Luật sư Phạm Công Út trong phiên tòa chiều 12-3 - Ảnh: TUYẾT MAI
Một luật sư đang tham gia bào chữa cho 8 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái xảy ra tại Navibank thì bị kỷ luật xóa tên khỏi Đoàn luật sư. Điều này đồng nghĩa việc luật sư không thể tiếp tục tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Đang bào chữa thì... bị kỷ luật
Ngày 12-3, ban chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM đã ký quyết định về việc xử lý kỷ luật luật sư, áp dụng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư Đoàn luật sư TP.HCM đối với luật sư Phạm Công Út (giám đốc Công ty Luật TNHH một thành viên Phạm Nghiêm).
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Luật sư Phạm Công Út có quyền khiếu nại đến ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Công Út cho biết bản thân ông cũng chưa đưa ra quyết định chính thức về việc có khiếu nại quyết định kỷ luật trên hay không.
Điều đáng lưu ý là hiện ông Phạm Công Út đang là luật sư bào chữa cho 8 bị cáo nguyên là cán bộ Navibank trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đang được TAND TP.HCM xét xử nhiều ngày qua.
Đây là sự việc hiếm hoi xảy ra trong lịch sử tố tụng, đặt ra nhiều tình huống pháp lý cần giải quyết.
Có cần hoãn phiên tòa?
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM), trong trường hợp luật sư đang tham gia bào chữa cho bị cáo tại tòa nhưng có quyết định kỷ luật xoá tên thì luật sư đó phải tự rút tư cách người bào chữa hoặc hội đồng xét xử (HĐXX) phải yêu cầu luật sư đó chấm dứt tư cách người bào chữa vì không còn là luật sư.
Về phía bị cáo, bị cáo có thể đề nghị HĐXX cho hoãn phiên toà để mời hoặc nhờ Tòa án chỉ định người bào chữa khác cho mình nếu thuộc trường hợp được chỉ định người bào chữa.
Việc yêu cầu này có thể được HĐXX chấp thuận để đảm quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa của bị cáo theo quy định của BLTTHS 2015.
Trong trường hợp trong vụ án đó, bị cáo có từ 2 luật sư bào chữa trở lên thì việc 1 người chấm dứt tư cách người bào chữa thì vẫn còn những luật sư khác tham gia bào chữa, quyền nhờ người khác bào chữa của bị cáo đã được đảm bảo.
Hơn nữa, về mặt tố tụng, trừ khi HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì luật sư được mời mới có thể tham gia vụ án ngay từ đầu, còn phiên toà đang xét xử thì không thể hoãn để chờ luật sư được mời làm thủ tục bào chữa và luật sư đó cũng không có thời gian để nghiên cứu hồ sơ vụ án, nhất là hiện nay vụ Navibank đã kết thúc phần xét hỏi.
Tương tự, ông Đinh Văn Quế (Nguyên Chánh tòa hình sự - TAND Tối cao) cho rằng hiện nay pháp luật không có quy định về việc này, tuy nhiên trong trường hợp bị cáo đã có nhiều luật sư khác bào chữa nhưng vẫn yêu cầu HĐXX hoãn phiên tòa để mời thêm luật sư thì việc xem xét có hoãn phiên tòa hay không do HĐXX quyết định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận