. Chi phí mời luật sư theo thỏa thuận là 1 tỉ đồng. Ngoài ra, luật sư Dũng còn được hưởng 5% giá trị tài sản mà ông T. được chia trong vụ kiện. Cùng ngày ông T. đặt cọc 200 triệu đồng.
Khi luật sư Dũng yêu cầu ông T. đưa thêm 150 triệu đồng nhưng ông T. không đưa mà gửi đơn đến TAND quận 3 thông báo không yêu cầu luật sư Dũng tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho mình trong vụ kiện thừa kế này nữa. Đồng thời, ông T. cũng gửi văn bản đến văn phòng luật sư để chấm dứt hợp đồng với lý do là luật sư không nhiệt tình với công việc.
Luật sư Dũng đã khởi kiện ra tòa yêu cầu ông T. phải trả tiếp 150 triệu đồng theo kỳ hẹn và bồi thường 1,85 tỉ đồng tiền phạt do vi phạm hợp đồng.
Tại cấp sơ thẩm, TAND quận 3 đã bác toàn bộ yêu cầu của luật sư Dũng. Luật sư Dũng kháng cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận