Giám đốc tài chính Tập đoàn công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Chu - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Bloomberg ngày 20-4, bà Mạnh sẽ tiếp tục bị giam giữ tại gia thêm một thời gian nữa vì việc trì hoãn xét xử này. Quá trình đấu tranh pháp lý đã kéo dài hơn hai năm, và bà Mạnh vẫn đang nỗ lực chống lại lệnh dẫn độ từ Canada sang New York (Mỹ).
Mới đây, một tòa án tại Hong Kong đã cho phép công bố các tài liệu mới từ ngân hàng của phía Huawei và Ngân hàng HSBC (Mỹ). Luật sư Richard Peck của bà Mạnh cho rằng những tài liệu mới “có thể có giá trị lớn trong quyết định cuối cùng liên quan tới vụ việc này”.
“Tất cả chúng tôi đã làm việc nỗ lực và hiệu quả để trình bày vụ việc phức tạp này trước tòa, nhưng nay đã đến lúc cần thêm thời gian”, ông Peck trình bày trước tòa tại Canada.
Cũng theo vị luật sư này, đây là “thời điểm thuận lợi” cho việc trì hoãn vì tỉnh British Columbia và Ontario đang là điểm nóng của đợt bùng dịch COVID-19 thứ 3 của Canada. Hai tỉnh này là nơi các luật sư tham gia vụ kiện cả hai bên đang sinh sống.
Tuy nhiên, phía công tố kêu gọi thẩm phán Tòa án tối cao tỉnh British Columbia, bà Heather Holmes từ chối yêu cầu trì hoãn của phía Huawei. Các công tố viên cho rằng nhóm bào chữa cho bà Mạnh không biết các tài liệu có nội dung gì, cũng như khi nào tất cả chúng sẽ tới tay họ.
“Họ đang muốn phiên tòa này trở lại tòa sơ thẩm một lần nữa”, luật sư Robert Frater của Chính phủ Canada tuyên bố.
Theo Bloomberg, thẩm phán Holmes sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 21-4.
Bà Mạnh bị bắt tại thành phố Vancouver, tỉnh British Columbia, Canada tháng 12-2018 khi đang quá cảnh từ Hong Kong tới Mexico.
Các quan chức Mỹ cáo buộc bà đánh lừa Ngân hàng HSBC về quan hệ giữa Huawei và Skycom, một công ty con không trực tiếp thuộc quản lý của hãng, khiến HSBC vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ về việc làm ăn tại Iran.
Đội ngũ pháp lý của bà Mạnh chia các lập luận của mình về việc từ chối yêu cầu dẫn độ thành bốn ý chính. Ba ý đã được trình bày trước tòa bao gồm: 1. Mục đích chính trị đã lèo lái thủ tục tố tụng trong vụ việc; 2. Các nhà chức trách Canada lạm dụng quy trình bắt giữ bà Mạnh; 3. Mỹ không có thẩm quyền để yêu cầu dẫn độ ngay từ đầu.
Ý cuối cùng có nội dung "quan chức Mỹ đánh lừa phía Canada trong yêu cầu dẫn độ" dự kiến được đưa ra tranh luận từ ngày 26-4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận