Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bấm nút biểu quyết về dự thảo luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong ngày 28-5 - Ảnh: AFP
Với 2.878 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 6 phiếu trắng, nghị quyết có tên "Quyết định về thiết lập và cải thiện hệ thống pháp lý cùng các cơ chế thực thi dành cho Hong Kong để đảm bảo an ninh quốc gia" đã được thông qua ngày 28-5, ngày cuối cùng kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa 13 Trung Quốc.
Mọi ánh mắt giờ đang đổ dồn về Tổng thống Mỹ Donald Trump, người sẽ quyết định mức độ trừng phạt Trung Quốc vì đã xâm phạm nền tự chủ của Hong Kong như ông Pompeo đã cáo buộc.
Điều chỉnh vào phút cuối
Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, Quốc hội Trung Quốc đã bất ngờ sửa đổi nghị quyết hôm 26-5, trong đó yêu cầu dự luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong cấm luôn các hành vi "đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia". Các nội dung đã được công bố trước đó cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc âm mưu với các thế lực bên ngoài can thiệp vào Hong Kong.
Như vậy, sau khi được thông qua, trách nhiệm chính giờ đây sẽ thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, nơi sẽ xây dựng các chi tiết trong luật và công bố dự luật hoàn chỉnh sớm nhất vào tháng 6 tới. Theo Hãng tin Reuters, nếu không có gì trục trặc, dự luật sẽ được phê chuẩn trước tháng 9 năm nay.
Chính quyền Trung Quốc và Hong Kong khẳng định luật an ninh quốc gia mới sẽ không ảnh hưởng đến các quyền tự chủ mà Hong Kong đang được hưởng như đã nêu trong Tuyên bố chung Trung - Anh. Tuy nhiên, SCMP đã dẫn ra một yêu cầu của dự luật, theo đó buộc chính quyền Hong Kong phải thành lập các cơ quan mới để đảm bảo an ninh quốc gia và cho phép các cơ quan an ninh Trung Quốc hoạt động ở thành phố khi cần thiết.
"Luật mới sẽ không ảnh hưởng đến các quyền và sự tự do của người dân Hong Kong", trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam nhấn mạnh trong một tuyên bố hoan nghênh việc NPC thông qua dự thảo. "Chính quyền thành phố sẽ hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh để hoàn thành các công việc lập pháp có liên quan càng sớm càng tốt", bà Lam khẳng định.
Các lựa chọn trừng phạt của Mỹ
Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố ngày 27-5 của ông Pompeo cho hay ngoại trưởng Mỹ đã chứng nhận trước Quốc hội Mỹ rằng Hong Kong không tiếp tục được đảm bảo quy chế đặc biệt dưới luật pháp của Mỹ.
Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Trump là người duy nhất có quyền quyết định giữ lại hoặc tước đi các ưu đãi đặc biệt dành cho Hong Kong sau kết luận của ông Pompeo. Nếu ông Trump hủy bỏ các đãi ngộ đặc biệt này, không chỉ Trung Quốc mà các công ty Mỹ đang hoạt động ở Hong Kong cũng bị ảnh hưởng khiến Reuters gọi đây là "lựa chọn như bấm nút hạt nhân".
David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, cho biết Washington đang tính đến mọi phương án sao cho vừa buộc Bắc Kinh chùn tay vừa không để người dân Hong Kong và doanh nghiệp Mỹ ở Hong Kong bị ảnh hưởng.
Mức độ nặng hay nhẹ của các biện pháp trừng phạt còn phụ thuộc vào việc Trung Quốc sẽ xây dựng các chi tiết luật ra sao. "Chính quyền Bắc Kinh sẽ tự quyết định điều đó, chứ không phải Washington. Mỹ sẽ tìm cách giảm thiểu tác động tới người dân Hong Kong nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp đủ mạnh mẽ để Trung Quốc hiểu các mối quan ngại của chúng tôi", ông Stilwell nói về cách tiếp cận của Mỹ trong cuộc họp báo đường dài ngày 27-5. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ khẳng định có một danh sách dài các lựa chọn trừng phạt Trung Quốc, chẳng hạn như hạn chế thị thực.
Ít nhất 3 quan chức Mỹ đã tiết lộ với Reuters một biện pháp trừng phạt khác là đình chỉ thuế quan ưu đãi đối với hàng hóa Hong Kong nhập vào Mỹ và áp mức thuế quan mới có thể cao bằng mức ông Trump đã áp lên hàng Trung Quốc. Washington cũng có thể siết chặt việc kiểm tra danh tính các công ty tại Hong Kong để tránh việc doanh nghiệp Trung Quốc dựng công ty bình phong ở đặc khu này để lợi dụng các ưu đãi đặc biệt từ Mỹ.
Trong các đề xuất khác có ý kiến gợi ý Tổng thống Trump nên đặt thời hạn để Trung Quốc thay đổi hành vi đối với Hong Kong. Sau thời hạn vài tháng hoặc 1 năm đó, nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục can thiệp vào Hong Kong, Mỹ sẽ tước các đãi ngộ đặc biệt đối với thành phố này. "Chúng tôi sẽ làm điều này một cách thông minh", ông Stilwell nói, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Vi phạm hiệp ước quốc tế?
Trong tuyên bố của ông Pompeo ngày 27-5, phái đoàn Mỹ tại LHQ cho rằng hành động làm suy yếu mức độ tự chủ của Hong Kong phải bị xem là sự vi phạm hiệp ước quốc tế, đồng thời yêu cầu 15 nước thành viên HĐBA họp trực tuyến để thảo luận về các hành vi “xem thường nghĩa vụ quốc tế” của Trung Quốc.
Lập luận “Trung Quốc vi phạm hiệp ước quốc tế” có thể xem là một luận điểm mới của Mỹ, bên cạnh Đạo luật dân chủ và nhân quyền Hong Kong vừa được thông qua hồi năm ngoái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận