Nhiều ý kiến cho rằng luật này “thu gom” vào quản lý hết cả đất đai và các loại tài nguyên khác, vốn dĩ đã nằm trong chế tài của các luật khác.
Cụ thể, Luật đất đai 2013 hiện hành tại điều 1 đã nêu rõ “chế độ quản lý và sử dụng đất đai” cũng tức là đã bao hàm cả việc “quản lý sử dụng tài sản công” là đất đai.
Tương tự, Luật tài nguyên nước năm 2012 tại điều 1 cũng đã ôm trách nhiệm về mình là “luật này quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước”.
Còn Luật khoáng sản năm 2010 cũng nhận trách nhiệm về mình tại điều 1 là “luật này quy định việc quản lý nhà nước về khoáng sản”.
Như vậy các luật khác đã ôm trách nhiệm quản lý nhà nước về các loại tài nguyên rồi, và tất nhiên các luật ấy đã quản lý các tài nguyên như là quản lý tài sản công.
Các tài nguyên ấy còn phần nào để luật quản lý sử dụng tài sản công đang dự thảo này quản lý lần 2 nữa? Vì thế dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản công ra sau nhưng lại “giẫm chân” lên các luật trước đó.
Tại điều 123 và 124 của dự thảo về “nguyên tắc quản lý, sử dụng tài nguyên” và “khai thác nguồn lực tài chính từ tài nguyên” nêu lên những hình thức thu tiền sử dụng, thuế, phí về tài nguyên, đáng lẽ cũng chỉ nên nằm ở các luật về tài nguyên.
Mặc dù nếu xét theo quan điểm những gì có được trong tay đều là tài sản thì tài nguyên cũng là tài sản (sở hữu toàn dân), và tất nhiên theo đó thì tiền cũng là tài sản.
Nhưng ngay chính dự thảo này tại khoản 1 điều 3 cũng thừa nhận “tài sản công quy định tại luật này không bao gồm tài sản là tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, quỹ ngoại tệ”.
Như vậy dự thảo không coi tiền là một loại tài sản, cớ sao lại coi tài nguyên là một loại tài sản để đưa vào quản lý ở Luật quản lý, sử dụng tài sản công, trong khi các loại tài nguyên đã có các luật về tài nguyên nhận trách nhiệm quản lý?
Như vậy xét về mặt thống nhất quan điểm “tài sản” trong hệ thống luật là đã không đảm bảo. Còn xét cấu trúc của hệ thống luật thì luật này “giẫm chân” lên luật kia.
Hệ thống pháp luật của ta theo dạng cấu trúc: thông tư là các nhánh mọc ra từ nghị định, nghị định lại là các nhánh mọc ra từ luật, và các luật là các nhánh mọc ra từ cái thân cơ bản là Hiến pháp.
Cho nên mỗi luật là một mảng quản lý, mảng nào riêng ra mảng đấy. Việc áp dụng pháp luật như vậy là đơn nhất, dễ áp dụng, các luật chỉ móc xích vào nhau chứ không đan lồng vào nhau.
Nhưng ở dự thảo này thì vừa phải tìm áp dụng Luật đất đai (hoặc tài nguyên) vốn đã một lần quản lý một loại tài sản công rồi lại còn phải áp dụng Luật quản lý, sử dụng tài sản công (đang dự thảo) chồng lên lần nữa.
Đây là lỗi làm luật vẫn gặp ở ta, triển khai các quy phạm thuộc về luật chuyên ngành này lại bọc cả luật chuyên ngành kia, dẫn đến luật sau trùm lên luật trước, không biết phải áp dụng theo luật nào.
Cũng vì hiện trạng luật chồng chéo này mà có tình trạng giải quyết công vụ sai pháp luật từ đây.
Dư luận rất mong hệ thống pháp luật của ta ngày càng rõ ràng mạch lạc dễ áp dụng hơn, dù có dày lên thành “rừng” nhưng cũng là rừng trồng ngay ngắn thẳng hàng lối đi để người ta có thể đi dạo (áp dụng) trong rừng luật mà không sợ bị lạc (áp dụng nhầm). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận