Thông tin này được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, sơ kết 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra ngày 19-7.
Xây dựng đội ngũ cán bộ tiềm năng qua luân chuyển
Theo ông Đào Minh Tú, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện công tác luân chuyển cán bộ.
Đặc biệt, từ khi quy định số 98/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ được ban hành, có 4 cán bộ luân chuyển từ các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhà nước về giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý cấp vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương tại các đơn vị thuộc Ngân hàng Trung ương.
12 lãnh đạo cấp vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương ở các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước được luân chuyển sang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhà nước.
“Việc luân chuyển này vừa giúp cho các vụ, cục chuyên môn nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng chính sách, cũng như chất lượng tham mưu, xử lý công việc; vừa từng bước đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng được đội ngũ cán bộ tiềm năng thông qua luân chuyển thực tế”, ông Tú nói.
Cũng tại phiên họp, nhiều mô hình, cách làm hay đã được địa phương báo cáo với Thủ tướng. Một trong những mô hình đột phá là ở Đà Nẵng, khi địa phương này đã tập trung nguồn lực và trang thiết bị triển khai thủ tục “3 trong 1” liên quan đến khai sinh (cấp giấy khai sinh, cấp thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế) và khai tử (khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí) từ ngày 10-7.
Nhiều mô hình cải cách hành chính hiệu quả
Đáng chú ý, Đà Nẵng đã thực hiện mô hình đột phá trong chuyển đổi số “đến trung tâm y tế để được cấp đổi giấy phép lái xe”.
Người dân chỉ cần một bước đến khám sức khỏe tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), cung cấp thông tin, giấy phép lái xe cũ sẽ được hỗ trợ thực hiện các thủ tục và trả giấy phép mới tại nhà cho công dân.
Còn ở Cà Mau, theo Chủ tịch Huỳnh Quốc Việt, tỉnh này đã triển khai tiếp nhận giải quyết thủ tục theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Cụ thể, UBND tỉnh lựa chọn 83 thủ tục (lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, công thương...) người dân, doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện thường xuyên thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện để giao cho Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tiếp nhận.
Theo đó, người dân, doanh nghiệp có quyền lựa chọn nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của huyện, thành phố hoặc tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023 có 1.240 hồ sơ.
Chủ tịch tỉnh Cà Mau cũng triển khai thực hiện thí điểm mô hình giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới theo hướng ngược lại. Bao gồm 7 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ngành tỉnh giao cho UBND cấp huyện tiếp nhận.
Cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn, nộp hồ sơ tại bất kỳ bộ phận một cửa của đơn vị cấp huyện nào, không nhất thiết phải nộp hồ sơ tại đơn vị có thẩm quyền giải quyết… Đến nay, đã tiếp nhận 160 hồ sơ.
Những gì pháp luật không cấm thì để người dân, doanh nghiệp làm
Kết luận phiên họp, Thủ tướng cho rằng cần tập trung ba ưu tiên gồm: Thứ nhất, rà soát hệ thống các văn bản pháp luật để xác định những vướng mắc cần giải quyết.
Thứ hai, rà soát những thủ tục trong lĩnh vực đất đai, thuế, phí, xuất nhập khẩu, hải quan, tín dụng…; xử lý các vướng mắc để thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng).
Thứ ba, rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, những ai vi phạm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai thì phải xử lý theo quy định; những người làm tốt, vì dân, vì nước thì khen thưởng, động viên kịp thời.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần cương quyết bãi bỏ những quy định rườm rà, những gì pháp luật không cấm thì để người dân, doanh nghiệp làm và khuyến khích đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, không ban hành thêm các văn bản để cản trở, làm tăng chi phí tuân thủ cũng như khả năng phát sinh tiêu cực…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận