23/11/2019 09:21 GMT+7

Luật mở đường cho cải cách chính quyền đô thị

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Ngày 22-11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, làm căn cứ pháp lý cho việc tổ chức chính quyền đô thị 2 cấp.

Luật mở đường cho cải cách chính quyền đô thị - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV và phê chuẩn việc miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 - Ảnh: TTXVN

Lý giải vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tại thời điểm Hiến pháp 2013 được thông qua, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa hoàn thành việc tổng kết toàn diện kết quả triển khai việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. 

Vì vậy, để tạo độ mở cho việc tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương, điều 111 của Hiến pháp năm 2013 quy định với 2 điều khoản khác nhau về "chính quyền địa phương" và "cấp chính quyền địa phương".

"Hiện nay, nhu cầu cải cách để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo đang trở nên bức thiết" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu. 

Đồng thời khẳng định việc Bộ Chính trị phê duyệt đề án thí điểm quản lý theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội do Thành ủy Hà Nội trình và việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội tại kỳ họp thứ 8 này cũng cho thấy nhu cầu đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương là thực sự cần thiết và có cơ sở chính trị - pháp lý, cơ sở thực tiễn.

Từ các lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng: Chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. 

Cấp chính quyền địa phương ở quận, phường gồm có HĐND quận, phường và UBND quận, phường. Như vậy, luật trao quyền cho Quốc hội quyết định cụ thể việc tổ chức cấp chính quyền hoặc chính quyền ở các đơn vị hành chính.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của luật là quy định phân cấp, phân quyền quản lý trong bộ máy. 

Theo đó, bộ trưởng có quyền thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc. 

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về việc cán bộ, công chức có thể xin từ chức đã được Luật cán bộ, công chức hiện hành quy định cụ thể tại điều 30 (đối với cán bộ) và điều 54 (đối với công chức). 

Đây không phải là một hình thức kỷ luật mà do cán bộ, công chức tự nguyện xin từ chức. Do đó, luật quy định thẩm quyền của bộ trưởng trong việc cho từ chức đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý là phù hợp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến rời "ghế nóng" bộ trưởng Bộ Y tế

Với 424 phiếu đồng ý (87% tổng số đại biểu) và 30 đại biểu bấm nút không đồng ý, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Quốc hội cũng miễn nhiệm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định với 456 phiếu thuận (chiếm 94%) vào chiều 22-11.

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình đề nghị miễn nhiệm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Y tế.

Sau đó, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở đoàn về việc miễn nhiệm chức danh đối với bà Tiến và ông Định. Việc phê chuẩn người thay thế bà Kim Tiến không có trong chương trình của kỳ họp Quốc hội lần này, còn việc bầu nhân sự thay thế ông Khắc Định sẽ tiến hành vào đầu tuần sau.

Trước đó, Bộ Chính trị đã quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã được cử làm bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế. Còn ông Nguyễn Khắc Định được Bộ Chính trị chỉ định giữ chức bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa.

N.HIỂN - T.LONG

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên