Luật bóng đá: Tranh cãi bất tận

HUY ĐĂNG 08/09/2021 05:09 GMT+7

TTCT - Câu hỏi được quan tâm nhiều nhất trong cộng đồng bóng đá Việt Nam tuần qua là tình huống Duy Mạnh trong trận thua Saudi Arabia có đáng bị thổi phạt đền và phạt thẻ vàng hay không.

Câu trả lời sẽ khiến nhiều người hâm mộ phải ngẩn ngơ. Theo luật của IFAB (Hiệp hội Bóng đá quốc tế, cơ quan phụ trách soạn thảo luật bóng đá chứ không phải FIFA), ở mùa giải 2021 - 2022, Duy Mạnh đáng bị phạt. Nhưng nếu xét luật của mùa giải năm ngoái thì... không.

Những tình huống bóng chạm tay thường gây rất nhiều tranh cãi. Ảnh: Euro Sports

 

Mỗi năm mỗi đổi

Sự thật trớ trêu là như vậy. Sự sai biệt thậm chí chỉ gói gọn trong một điều lệ ngắn gọn. 

Nhiều CĐV giải thích rằng trong tình huống của Duy Mạnh, bóng đã bật từ thân người anh lên tay, và đó không phải là một pha chơi bóng bằng tay cố ý nên trọng tài không thể xử phạt. Lập luận như vậy không sai, nhưng rất tiếc đó là quy định đã cũ. 

Luật bóng chạm tay của mùa giải năm ngoái quy định cụ thể như sau: “Một pha để bóng chạm tay sẽ bị xem là lỗi nếu khi đó cánh tay của cầu thủ khiến cơ thể mở rộng một cách không tự nhiên, hoặc cánh tay/bàn tay ở trên tầm vai cầu thủ”. 

Điều luật đó cũng quy định những tình huống bóng bật từ thân người lên chạm tay không phải là lỗi.

Sang mùa giải năm nay, IFAB thay đổi một chút định nghĩa lỗi dùng tay chơi bóng: “Một pha để bóng chạm tay sẽ bị xem là lỗi nếu khi đó cánh tay của cầu thủ ở một vị trí không chính đáng (trong tình huống cụ thể đó) khiến cơ thể mở rộng một cách không tự nhiên...”. 

Đồng thời quy định bỏ qua lỗi nếu bóng bật từ thân người lên bị bãi bỏ.

Những nhà soạn thảo luật làm việc không ngừng và rút tỉa dần sau từng trường hợp cụ thể trong làng bóng đá đỉnh cao. 

Sự thật cho thấy dù luật có thế nào, các cầu thủ chuyên nghiệp luôn đủ tinh quái để lách luật. 

Mùa giải 2020 - 2021, nhiều hậu vệ thường dang rộng tay khi đỡ những cú sút chìm của đối thủ, với mục đích ngăn ngừa trường hợp bóng bật chân họ và vẫn có thể bay vào lưới. Luật của mùa giải 2020 - 2021 vì vậy trở nên lỗi thời.

Quy định về lỗi bóng chạm tay là một trong những quy định thay đổi nhiều nhất trong bộ luật của IFAB. Mùa giải 2018 - 2019, luật bóng chạm tay lúc đó khác xa những gì chúng ta đang biết. 

Cụ thể, lỗi sẽ được tính nếu cầu thủ bị xem là “cố ý di chuyển tay đến hướng của trái bóng”. Trải qua 4 mùa giải, IFAB đã thay đổi luật này đến 3 lần, và lần nào cũng để lại những tranh cãi dữ dội.

Ở đợt vòng loại thứ 2 diễn ra hồi tháng 6 cũng dấy lên nhiều tranh cãi về tính hợp lệ trong bàn thắng của Tiến Linh vào lưới Indonesia. 

Chân sút của VN khi đó đã để bóng chạm tay trước khi ghi bàn nhưng trọng tài vẫn công nhận. Kết luận lần đó VN được hưởng lợi, bởi trọng tài đã xử không đúng luật.

Trong những tình huống đội phòng ngự để bóng chạm tay (dẫn đến phạt đền), pha chạm tay sẽ được phân tích kỹ càng như trên. Nói theo ngôn ngữ đại chúng là sẽ bị phạt nếu “chạm tay cố ý”, còn “vô ý” sẽ được bỏ qua. 

Nhưng với trường hợp đội tấn công để chạm tay rồi ghi bàn, dù “cố ý” hay “vô ý” cũng đều bị phạt và không công nhận bàn thắng.

Quy định này có từ năm 2020 và được sửa đổi một chút vào mùa hè 2021. Trước đó, theo luật thì trong tình huống tấn công dẫn đến bàn thắng, mọi bàn thắng sẽ bị hủy nếu đội tấn công có cầu thủ chạm tay. 

Nhưng một pha bóng diễn ra trong trận đấu giữa Fulham và Tottenham đã làm dấy lên tranh cãi. Trong pha bóng này, cầu thủ chuyền bóng vô tình để bóng chạm tay trước khi kiến tạo cho đồng đội ghi bàn. 

Nhận thấy như vậy là hơi “oan”, IFAB đã sửa luật. Theo luật mới thì bàn thắng sẽ chỉ bị hủy bỏ nếu do chính cầu thủ ghi bàn để bóng chạm tay.

Để khuyến khích bóng đá tấn công?

Ngoài các lỗi chạm tay, luật việt vị cũng là một trong những luật gây tranh cãi nhất trong thế giới bóng đá, đặc biệt là kể từ khi VAR ra đời. Suốt 2 năm qua, công nghệ VAR khiến người hâm mộ Premier League nhiều phen tức điên vì soi ra các tình huống việt vị mà cầu thủ chỉ lố qua vạch kẻ... vài milimet.

Đó có thể là một chút của mũi giày, đầu vai hay thậm chí là đầu mũi. Nhiều CĐV đùa rằng các cầu thủ giờ đây nên cắt ngắn móng tay, móng chân và tóc lại vì chúng có thể khiến họ việt vị. 

Nhưng đó không hẳn là chuyện đùa, vì đường kẻ vạch việt vị của hệ thống VAR Premier League chỉ dày vỏn vẹn... 1 pixel, tương đương 0,26mm.

Không chỉ CĐV, cả Chủ tịch UEFA cũng tỏ ra bất mãn vì VAR. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Aleksander Ceferin nói: “VAR thực sự đang gây rối. Nếu bạn có một chiếc mũi dài, bạn sẽ luôn rơi vào thế việt vị. Tôi không nghĩ 1cm việt vị lại là việt vị”.

Sau rất nhiều chỉ trích, ban tổ chức Premier League đi đến quyết định thấu tình đạt lý hơn vào mùa giải năm nay. Họ thông báo sẽ tăng độ dày đường kẻ vạch việt vị lên tương đương các giải đấu khác của UEFA, tức chóp mũi của cầu thủ có thể thoát nạn.

Trong lịch sử bóng đá, đã có những thời điểm sách luật bị “đóng bụi” năm này sang năm khác. Nhưng trong thời đại công nghệ, một CĐV bình thường cũng có thể dễ dàng soi ra những điểm vô lý trong cách điều hành trận đấu của các trọng tài. 

Và những nhà làm luật của IFAB phải làm việc không ngừng để thỏa mãn họ. Trên hết, “khuyến khích bóng đá tấn công” được xem là tiêu chí chủ đạo. Khi đưa ra các thay đổi luật ở mùa giải năm ngoái, IFAB từng tuyên bố mục đích là nhằm “khuyến khích bóng đá tấn công và các bàn thắng”.

HLV Arsene Wenger, hiện là chức giám đốc phát triển toàn cầu của FIFA, cho biết ông cũng đang đề xuất lên IFAB luật việt vị mới. 

Theo đó, cầu thủ tấn công chỉ bị xem là việt vị khi toàn bộ thân người họ đứng dưới cầu thủ phòng ngự thứ hai của đội đối phương. Đây rõ ràng là thay đổi có lợi cho các cầu thủ tấn công.

“Mục tiêu của chúng tôi cùng IFAB luôn là xem xét liệu có thể giúp bóng đá trở nên hấp dẫn hơn mà không làm thay đổi bản chất cuộc chơi hay không. Với sự thay đổi trong tốc độ trận đấu ngày nay cùng sự hỗ trợ từ VAR, có lẽ chúng tôi có thể nghĩ về một bộ luật giúp bóng đá trở nên tấn công hơn. 

Chúng tôi sẽ xem xét và chờ xem những thay đổi này là tiêu cực hay tích cực, nhưng chúng tôi sẽ luôn cởi mở với những ý tưởng giúp bóng đá ngày càng có nhiều chất tấn công hơn”, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino nói. 

Truyền hình góp vai trò lớn

Sau trận thua Saudi Arabia, tuyển VN một lần nữa bại trận tức tưởi vì quyết định của trọng tài trong trận gặp Úc. 

Ở hiệp 1, Hồng Duy sút bóng trúng tay Grant của Úc trong vòng cấm địa nhưng trọng tài đã không cho VN hưởng phạt đền, thậm chí là sau khi đã xem VAR.

Ở trận Saudi, trọng tài ban đầu bỏ qua lỗi chạm tay của Duy Mạnh và chỉ đổi ý sau khi xem VAR. Một phần vì pha quay chậm cho thấy Duy Mạnh đã để bóng chạm tay khá rõ. 

Trong khi đó, không có góc quay nào cho thấy tình huống của Grant một cách rõ rệt, và những gì trọng tài xem được trên màn hình VAR cũng chỉ tương tự như khán giả truyền hình chúng ta. 

Việc không có được góc quay rõ ràng có thể đã khiến trọng tài Jassim giữ nguyên quyết định ban đầu của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận