02/12/2018 15:21 GMT+7

Luật giao thông và luật đời

TRẦN HÀO
TRẦN HÀO

TTO - Có những vụ tai nạn người vi phạm lợi dụng luật, tìm cách né tội hoặc giảm đền bù thiệt hại cho nạn nhân. Có vụ một bên chỉ chăm chăm lợi ích của mình, bất chấp lý và tình. Cũng có những vụ đôi bên tự phân xử với nhau êm thắm bằng tình người.

Luật giao thông và luật đời - Ảnh 1.

Một vụ va quẹt nhẹ giữa xe máy và xe buýt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, nhưng do không tự thu xếp được phải chờ CSGT phân xử - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sáng hôm đó, ôtô của tôi đang leo dốc cầu Mỹ Thuận hướng về Vĩnh Long, xe tải đi bên phải thình lình cúp lái chuyển làn trước đầu xe tôi. Tôi đạp phanh thần lực, cú phanh cháy bánh đã giúp tôi thoát nạn trong gang tấc.

Hành khách trên xe chưa kịp hoàn hồn, lại một tiếng "rầm" thật lớn đằng sau xe kèm một cú chấn động mạnh. Tôi tái mặt nhận ra xe sau không phanh kịp đã húc vào đuôi xe mình.

Ích kỷ, cứ luật mà xử

Trong tâm thế người có lỗi, tôi xuống xe nắm sự thể. May mắn hành khách không ai bị thương. Chiếc Escape của tôi bị vỡ toàn bộ cản sau, xe bán tải chạy sau bị dúm dàn đầu và vỡ đèn bên trái. Ước tính sự thiệt hại là không nhỏ. Người tài xế xe sau mắng tôi xối xả. Tôi phân bua, anh này không nghe.

Tôi hạ giọng: "Xe mình có mua bảo hiểm hai chiều, chúng ta đừng cãi nhau nữa, xuống dốc cầu gọi nhân viên bảo hiểm tới nhờ họ cho sửa chữa đi". Anh kia sừng sộ: "Ông nói sao? Tôi đâu có thời gian. Xe tôi sửa ít cũng mất mười triệu, ông xuất tiền cho tôi rồi muốn đi đâu thì tùy".

Thấy anh này nói năng lấn tới, tôi bực mình: "Lỗi tại ông không giữ khoảng cách an toàn chứ không phải tại tôi". Anh ta hùng hổ xắn tay áo, nói: "Ông nói sao, nếu không bồi thường cho tôi thì không xong đâu".

Tôi đành nhờ công an. Sự việc đã được giải quyết theo luật. Lỗi thuộc về xe sau không giữ khoảng cách an toàn. Anh kia năn nỉ tôi: "Anh có mua bảo hiểm, xin anh nhận lỗi về mình để hai xe được sửa chữa không mất tiền". Tôi không chấp nhận, công an giữ giấy tờ xe vi phạm. Tôi ứng tiền cơ quan sửa xe mình như không có bảo hiểm.

Nửa tháng sau, anh này lặn lội từ miền Tây lên TP.HCM gặp tôi. Tôi trao tờ đơn bãi nại, anh này trao cho tôi đúng số tiền ghi trong hóa đơn đỏ tôi chi sửa chữa xe mình. Và cả hai không thèm nhìn mặt nhau!

Luật đời

Sau hai ngày nghỉ cuối tuần, Hưng (bạn tôi) lái ôtô đưa vợ con trở về nhà. Xe vừa ló ra khỏi ngõ nhà cha mẹ anh, một tiếng "cộp" khô khốc phát ra trước đầu xe. Một phụ nữ vì tránh vũng nước bên kia đường mà lấn hẳn sang trái, để tay lái xe máy quệt trúng đầu xe của Hưng. Cú va chạm không mạnh, nhưng vì đường trơn nên người và xe ngã lăn quay ra đường.

Mở cửa xe bước xuống, Hưng run đến xanh mặt. Chị này không đội mũ bảo hiểm, vừa ngã xuống đường đã nằm bất động rồi! Hưng cố trấn tĩnh lấy điện thoại ra bấm vài tấm ảnh hiện trường rồi cùng cha mình đưa nạn nhân đến bệnh viện. Nạn nhân sùi bọt mép, giãy giụa liên tục. Điều Hưng lo lắng nhất là gặp phải người nhà nạn nhân, nếu họ lao vào hành hung mình thì chắc chết!

Đưa nạn nhân vào phòng cấp cứu xong, anh lấy điện thoại của nạn nhân tìm cách liên lạc với người thân. Bên kia đầu dây, người đàn ông nghe thông tin người thân bị nạn rồi buông máy, để lại sự im lặng đáng sợ. Một giờ sau, người nhà đến. Bác sĩ cho biết bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, họ mới tìm Hưng hỏi nguồn cơn tai nạn. Biết lỗi do người nhà mình, họ cảm ơn Hưng đã ứng xử kịp thời.

Nạn nhân phải điều trị nhiều nơi. Tuy không có lỗi nhưng Hưng thường xuyên thăm viếng, trợ giúp người nhà nạn nhân một số tiền, mua thuốc thang bồi dưỡng cho nạn nhân. Nạn nhân bị xuất huyết não, nhờ đến bệnh viện kịp thời nên khi hồi phục không để lại di chứng.

Sự tự nguyện của Hưng đã làm người nhà nạn nhân vô cùng cảm kích. Đôi bên đều xem đây là xui rủi của mình. Giờ đây, hai gia đình họ kết thân nhau như bạn bè.

Thay lời kết

Chiếc 7 chỗ vừa dừng đèn đỏ trước giao lộ Trường Sa - Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM). Xe ba gác đạp chở đầy xà bần từ sau chạy tới đâm vào đuôi cái rầm. Tài xế xe mở cửa bước xuống, xe móp một đường dài bên hông và vỡ đèn lái bên phải. Người đàn ông lái xe ba gác ốm o cố kéo lui xe mình.

Kéo được chừng nửa mét, xe lại trôi, đâm sầm vào ôtô một lần nữa. Tài xế ôtô "đau đớn" hét lên: "Trời ơi, ông phá xe tôi rồi!". Anh ba gác lắp bắp: "Tại xe nặng quá tui... phanh "hắn" không chịu dừng. Cố kéo lại nhưng vì... đói quá nên để xe trôi".

Tài xế ôtô rít lên: "Tôi không cần biết. Sửa những thứ này mất vài tháng lương làm thuê của tôi. Ông không đền không xong với tôi đâu".

Anh ba gác mở bóp, run rẩy vét được một xấp tiền nhàu nhĩ, nói như khóc: "Tui chỉ có chừng này, anh cho tui gửi". Tài xế ôtô trừng mắt, giật phắt xấp tiền rồi bước nhanh lên xe.

Đi một quãng, anh dừng xe. Anh chạy bộ theo xe ba gác đó. Chẳng nói chẳng rằng, anh dúi vào túi áo anh ba gác số tiền đó rồi quay về xe mình. Thế đấy, trong góc khuất cuộc sống, chúng ta vẫn thấy đâu đó trên đường người ta đối xử với nhau bằng những việc làm đáng ngẫm nghĩ.

Chỉ là cá biệt

Có vụ tai nạn nạn nhân bị cán hai lần. Người ta nói về chuyện đền bù cho một người thương tật suốt đời có thể tốn kém hơn đền bù một lần khi nạn nhân chết. Dư luận bất bình. Tôi cũng từng chứng kiến chuyện thương tâm: một người đi bộ băng ngang qua quốc lộ bị ôtô tông văng lên dải phân cách.

Thay vì nhanh chóng đưa nạn nhân đi bệnh viện, anh tài xế (lái thuê) quyết giữ hiện trường, chờ ý kiến của chủ xe và chờ công an. Nạn nhân còn tỉnh, nằm trên dải phân cách nhìn mọi người, ánh mắt như van lơn. Chờ, rất lâu và nạn nhân qua đời...

Đây được coi như kiểu tìm cách giảm nhẹ thiệt hại khi đền bù. Không sai luật nhưng thiếu tình người, tình đời. Tôi vẫn tin đây chỉ là chuyện cá biệt.

Thêm một người bị đâm chết vì mâu thuẫn va chạm giao thông

TTO - Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ từ va chạm giao thông, anh Nguyễn Minh Phương bị một thanh niên rút dao đâm và đụng xe khiến anh Phương tử vong sau đó.

TRẦN HÀO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên