Một bức vẽ về tàu nước ngoài và người bản xứ ở Hội An xưa - Ảnh tư liệu |
[AUDIO id= alt=]//static.tuoitre.vn/tto/r/2016/01/03/luat-choi-cho-thuong-khach-1451806379.mp3[/AUDIO]
Trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621, ông tỉ mỉ kể: “Có lần mấy người nước ngoài bị đắm tàu và được cứu tại một cảng Đàng Trong. Họ không biết tiếng để xin người ta cho thức ăn để sống, họ chỉ cần học một tiếng thôi cũng đủ, đó là chữ đói, có nghĩa là tôi đói...”.
Sự rộng rãi của người Việt
Borri cảm động kể tiếp: “Bởi vì vừa nghe thấy tiếng người nước ngoài than thở như vậy và đi qua các nhà của người dân mà kêu đói thì tất cả đều rộng lòng thương mà cho họ ăn, đến nỗi chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ thu được rất nhiều thức ăn dự trữ. Đến khi chúa cấp cho một chiếc tàu để trở về quê quán thì chẳng ai muốn đi vì họ quyến luyến...”.
Trong những trường hợp khác, các nhà hàng hải nước ngoài đã kể cả sự thoải mái xin xỏ của dân địa phương với đồ vật lạ lẫm mà trong nước không có. Tuy nhiên, dù không quen với thái độ này, người phương Tây vẫn bất ngờ về sự rộng rãi ngay từ những người dân nghèo khổ nhất.
Ban đầu, Borri kể một người Bồ Đào Nha không thoải mái với sự tự nhiên “xin một cái” của dân địa phương. Nhưng sau đó, chính người này lại rất sửng sốt và cảm động khi người đánh cá nghèo khổ sẵn sàng cho lại mình cả rổ cá đầy.
Bản thân Borri dù chỉ là nhà truyền giáo vốn bị xem xét thận trọng ở nước Việt thời ấy, nhưng ông vẫn được tặng thứ quý hiếm như móng tê giác, kỳ nam...
Nhiều trang hồi ký, thư từ của các nhà hàng hải nước ngoài đến nước Việt cũng ghi chép chuyện tương tự. Và nó không chỉ xuất phát từ lòng tốt của người dân mà từ cả vua quan, dù cũng có không ít chi tiết nhà buôn than phiền về sự làm khó của các vị quan cấp dưới.
Tàng thư của các công ty Đông Ấn từng giao thương với nước Việt như Hà Lan, Anh, Pháp đều nhắc đến sự hiếu khách và sẵn sàng giúp đỡ từ xứ sở này. Trong đó, nội dung thường được giới hải thương quan tâm nhắc đến là các vụ đắm tàu.
Hầu như bất cứ trường hợp nào cũng được người dân lẫn vua quan triều đình giúp đỡ. Không chỉ kiếm giúp tàu, thậm chí cấp cả tàu, triều đình còn không quên tặng thêm cho họ lương thực để sử dụng trên đường về.
Từ thương khách người Hoa, Nhật Bản đến các nước phương Tây đều được hưởng ân huệ này.
Trong đó, đặc biệt là thương khách Hà Lan, những người có thể nhanh chóng biến thương thuyền của mình thành chiến hạm để ngả về Đàng Ngoài tấn công Đàng Trong suốt thời Trịnh - Nguyễn nội chiến.
Tuy nhiên, hầu như lần nào tàu Hà Lan gặp nạn ở vùng biển Đàng Trong vẫn được chính chúa Nguyễn giúp đỡ chu đáo.
Ngày 16-10-1718, giám mục Láble gửi cho một số giám đốc các chủng viện một lá thư kể tỉ mỉ về kết thúc có hậu của một vụ đắm tàu người Hà Lan ở Hoàng Sa.
Sau khi được ngư dân giúp đỡ vào đến đất liền an toàn, chính nhà vua đã mời họ vào gặp gỡ, hỏi han tình hình để tìm cách giúp đỡ:
“Ba bốn hôm sau, khi người Hà Lan bệ kiến nhà vua, một viên võ quan trong cung điện đã lệnh cho ông Heutte dẫn người Hà Lan đến dự buổi yết triều mà nhà vua đã ngự vào buổi sáng tại sân lớn trước cung điện... Họ xin được trả tự do, xin được cấp tàu và lương thực để trở về, sau đó được chuẩn y, đưa đi Hội An chờ ngày trở về Batavia”.
Một tàu buôn Nhật Bản đến Việt Nam từ Nagasaki - Ảnh tư liệu |
Luật giao thương
Trong suốt chiều dài lịch sử VN đến đầu thế kỷ 20, chưa thời kỳ nào triều đình nước Việt phát triển giao thương, cởi mở với người nước ngoài như thế kỷ 17 - 18.
Ngoài nguyên nhân khách quan do nền hải thương thế giới mở rộng sang khu vực này, còn có yếu tố Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra giai đoạn tỏa quốc, cấm cửa viễn thương, nên nhà buôn nước ngoài phải tìm đến VN.
Tuy nhiên cũng có động lực từ nội tại đất nước như cuộc nội chiến Đàng Ngoài và Đàng Trong kéo dài triền miên ở thế kỷ 17 đã khiến các triều đình phải bắt tay với nền kinh tế hải thương và sức mạnh quân sự nước ngoài, mà đặc biệt là người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp để phát triển tiềm lực quân sự mình.
Ngoài ra, ngoại thương cũng góp phần quan trọng giúp nước Việt vực dậy nền nông nghiệp và kỹ nghệ vốn manh mún lại càng suy thoái vì chiến sự triền miên. Duyên hải nước Việt lúc ấy cũng là tọa độ vô cùng quan trọng trên trục hải thương từ Á sang Âu.
Tàu buôn không chỉ “quá cảnh” hệ thống thương cảng trải dài khắp xứ sở này để sửa chữa hay tiếp thêm lương thực, mà lấy thêm hàng hóa hay bán bớt đi sản phẩm từ các nước khác.
Nhiều thư tịch cổ của các nhà hàng hải Hà Lan, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản cũng kể lại sự mở cửa nước Việt. Hải ngoại ký sự của nhà sư Thích Đại Sán kể rất thú vị lời của chúa Nguyễn Phúc Chu khi ông đến Phú Xuân 1695 và cầu an cho xứ sở.
Chúa Nguyễn đã tâm sự đầy ý nghĩa về lợi ích hải thương: “Các năm trước, thuyền ngoại dương đến buôn bán một năm chừng sáu, bảy chiếc, năm nay số thuyền lên đến 16, 17 chiếc, trong nước nhờ đó tiêu dùng dư dật”.
Từ thực tế này, nước Việt dần hoàn thiện thuế khóa buôn bán. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục đã mô tả:
“Khi nhà Nguyễn cát cứ, thu được thuế thuyền rất nhiều. Đặt cai tàu, tri tàu mỗi chức một viên, cai bạ tàu, tri bạ tàu, cai phủ tàu, ký lục tàu, thủ tàu nội mỗi chức hai viên, cai phòng 6 người, lệnh sử 30 người, toàn thuế binh 50 người, lính tàu 4 đội 70 người, thông sự 7 người...”.
Lê Quý Đôn kể thêm: “Lệ tàu vụ của họ Nguyễn hằng năm cứ đến tháng giêng thì các viên cai bạ, tri bạ, lệnh sử, cai phủ ký lục của tàu Ty đều vào xứ phố Hội An xứ Quảng Nam, chia sai những người thuộc quân thông hiểu tiếng nước ngoài đi canh giữ Cù Lao Chiêm và cửa Đà Nẵng, thấy các tàu buôn các nước đến đây thì phải hỏi xét tất cả, quả là tàu buôn phải chịu thuế thì thuyền trưởng và tài phó tàu ấy phải vào Hội An, trình quan cai bạ xét thực...”.
Từng thời điểm, thuế trên hàng hóa tàu đến khoảng 3-12%, còn hàng chở đi chỉ khoảng 1/10 thuế chở đến, mà cao nhất là tàu phương Tây. Triều đình cũng miễn giảm thuế, thậm chí giúp thêm nhiều trường hợp khác như đối với tàu buôn bị lỗ lã do gặp nạn sóng gió, cướp biển...
Đặc biệt, triều đình nhà Nguyễn cũng không thụ động chờ thương thuyền ngoại quốc, mà còn cử tàu bè ra buôn bán với nước ngoài.
Đại Nam thực lục kể các quan lớn như Nguyễn Tri Phương, Đào Trí Phú, Trần Hưng Hòa, Nguyễn Du... nhiều lần vượt biển sang giao thương ở Indonesia, Singapore, Malaysia, Trung Quốc và xa hơn ở khu vực Ấn Độ Dương.
Họ chở đi mía đường, đồng thoi, ngà voi, cánh kiến (chất nhuộm) và mua về vải vóc, kẽm, chì, vũ khí và cả tàu bọc đồng. Chỉ từ năm 1835-1840 đã có 21 chuyến tàu biển tải trọng lớn nhất và được trang bị đầy đủ vũ khí của nước Việt đi buôn...
Sau thời vàng son, ngoại thương VN suy thoái. Vua Gia Long mất, con cháu nối truyền vương quyền và ngày càng thận trọng hơn trong quan hệ với nước ngoài.
Bên cạnh yếu tố khách quan như tham vọng xâm chiếm thuộc địa của phương Tây với châu Á bấy giờ, còn có lý do nội tình và tầm nhìn trong nước.
Hàng thế kỷ đã trôi qua, tường minh chuyện xưa để trải nghiệm cho mai sau. Bao vương triều hưng thịnh rồi suy vong, chỉ lợi ích dân tộc là mãi mãi. Chẳng ai về được quá khứ, nhưng tương lai được bắt đầu từ chính bước chân hôm nay...
___________
Hồ sơ: Con đường hải thương đất Việt
>> Kỳ 1:
>> Kỳ 2:
>> Kỳ 3:
>> Kỳ 4:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận