06/11/2017 19:33 GMT+7

'Luật cho dân có khác luật cho cán bộ?'

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - "Người dân vi phạm đều bị pháp luật xử lý, cán bộ gây sai phạm nghiêm trọng thì điều chuyển, vẫn an toàn sau lớp vỏ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chịu trách nhiệm tập thể".

Luật cho dân có khác luật cho cán bộ? - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nêu nghịch lý này khi thảo luận tại Quốc hội chiều 6-11 về phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật. 

Và đại biểu này nói: "Điều này dễ làm cho dân hiểu rằng áp dụng luật dành cho dân khác với cán bộ".

Chống nhiều, tội phạm lại càng nhiều?

"Có cảm giác luôn tồn tại những mâu thuẫn, nghịch lý: Lĩnh vực nào có Luật phòng, chống, có chương trình phòng ngừa thì kết quả thực hiện thường ngược lại" - đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.

Đại biểu dẫn chứng các giải pháp phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật được đẩy mạnh nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng vẫn không ngừng tăng, như tội phạm ma túy, tội phạm môi trường tăng từ 10 - 19% trong năm.

Với phòng chống tham nhũng đang được sự quan tâm lớn và các vụ khởi tố điều tra tăng gần 21% về số vụ và trên 28% số bị can. 

"Nhưng những biệt thự, biệt phủ vẫn sừng sững và nhiều 'củi tươi', 'củi khô' vẫn an toàn sau những ồn ào, gây bức xúc xã hội" - đại biểu Hiền nói.

Tiếp tục liệt kê, đại biểu Phú Yên này cho thấy sau nhiều năm thực hiện luật Phòng chống bạo lực gia đình thì mức độ, phạm vi bạo hành ngày càng mở rộng, công khai hơn. 

Bạo lực tấn công vào trường học, ngang nhiên chốn công sở, bạo lực không chừa cả sân bay nơi có yêu cầu nghiêm ngặt về an ninh, giờ thì xông thẳng vào bệnh viện để truy sát nạn nhân, hành hung y bác sĩ, bất chấp đạo đức, pháp luật hiện hành.

"Tại sao những nghịch lý ấy vẫn kéo dài? Phải chăng tính nghiêm minh, sự minh bạch đã không được coi trọng trong công tác xây dựng pháp luật? Phải chăng, những lỗ hổng pháp lý, tính kỷ cương kỷ luật trong thực thi quyền hành, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ trong cơ quan tư pháp đang bị xem nhẹ, đã tạo ra những câu chuyện nghịch lý tôi vừa nêu?" - đại biểu Hiền đặt hàng loạt câu hỏi.

Khủng hoảng niềm tin của người yếu thế

Từ nghịch lý này, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị Quốc hội đưa ra giải pháp hiệu quả cho  vấn đề nhức nhối thời gian qua, đó là hoạt động tư pháp, giúp những nạn nhân trong các vụ bạo hành, xâm hại tình dục rút ngắn hành trình đi tìm công lý.

Đại biểu Hiền nêu tại diễn đàn trẻ em cấp quốc gia được tổ chức vào tháng 8 vừa qua, một đại biểu đã lên tiếng: "Nhiều kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em vẫn nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật. Nếu như, nạn nhân là con cháu hay người thân của mình, các cô chú trong cơ quan điều tra liệu có xử lý chậm như người ngoài hay không? Và xin được chuyển ý kiến này đến các vị đại biểu, các bộ ngành, cơ quan chức năng đang ngồi tại Quốc hội".

Đại biểu cũng nhắc lại tháng 9 vừa qua, một người mẹ đơn thân đã viết đơn xin trút bỏ quyền được tự do của mình, vì chị không còn sức đề kháng với những bế tắc vây quanh. Bắt buộc phải chấp nhận hành vi đồi bại của kẻ khác trong lúc bị đe dọa nhằm bảo vệ tính mạng bản thân và 2 con nhỏ. Nhưng rồi, cơ quan điều tra cho rằng đó là sự đồng tình, là thông dâm, không phải hiếp dâm. 

"Sự cạn kiệt về niềm tin của những nạn nhân yếu thế đối với cơ quan tư pháp ở một số địa phương, liệu đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo hay chưa...?" - đại biểu Hiền nói.

"Trong một xã hội, nếu tội ác không thể định danh bằng pháp luật thì đương nhiên nó sẽ bị quy kết bằng những cảm xúc tiêu cực trong sự phẫn nộ của dư luận xã hội. Đó là bi kịch về khủng hoảng niềm tin" - đại biểu Phạm Thị Minh Hiền lo lắng.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên