Trung tâm giam giữ người nhập cư trên đảo Christmas của Úc - Ảnh: AFP |
Các trí thức Úc đã tố cáo tình trạng này bất chấp đe dọa từ chính quyền.
Hơn 40 bác sĩ, y tá, giáo viên và nhân viên nhân đạo khác vừa cùng ký tên vào một bức thư ngỏ gửi đến Chính phủ Úc để phản bác Luật biên phòng vừa được thông qua hôm 1-7.
Theo luật mới này, những người dám công khai với công chúng, không có sự cho phép của chính phủ về điều kiện và tình trạng của các trung tâm giam giữ người nhập cư tại Úc có thể đối mặt với bản án lên đến 2 năm tù giam. Luật mở rộng phạm vi đến cả những người làm việc tại trung tâm giam giữ như nhân viên an ninh và người phục vụ thức ăn.
Bác sĩ John Paul Sanggaran - người từng làm việc tại một trung tâm giam giữ người nhập cư trên đảo Christmas của Úc ở Ấn Độ Dương - đang chuyển thư ngỏ đến địa chỉ của Thủ tướng Tony Abbott để phản ứng trước quyết định khởi tố ông và những người khác vì đã vạch trần “tình trạng vi phạm nhân quyền tồi tệ” đối với những người tị nạn tại các trung tâm giam giữ người nhập cư.
Luật mới này rõ ràng nhằm ngăn thế giới hiểu về sự tàn bạo tại các trung tâm giam giữ của Úc |
Greg Barnes (người phát ngôn Hiệp hội Luật sư Úc) |
“Đường ranh trên cát”
“Chúng tôi đã bảo vệ và sẽ tiếp tục bảo vệ sức khỏe của những người mà chúng tôi có nhiệm vụ chăm sóc, bất chấp mối đe dọa bị bỏ tù bởi chứng kiến việc chăm sóc gây hại và không đạt chuẩn, sự lạm dụng trẻ em và tình trạng vi phạm nhân quyền là không hợp với các nguyên tắc đạo đức của nghề chúng tôi” - Đài CNN dẫn nội dung trong thư ngỏ.
Lá thư nêu rõ sự thật đau lòng: “Nếu chúng tôi chứng kiến sự lạm dụng trẻ em tại Úc thì chúng tôi có nghĩa vụ pháp lý phải báo cáo sự việc cho các quan chức bảo vệ trẻ em. Trong khi đó, nếu chúng tôi chứng kiến sự lạm dụng trẻ em trong các trại nhập cư, chúng tôi có thể đi tù vì cố gắng bảo vệ họ”.
Ông Sanggaran nói với CNN nạn vi phạm nhân quyền đã xảy ra tại các trung tâm giam giữ người nhập cư và những người tị nạn chờ xét duyệt vào Úc và được ghi nhận lại trong khoảng một thập kỷ qua.
“Tôi hi vọng điều đó đã vẽ nên một ranh giới trên cát, qua đó chúng ta sẽ không thể im lặng trước những người mà chúng ta có nhiệm vụ chăm sóc. Cần tiếp tục nói chuyện với những người đang trong trại nhập cư và quan tâm đến những thứ họ thấy, khuyến khích họ nêu lên vấn đề (và cung cấp thông tin) với công chúng Úc” - ông Sanggaran chia sẻ.
Một số tổ chức như Hiệp hội Y khoa Úc, ĐH Bác sĩ hoàng gia Úc, Đại học Y tá Úc, Liên đoàn Luật sư Úc cùng với nhiều hiệp hội giáo viên cũng bày tỏ sự phản đối của họ. “Luật mới về cơ bản gây khó xử cho các bác sĩ khi điều trị cho những người bị giam giữ và những người đang xin tị nạn, nếu họ thật sự quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho người nhập cư” - giám đốc Hiệp hội Y khoa Úc Brian Owler cho biết.
Hiệu ứng gây nhụt chí
Cùng với sự ra đời của Luật biên phòng Úc, theo trang ABC News, chính phủ nước này cũng thành lập Ủy ban Lực lượng biên phòng Úc để chịu trách nhiệm cho các chức năng tuyến đầu của vấn đề hải quan và nhập cư, bao gồm các trung tâm giam giữ người nhập cư của nước này.
Úc ban hành luật mới giữa lúc Đông Nam Á đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư khi đau đầu với hàng ngàn người tị nạn, chủ yếu người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar và người Bangladesh trôi dạt trên biển những tháng vừa qua. Chính quyền Thủ tướng Abbott đã ban hành các luật nghiêm khắc để đối phó với những người xin tị nạn nhằm hạn chế dòng chảy của những người nhập cư.
Kể từ năm 2013, những người mong tìm cơ hội vào đất Úc qua đường biển sẽ không thể ở lại nước này khi Chính phủ Úc đang xem xét đơn xin tị nạn của họ. Thay vào đó, họ sẽ được đưa đến các trung tâm giam giữ trên đảo Manus tại Papua New Guinea hoặc Nauru.
Bộ trưởng Di trú Úc Peter Dutton trong khi đó phủ nhận việc luật mới sẽ ngăn cản các báo cáo về vi phạm nhân quyền tại Úc. “Luật mới nhằm điều tra các vụ rò rỉ thông tin nhạy cảm, tuy nhiên công chúng có thể an tâm luật sẽ không ngăn người dân nói về các điều kiện tại các trung tâm giam giữ người tị nạn” - ông Dutton tuyên bố. Ngoài ra, ông Dutton cũng lưu ý Úc là một trong những quốc gia hàng đầu trong việc bảo vệ những “người thổi còi” - tức những người dám tố cáo hành vi xấu.
Tuy nhiên, người phát ngôn Hiệp hội Luật sư Úc Greg Barnes không đồng tình với tuyên bố trên. “Một người có thể tiết lộ thông tin không cần sự cho phép nếu thấy mạng sống của một người khác đang bị đe dọa. Tuy nhiên trong hầu hết trường hợp, họ sẽ bị truy tố và theo luật mới sẽ không thể bào chữa” - ông Barnes nhận định.
Ông Barnes cho rằng luật mới sẽ tạo ra hiệu ứng làm nhụt chí và ngăn mọi người lên tiếng. “Luật rõ ràng nhằm ngăn thế giới hiểu về sự tàn bạo tại các trung tâm giam giữ của Úc” - ông Barnes kết luận.
Công khai cứng rắn Trong tháng 5, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đã đưa ra báo cáo về việc các quan chức Úc đã đưa trả người tị nạn về Indonesia trên một con tàu. Những người ủng hộ nhân quyền đã lên án động thái này của Úc. "Những gì chúng tôi làm là ngăn những con thuyền buôn lậu vì đó là chuyện phải làm và chúng tôi đã thành công" - Thủ tướng Abbott thừa nhận trước truyền thông Úc tháng rồi về việc làm trên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận