Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Ảnh: MEDIA QUOCHOI
Chiều 25-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành".
Đây là chuyên đề sẽ được Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 3 (khai mạc ngày 23-5).
Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết để hoàn thành báo cáo có dung lượng 66 trang phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, đoàn giám sát đã làm việc với nhiều bộ ngành, địa phương.
Ngày 21-4, Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban cán sự Đảng Chính phủ để đánh giá kỹ lưỡng các kết quả, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là thống nhất các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác quy hoạch trong thời gian tới.
Ông cho biết thêm việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch từng bước khắc phục sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ.
Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch hiện còn chậm. Đến nay mới có 6 quy hoạch (4 quy hoạch ngành quốc gia, 1 quy hoạch vùng và 1 quy hoạch tỉnh) được phê duyệt.
Ngoài ra, hiện còn 1 quy hoạch tỉnh đang trình phê duyệt; 4 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. 14 quy hoạch ngành quốc gia, 16 quy hoạch tỉnh đã gửi lấy ý kiến và chuẩn bị thẩm định theo quy định.
Theo kế hoạch, trong năm 2022 các quy hoạch này phải thực hiện xong, song theo đoàn giám sát, thời gian còn lại chỉ 8 tháng, trong khi có những quy hoạch chưa xác định xong tư vấn. Do đó, khả năng không hoàn thành các quy hoạch theo tiến độ rất cao.
"Có thể có trường hợp các quy hoạch cấp dưới được phê duyệt trước sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch cấp trên được phê duyệt sau. Việc này sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư đã được triển khai theo quy hoạch cấp dưới", báo cáo đoàn giám sát nêu.
Vì thế, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết để gỡ khó trong việc thực hiện quy hoạch từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Nghị quyết này sẽ gồm các giải pháp triển khai ngay và cả giải pháp dài hạn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Theo đó, giải pháp cấp bách cần triển khai ngay là cho phép áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa lựa chọn được tư vấn. Tuy nhiên, cần hạn chế việc 1 tư vấn cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ tư vấn, vì khó bảo đảm được chất lượng công việc.
Luật quy hoạch còn nhiều bất cập
Cũng theo ông Thanh, qua giám sát nhận thấy Luật quy hoạch còn nhiều bất cập, trong đó, cách hiểu chưa thống nhất về phương pháp lập quy hoạch tích hợp, trình tự lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch, chưa dự báo hết được những khó khăn, phức tạp trong quá trình triển khai.
Chỉ ra nguyên nhân, đoàn giám sát nhận định bộ ngành, địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ đầy đủ thông tin để bảo đảm sự đồng bộ của quy hoạch được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận