![Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Cần thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu - Ảnh 1. Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Cần thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/7/080225anh-chinh-trang-13-read-only-1738941626103277388113.jpg)
GS.TS Mai Thanh Phong, hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng cần phải có một dự thảo mang tính toàn diện hơn, có tính đột phá, giao quyền nhiều hơn cho các tổ chức khoa học công nghệ - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Sáng 7-2, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm khẩn trương triển khai hiệu quả nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chưa có đột phá lớn
Tại tọa đàm, các nhà khoa học đã có nhiều ý kiến góp ý các nội dung của dự thảo luật với mong muốn và kỳ vọng Luật Khoa học công nghệ sửa đổi sẽ xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học.
Nhiều nhà khoa học cho rằng chưa thấy rõ về cơ chế, ưu đãi đối với trường đại học thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học, đặc biệt với các sản phẩm thương mại hóa, các hợp tác doanh nghiệp cùng nghiên cứu phát triển R&D từ trường đại học.
Nhiều ý kiến đề nghị đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp; cải thiện chính sách nhân lực để thu hút nhân tài.
GS.TS Mai Thanh Phong - hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - nhận định dự thảo luật lần này đã có những điểm mới, tuy nhiên, nếu so với tinh thần nghị quyết 57 thì thực sự chưa có sự đột phá lớn.
Dự thảo luật có một chương nói về thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, nhưng chương này chỉ có 3 điều, mỗi điều có vài dòng mang tính định nghĩa, chưa thể hiện được tinh thần nghị quyết 57.
"Cần phải có một dự thảo mang tính toàn diện hơn, có tính đột phá, giao quyền nhiều hơn cho các tổ chức khoa học công nghệ hoặc có tư tưởng mang tính rộng rãi hơn trong việc đưa kết quả nghiên cứu ra thực tiễn", ông Phong kiến nghị.
Cần luật hóa trường đại học được thành lập doanh nghiệp
Phần lớn các nhà khoa học đều cho rằng dự thảo luật này cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa từ sản phẩm nghiên cứu khoa học của họ thông qua thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc doanh nghiệp thuộc đại học.
Ông Phong nêu một số điểm hết sức lưu ý cần thể hiện rõ trong dự thảo luật này. Thứ nhất, các cơ sở giáo dục đại học cơ bản là tổ chức khoa học công nghệ. Thứ hai, cần phải được luật hóa rằng các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa các kết quả của mình.
Cuối cùng, trước đây các nhà khoa học thuộc các cơ sở giáo dục đại học hay tổ chức công lập, là viên chức, không được tham gia điều hành hay thành lập doanh nghiệp để triển khai phát triển, cũng như việc thương mại hóa kết quả của mình, những vấn đề này chưa được làm rõ trong dự thảo luật này. Một điểm nữa mà từ trước đến giờ vẫn là vấn đề hết sức quan trọng nhưng gần như bế tắc hoàn toàn, đó là định giá công nghệ; phân chia quyền lợi giữa các bên và chủ sở hữu.
"Tôi cho rằng trong giai đoạn này của đất nước, Nhà nước không nên coi tiền đầu tư cho đề tài công nghệ là một khoản đầu tư để có thể thu lại. Đây là một khoản đầu tư gần như là quên đi, và lợi ích của việc đầu tư này là phát triển khoa học công nghệ của đất nước.
Đó là những kết quả có thể được triển khai ứng dụng một cách hợp pháp, và những giá trị đó làm tăng giá trị của nền sản xuất của xã hội, chứ không phải là tiền thu lại. Như vậy việc định giá công nghệ nên giao quyền cho tổ chức giao quyền sở hữu. Ví dụ, đó có thể là một trường đại học hoặc một viện nghiên cứu.
Thứ hai, việc phân chia quyền tác giả và tổ chức theo tỉ lệ phần trăm cũng nên được quyết định bởi tổ chức đó, dựa theo thỏa thuận giữa tổ chức và đối tác, cũng như nhu cầu của khách hàng theo cơ chế thị trường. Và tất nhiên, nếu giả sử họ làm sai, cố tình làm sai thì có pháp luật. Cho nên, bằng mọi cách tạo thuận lợi để kết quả nghiên cứu ra được với thực tế sản xuất là điều cần nhất", ông Phong nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng nếu giữ cụm "đổi mới sáng tạo" như tên dự thảo luật sẽ không phù hợp vì đổi mới sáng tạo là kết quả của nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.
Ngoài ra, các quy định về tài chính và đầu tư cho khoa học công nghệ theo dự thảo luật chỉ mới đề cập chi ngân sách cho khoa học công nghệ tối thiểu 2% ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên chưa bao quát bình quân đầu tư cho khoa học công nghệ từ các nguồn khác nhau chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của quốc gia. Trong đó nguồn từ ngân sách là bao nhiêu, nguồn từ huy động xã hội ngoài Nhà nước là bao nhiêu. Từ đó mới có chính sách huy động nguồn lực xã hội.
Còn nhiều điểm mơ hồ
PGS.TS Phạm Văn Phúc - viện trưởng Viện tế bào gốc (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng dự thảo luật còn thiếu nhiều định nghĩa và nhiều khái niệm khá mơ hồ.
"Theo dự thảo luật này, cách phân tích về các loại hình nghiên cứu, tổ chức, quản lý nghiên cứu... khi Nhà nước ban hành các văn bản dưới luật sẽ rất khó khăn", ông Phúc nói.
Trao quyền tự chủ cao hơn
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, thành viên Hội đồng khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM, dự thảo luật cần có các điều khoản quy định về cơ chế đặc thù cho hai đại học quốc gia và Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ.
Cụ thể là trao quyền tự chủ cao hơn, cho phép các tổ chức tài chính và hợp tác quốc tế. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, y sinh học, năng lượng tái tạo. Khuyến khích hợp tác giữa đại học quốc gia và doanh nghiệp, tạo cơ chế doanh nghiệp đồng tài trợ nghiên cứu để tăng cường tính ứng dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận