25/12/2014 11:49 GMT+7

Luật sư đề nghị hủy phần bản án liên quan 200 tỉ của Navibank

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Sáng 25-12, các luật sư của ngân hàng NaviBank đã tranh luận, đề nghị tòa hủy phần bản án liên quan 200 tỉ của Navibank, điều tra xét xử lại theo hướng Huyền Như tham ô tiền này của Vietinbank.

Các bị cáo trong phiên tòa Huyền Như - Ảnh: Thuận Thắng

Trong phần đề nghị tại phiên xử phúc thẩm vụ án lừa đảo 4.000 tỉ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như hôm qua 24-12, NaviBank là một trong 2 ngân hàng bị đại diện viện kiểm sát (VKS) đề nghị tòa bác kháng cáo.

Theo VKS thì NaviBank (bị chiếm đoạt 200 tỉ đồng) đã tự đặt mình vào vị trí pháp lý mà pháp luật không thể bảo vệ, bởi lỗi quản lý tiền của NaviBank cũng như thiếu trách nhiệm của những người gửi tiền.

Tiền NaviBank không phải là tiền phi pháp

Luật sư Trương Thanh Đức, người bảo vệ quyền lợi cho NaviBank đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên hủy phần bản án đối với số tiền bị chiếm đoạt của NaviBank để điều tra và xét xử lại theo hướng đây là hành vi tham ô 200 tỷ đồng của Viettinbank, thay vì 4 nhân viên Navibank bị lừa đảo.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn cho thấy Vietinbank đã nhận tiền gửi của 4 nhân viên Navibank một cách hợp lệ, hợp pháp. Sau đó, Vietinbank đã chuyển số tiền gửi sang thẻ tiết kiệm, đưa thẻ tiết kiệm vào cầm cố trái pháp luật.

Vietinbank đã khấu trừ tiền gửi trái pháp luật. Và vì thế nên Vietinbank - chứ không phải Huyền Như, phải có trách nhiệm hoàn trả tiền gửi cho 4 nhân viên Navibank.

Tranh luận với quan điểm của VKS cho rằng tiền của các nhân viên gửi vào VietinBank là phi pháp, luật sư cho rằng tiền của nhân viên NaviBank gửi vào không phải là tiền phi pháp vì đây là tiền của NaviBank huy động của người dân chứ không phải là được rửa, trộm cắp.

“Hơn nữa, dù nguồn gốc tiền gửi thế nào thì cũng không ảnh hưởng đến việc tiền gửi bị chiếm đoạt và trách nhiệm của ngân hàng nhận tiền”, luật sư Đức nói.

Luật sư Đức cũng cho rằng 4 nhân viên NaviBank đã ký các hợp đồng tiền gửi với các Phó Giám đốc Vietinbank Hồ Chí Minh, chứ không ký với Huyền Như hay Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ của Huyền Như (lúc đó Huyền Như giữ chức quyền trưởng phòng giao dịch này).

Vì thế, việc bản án sơ thẩm cho rằng 4 nhân viên Navibank gửi tiết kiệm xong đã không lấy thẻ tiết kiệm, nên đã bị Huyền Như lợi dụng chiếm đoạt, là một sai lầm nghiêm trọng.

Cả 4 nhân viên Navibank không hề có một sự thoả thuận hay một hành vi nào chuyển số tiền gửi sang thẻ tiết kiệm mà hệ thống của Vietinbank đã tự chuyển tiền gửi tài khoản của khách hàng sang hình thức gửi tiết kiệm, không dựa trên bất cứ cơ sở pháp luật và thoả thuận nào.

Theo luật sư thì hồ sơ vụ án cũng như kết quả thẩm vấn công khai tại phiên toà phúc thẩm đã cho thấy rõ là một mình cá nhân Huyền Như thì không thể thực hiện được việc chuyển đổi thành thẻ tiết kiệm, sau đó mang các thẻ tiết kiệm (thật về hình thức, giả về bản chất) đó để cầm cố, chiếm đoạt.

“Lỗi chuyển đổi sai này hoàn toàn thuộc về Vietinbank, do vậy Vietinbank phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng”, luật sư Đức đề nghị với tòa.

Giống 5 công ty khác, sao không buộc Vietinbank bồi thường?

Cho rằng bản án sơ thẩm đã xác định sai tư cách tố tụng của NaviBank luật sư còn đề nghị HĐXX buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm về việc đã bất chấp nguyên tắc, tự động khấu trừ 57,5 tỷ đồng trong các tài khoản tiền gửi của 4 nhân viên Navibank để thu nợ cho các khoản vay theo hợp đồng tín dụng giả và hợp đồng cầm cố giả.

"Đây là vi phạm rất nghiêm trọng của Vietinbank sau khi Huyền Như đã bị bắt giam. Bản án sơ thẩm sai lầm khi xác định đó là số tiền mà Huyền Như chiếm đoạt của Navibank. Sự thật, đó chính là số tiền mà Vietinbank đã chiếm đoạt từ tài khoản tiền gửi hợp pháp của khách hàng", luật sư Đức nói.

Luật sư cho rằng việc gửi tiền của NaviBank là có sai sót, nhưng sai sót này cũng giống như 5 công ty khác, đều không phải là nguyên nhân dẫn đến việc mất tiền như đại diện VKS đã kết luận.

"Sai sót của Navibank là giống với ít nhất 3/5 công ty gửi tiền mà VKS kết luận Vietinbank phải có nghĩa vụ bồi thường, nhưng đáng tiếc là VKS lại kết luận hai hậu quả pháp lý hoàn toàn trái ngược nhau”, luật sư tranh luận.

Đại diện của NaviBank và đại diện của 4 nhân viên NaviBank đã gửi tiền vào VietinBank cũng đồng tình đề nghị HĐXX tuyên hủy phần bản án sơ thẩm để điều tra theo hướng Huỳnh Thị Huyền Như đã tham ô số tiền mà NaviBank đã gửi vào Vietinbank.

NaviBank là nguyên đơn dân sự của tội lừa đảo là đúng

Trong phần nhận định, VKS cho rằng: 200 tỷ đồng của NaviBank do 4 nhân viên đứng tên. Do có ý thức chiếm đoạt tiền nên sau sự giới thiệu Như đã móc nối với Đoàn Năng Luật, nhân viên của Navibank để các nhân viên này tin tưởng gửi tiền.

Như đã đề nghị lãnh đạo VietinBank CN TP.HCM để nhận gửi 500 tỉ đồng với lãi suất 14%/năm, thời hạn 4 tháng. Sau đó Như đã tất toán hợp đồng với số tiền là 300 tỉ, còn 200 tỉ đồng do các cá nhân đứng tên Như đã chiếm đoạt hết.

4 nhân viên NaviBank bị Như dẫn dụ đã vi phạm quy định tại quyết định 1284 là cho thuê cho mượn tài khoản, ngay từ  lúc mở, các nhân viên này có mục đích để NaviBank gửi tiền vào kinh doanh không hợp pháp.

Navibank cũng biết rõ và hoàn toàn có thể theo dõi các khoản tiền nhưng vì động cơ và mục đích cá nhân nên đã bỏ mặc không quan tâm.

Do đó, xuất phát từ lỗi của NaviBank và các nhân viên, khiến NaviBank tự đặt mình vào tình trạng pháp lý khiến pháp luật không thể bảo vệ. Vì vậy, NaviBank phải chịu trách nhiệm của hậu quả xảy ra.

Thực chất 200 tỉ này là của Navibank, nên bản án dân sự xác định NaviBank tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là đúng bản chất vụ án.  

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên