(Trích phát biểu của luật sư Phan Trung Hoài tại phiên tòa xét xử nhà báo Hoàng Khương sáng 7-9-2012)
Phóng to |
Luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho nhà báo Hoàng Khương, tại phiên sơ thẩm ngày 7-9 - Ảnh: Thuận Thắng |
Thứ nhất, về quá trình tham gia tố tụng và những yếu tố tác động đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
Vụ án đặt ra nhiều vấn đề rất đáng suy ngẫm về vai trò, trách nhiệm của báo chí và của Nhà báo trước sự phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội, vấn đề quyền thông tin và xác định ranh giới giữa hành vi tác nghiệp báo chí và hành vi bị coi là vi phạm pháp luật. Chính ở điểm mấu chốt này, chúng tôi thật sự đáng tiếc là Tòa án nhân dân TP.HCM đã không triệu tập Ban biên tập báo Tuổi Trẻ tham dự phiên tòa không chỉ với tư cách là cơ quan chủ quản của nhà báo Hoàng Khương, mà còn không có điều kiện làm rõ có hay không có quá trình tác nghiệp báo chí khi đánh giá hành vi dấn thân của nhà báo Hoàng Khương trong vụ án này, trong khi trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thận trọng nhiều lần làm văn bản yêu cầu và đã được Ban biên tập báo Tuổi Trẻ trả lời về tất cả mọi vấn đề liên quan hoạt động của nhà báo Hoàng Khương.
Thứ hai, bản kết luận điều tra, cáo trạng và kết luận của đại diện VKSND TP.HCM tại phiên tòa không thể hiện quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tội phạm thông qua hai bài báo đăng tải công khai trên báo Tuổi Trẻ, dẫn đến việc đánh giá sai lệch bản chất vụ án.
Theo quan điểm của chúng tôi, nội dung kết luận và quy buộc trong cáo trạng đã cắt khúc toàn bộ quá trình tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm và quá trình kiểm tra, xử lý của Công an quận Bình Thạnh, sau đó đề nghị và được CQĐT Công an TP.HCM quyết định khởi tố vụ án hình sự khởi nguồn từ các bài báo được đăng tải công khai trên báo Tuổi Trẻ mà tác giả là nhà báo Hoàng Khương, biến thực tế khách quan nói trên trở thành vụ việc vì lợi ích cá nhân, vượt quá mục đích tác nghiệp báo chí để đưa hối lộ 15 triệu đồng cho Huỳnh Minh Đức.
Thứ ba, bản kết luận điều tra, cáo trạng và kết luận của đại diện VKSND TP.HCM tại phiên tòa không hề đề cập về chủ trương của báo Tuổi Trẻ, quá trình tác nghiệp báo chí và không làm rõ được mục đích, động cơ của nhà báo Hoàng Khương liên quan hai bài báo đăng ngày 5-7-2011 và 10-7-2011.
Đầu năm 2011, ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã triển khai cho tòa soạn xây dựng đề cương tuyến bài nhiều kỳ về tai nạn giao thông với mục đích phản ánh thực trạng, phân tích nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp hạn chế tai nạn giao thông. Theo đó, tòa soạn đã xây dựng đề cương thực hiện chiến dịch truyền thông về giảm thiểu tai nạn giao thông, nội dung tập trung vào nhiều nhóm vấn đề, từ các vấn đề về phương tiện giao thông, hành vi người đi đường, hạ tầng giao thông, việc tuân thủ pháp luật chưa nghiêm, cho đến thái độ, văn hóa ứng xử trong giao thông… Đề cương tuyến bài được tòa soạn triển khai cho nhiều ban, tổ văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ tại các khu vực trong cả nước cùng tham gia. Ban Chính trị là một ban mũi nhọn của báo đã phân công nhiều phóng viên thực hiện tuyến bài này, trong đó có nhà báo Hoàng Khương.
Thứ tư, hành vi tác nghiệp báo chí của nhà báo Hoàng Khương diễn ra sau khi Huỳnh Minh Đức đã có hành vi sai phạm nhận tiền 3 triệu đồng để giải quyết vụ tai nạn ôtô đầu kéo không đúng quy trình, không phải do sự “cài bẫy” hay quyết thực hiện đến cùng hành vi đưa hối lộ do việc Huỳnh Minh Đức không trả giấy tờ xe 51F-2435.
Hành vi liên quan việc Tôn Thất Hòa đưa 15 triệu cho Huỳnh Minh Đức không chỉ là quá trình tác nghiệp tìm hiểu quy trình và đường dây tiêu cực trong việc giải cứu xe đua vi phạm của nhà báo Hoàng Khương, mà còn thể hiện về mặt khách quan diễn ra sau khi cán bộ CSGT Công an quận Bình Thạnh đã có hành vi nhận tiền của Trần Anh Tuấn. Hoàn toàn không có việc Hoàng Khương “cài bẫy” hoặc quyết tâm thực hiện đến cùng hành vi vi phạm pháp luật như cáo trạng đã nêu.
Thứ năm, việc quyết định truy tố nhà báo Hoàng Khương về hành vi “đưa hối lộ” do liên quan đến quá trình tác nghiệp là chưa đủ căn cứ pháp lý, không phù hợp với đường lối xử lý đối với tin báo tố giác tội phạm, đi ngược lại chính sách hình sự đối với người có công phát hiện, tố giác tội phạm tiêu cực, tham nhũng.
Với những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, chúng tôi có đủ cơ sở để khẳng định việc CQĐT khởi tố, bắt tạm giam, tiến hành điều tra, VKSTP quyết định truy tố đối với ông Nguyễn Văn Khương (tức nhà báo Hoàng Khương) là chưa bảo đảm căn cứ pháp lý, không hội đủ các dấu hiệu đặc trưng (nhất là mặt chủ quan) cấu thành tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999. Như đánh giá của ban biên tập báo Tuổi Trẻ, hành vi của nhà báo Hoàng Khương có sai sót về hoạt động tác nghiệp báo chí, cần được đặt ra xem xét về trách nhiệm báo chí đối với xã hội và đạo đức nhà báo, nhưng về bản chất không cấu thành tội phạm hình sự như quyết định truy tố đối với nhà báo Hoàng Khương.
Trên thực tế, rõ ràng PV Hoàng Khương vì hoạt động tác nghiệp báo chí, đã tự đặt mình vào trong tình trạng có thể nguy hiểm đến tính mạng, uy tín cá nhân và sự an nguy của bản thân, vợ con và người thân trong gia đình… Nếu động cơ của PV Hoàng Khương là để trục lợi cá nhân, giúp đỡ có lợi cho Trần Minh Hòa hoặc có những mục đích không chính đáng khác thì chắc chắn sau đó, PV Hoàng Khương đã không viết bài để đăng báo công khai như thực tế đã diễn ra. Bài báo “CSGT giải cứu xe đua trái phép” được viết và đăng tải chắc chắn không phải xuất phát từ động cơ cá nhân do sự kiện Huỳnh Minh Đức không trả lại giấy đăng ký xe. PV Hoàng Khương đã không lợi dụng cương vị của mình là nhà báo để viết bài, đăng báo nhằm mục đích ép Huỳnh Minh Đức thực hiện đến cùng hành vi trái pháp luật như nhận định của CQĐT.
Về mặt khách quan, ngay cả trong trường hợp nếu có dấu hiệu bị coi là tội phạm, thì hành vi của nhà báo Hoàng Khương cũng có thể được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 6 điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 và điểm 4 điều 4 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Bởi lẽ, tuy không chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, nhưng thực tế ông Nguyễn Văn Khương với tư cách là một nhà báo, đã chủ động viết bài, đưa công khai hành vi tiêu cực trên báo Tuổi Trẻ. Các thông tin được đăng tải công khai trên hai bài báo “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “CSGT giải cứu xe đua trái phép” của nhà báo Hoàng Khương được coi là thông tin tố cáo hành vi tội phạm trên báo chí. Đây là một trong những nguồn tiếp nhận đơn tố cáo theo quy định tại điểm (b) Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 63/2010/TT-BCA (V24) ngày 29/12/2010 của Bộ Công an hướng dẫn, quản lý và giải quyết khiếu nại tố cáo trong Công an nhân dân. Thực tế Công an quận Bình Thạnh và CQĐT Công an TP.HCM đã căn cứ vào hướng dẫn của Thông tư nói trên để tiến hành xác minh, xử lý và quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Đội CSGT Công an quận Bình Thạnh.
Từ những căn cứ và trình bày nêu trên, chúng tôi cho rằng nội dung kết luận điều tra và cáo trạng đã đánh giá không đúng toàn bộ bối cảnh phát hiện và bản chất vụ án, thiếu những chứng cứ có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở cho quyết định truy tố như được quy định tại điểm (a), (e) khoản 2 điều 1, có biểu hiện vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng khi không đưa vào nội dung KLĐT và cáo trạng những tài liệu quan trọng được thu thập trong quá trình điều tra vụ án theo điểm (l) khoản 2 điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27-8-2010 của Liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao- Bộ Công an- Tòa án nhân dân tối cao (“TTLT01”).
Nay căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, xuất phát từ sự thừa nhận có sai sót trong hoạt động tác nghiệp báo chí, phù hợp với đường lối xử lý đối với người tố cáo và thông tin tố giác tội phạm qua kênh báo chí, nhất quán với quan điểm xử lý trong vụ án xảy ra tại Thanh Hóa xuất phát từ các bài báo của nhà báo Hoàng Khương với các biện pháp tác nghiệp trong vụ án này, chúng tôi xin trân trọng kính đề nghị quý hội đồng xét xử có quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, trả tự do cho nhà báo Hoàng Khương ngay tại phiên tòa.
I I I I I - I I I - I I I I I I I I I I I |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận