Rất nhiều đại biểu tham dự hội thảo "Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng" chiều 10-5 trong chương trình Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 1 đã nhấn mạnh đến yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" khi nhắc đến công nghiệp điện ảnh.
Điện ảnh gặp "thiên thời - địa lợi - nhân hòa"
Cho rằng Luật Điện ảnh 2022 mang đến rất nhiều sự thay đổi theo hướng thông thoáng, bà Lý Phương Dung - phó cục trưởng Cục Điện ảnh - nhìn nhận đây là thời điểm thuận lợi để nâng tầm điện ảnh nước nhà.
Dẫn chứng cho những sự thay đổi thuận lợi, bà Dung lấy ví dụ trước đây đoàn làm phim nước ngoài muốn quay phim tại nước ta thì phải chịu sự kiểm duyệt kịch bản "từ A đến Z".
Thậm chí phim chỉ có vài phân cảnh quay ở Việt Nam nhưng luật quy định phải trình duyệt kịch bản của cả bộ phim.
Bây giờ đã có sự thay đổi lớn, chỉ những cảnh quay cụ thể tại Việt Nam mới phải thẩm duyệt. Còn kịch bản tổng thể chỉ cần xem xét tóm tắt.
Trước đây trường hợp hợp tác sản xuất phim giữa trong nước và nước ngoài cũng cần thẩm định. Bây giờ thì các thủ tục này không cần nữa mà chỉ khi sử dụng dịch vụ, bối cảnh quay phim ở trong nước mới cần thủ tục này.
"Luật Điện ảnh mới đã thông thoáng, đây là thời điểm mà chúng ta cần sự đồng tâm hiệp lực. Tôi cho rằng là thời điểm thiên thời - địa lợi - nhân hòa cho các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam. Từ đó mở ra cơ hội để phát triển công nghiệp điện ảnh", bà Dung nói.
Tuy vậy bà Dung cũng nhìn nhận để làm được điều này cần rất nhiều chính sách ưu đãi, quảng bá xúc tiến. Đặc biệt là các ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp để xây dựng môi trường làm phim.
Các nước ưu đãi lớn cho điện ảnh
Nhìn nhận cơ hội để điện ảnh Việt Nam vươn mình ra thế giới trong giai đoạn hiện nay là rất lớn.
Tuy nhiên PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - cho rằng để hiện thực hóa cần có sự quyết tâm trong hai vấn đề.
Đầu tiên là việc tạo được chính sách ưu đãi cho các đoàn làm phim. Ông Tú dẫn chứng điện ảnh các nước được ưu đãi rất nhiều loại thuế đạo cụ, thu nhập cá nhân.
Dẫn chứng thực tế về lợi ích kinh tế ở Thái Lan, ông Tú cho rằng phim được trình chiếu là sự quảng bá tự nhiên rất lớn, tạo cú hích cho du lịch nhiều địa phương.
Vấn đề thứ hai theo ông Tú chính là cần những sự cụ thể hóa để thực hiện Luật Điện ảnh.
"Các ban ngành phải thống nhất để các đoàn làm phim nước ngoài tự tin đến Việt Nam. Nhiều đoàn làm phim lớn từng ký hợp đồng với đối tác ở Việt Nam nhưng buộc phải hủy do các "lệnh miệng". Rủi ro về động đất thiên tai đã đành, rủi ro về con người, "lệnh miệng" khiến nhiều đoàn nước ngoài mệt mỏi, bỏ cuộc sẽ gây thiệt thòi cho điện ảnh Việt." - ông Đỗ Lệnh Hùng Tú thẳng thắn.
Ngoài ra, ông Tú cho rằng từ sự cởi mở của Luật Điện ảnh, mỗi địa phương cần có những chính sách, chế độ ưu đãi riêng để mời gọi các đoàn làm phim tới quảng bá thông qua hoạt động điện ảnh.
Tại hội thảo, nhiều nhà làm phim cũng phàn nàn về tình trạng xin "giấy phép con" cho từng cảnh quay, từng khu vực. Điều này vừa tốn thời gian vừa ảnh hưởng đến sự sáng tạo nghệ thuật.
Từ kinh nghiệm vươn ra thế giới của điện ảnh nhiều nước, ông Yoshitaka Sugihara, giám đốc chính sách công của Netflix tại Nhật Bản, cho rằng cần sớm có những chính sách hỗ trợ đoàn làm phim từ bên ngoài.
Bởi qua quá trình ghi hình, nhà làm phim trong nước có thể học hỏi cách thức tổ chức, quay phim, sự kiện đẳng cấp cao.
Ở góc nhìn tổng thể, hoạt động quảng bá mà các bộ phim điện ảnh mang lại qua những cảnh quay là vô cùng to lớn. Có những bộ phim tác động đến một ngành du lịch của địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận