Buổi tọa đàm đang diễn ra - Ảnh: Nam Trần |
Tọa đàm này nằm trong nhiều nội dung được Bộ GD-ĐT triển khai để thăm dò, trưng cầu ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục nhằm tiến tới điều chỉnh các quy định liên quan tới đào tạo tiến sĩ. Những trao đổi, ý kiến phản biện thẳng thắn tại tọa đàm sẽ tiếp tục phân tích, mổ xẻ những bất cập của việc đào tạo tiến sĩ thời gian qua, từ đó đề xuất giải pháp để khắc phục
Tham dự tọa đàm có các khách mời: Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, GS.TSKH Trần Văn Nhung, tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban Đào tạo, và PGS.TS Vũ Lan Anh, phó hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội. |
Tiến sĩ quá đông?
Mở đầu buổi tọa đàm, một câu hỏi nóng đã được gửi đến thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: “Có một thực tế rõ ràng là chất lượng luận án tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo không đồng đều và có thể vàng thau lẫn lộn. Nhiều luận án ít giá trị thực tế, không có tính khoa học, như một báo cáo tổng kết... nhưng nghiên cứu sinh vẫn được cấp bằng tiến sĩ. Liệu có phải do đào tạo tiến sĩ hiện đang chạy theo số lượng và xem nhẹ chất lượng. Quan điểm của Bộ về nhận định này?”.
Đáp lại câu hỏi này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng trước hết phải ghi nhận các cơ sở đào tạo đã nỗ lực để đào tạo nhiều tiến sĩ chất lượng trong điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện nghiên cứu và đào tạo trong nước còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên vẫn có cơ sở đào tạo chạy theo số lượng mà buông lỏng chất lượng.
“Thực tế, nghiên cứu sinh là các nhà nghiên cứu, sản sinh ra tri thức, trí tuệ mới. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu sinh không xác định rõ động cơ, mục tiêu, không xác định rõ tầm mức hoạt động nghiên cứu của bậc đào tạo tiến sĩ. Ngoài ra, mức đầu tư cho đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam hiện cũng rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình của thế giới”- thứ trưởng Ga nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga - Ảnh: Nam Trần |
Cũng chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong đào tạo tiến sĩ khiến dư luận bức xúc, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhắc lại: “Năm 1976, VN lần đầu tiên đào tạo phó tiến sĩ trong nước. 6 năm sau đào tạo tiến sĩ trong nước trong điều kiện khó khăn. Khó khăn là thế nhưng chất lượng tiến sĩ rất tốt, không có ai kêu ca”.
GS Đức nhận xét: “Trải qua một thời gian dài, việc đào tạo tiến sĩ hiện nay đang dần tiếp cận với các chuẩn mức của quốc tế. Có nhiều nghiên cứu sinh trong nước hiện nay có nhiều bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín. Nhiều cơ sở đào tạo cũng đã nỗ lực hướng tới việc đào tạo chất lượng. Nhưng phải thừa nhận vẫn có những luận án chưa có chất lượng, chưa đạt yêu cầu”.
Theo GS Đức, tuy cơ sở vật chất chưa đầu tư thỏa đáng, điều kiện nghiên cứu, đào tạo còn thiếu thốn là một nguyên nhân nhưng nhìn lại trước đây, cũng khó khăn nhưng ta đã có nhiều tiến sĩ có chất lượng. Bởi vậy, bất cập hiện nay cần nhìn rộng ra ở những nguyên nhân khác.
“Tôi muốn nói đến hai vấn đề. Thứ nhất là quy mô đào tạo quá nhiều. Điều này dẫn tới việc đào tạo không đảm bảo chất lượng. Thứ hai là mất cân đối giữa các khối ngành. Hiện nay nghiên cứu sinh khối ngành khoa học tự nhiên công nghệ chỉ bằng khoảng 1/4 so với nghiên cứu sinh khối ngành khoa học xã hội nhân văn" (GS.TSKH Nguyễn Đình Đức) |
Thẩm định đề tài lỏng lẻo
Thứ hai là chất lượng đào tạo và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nhiều cơ sở đào tạo chưa nghiêm túc thực hiện đúng quy trình, lỏng lẻo trong quản lý và thẩm định đề tài, luận án dẫn tới tình trạng có những luận án tiến sĩ chưa đạt”, GS TSKH Nguyễn Đình Đức bày tỏ.
Theo PGS.TS Vũ Lan Anh, để nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ, yếu tố thứ nhất là điều kiện tuyển sinh, trong đó có tố chất nghiên cứu khoa học và trình độ ngoại ngữ. Việc xem có tố chất hay không căn cứ vào các công trình khoa học của nghiên cứu sinh. Ngoại ngữ là rất cần thiết, vì vững ngoại ngữ thì nghiên cứu sinh mới có điều kiện tham khảo, đọc tài liệu nước ngoài, tham gia môi trường học thuật thế giới.
Thứ hai là bản thân quá trình đào tạo. Chương trình đào tạo, giáo trình, học liệu, phương pháp nghiên cứu, phương pháp đánh giá theo cách nào.
Cuối cùng là yếu tố người hướng dẫn.
Khi nào ta đáp ứng đầy đủ các yếu tố đó thì chất lượng đào tạo tiến sĩ mới có thể tốt được.
Bà Vũ Lan Anh - Ảnh: Nam Trần |
Định nghĩa về tiến sĩ chưa rõ ràng
Theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, có điểm khác biệt trong đào tạo tiến sĩ hiện nay so với trước đây. Trước đây, đa số tiến sĩ của Việt Nam đều được đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu là các nước Đông Âu và Liên Xô. Còn hiện tại, tiến sĩ chủ yếu được đào tạo trong nước. Vì vậy, cần phải đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đạt chất lượng tương đương với các nước trên thế giới.
Tiếp nối ý kiến của PGS Vũ Thị Lan Anh, một câu hỏi về kinh nghiệm đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài được gửi đến GS.TSKH Trần Văn Nhung: Là người được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, GS có thể chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo tiến sĩ ở một số nước trên thế giới?
GS.TSKH Trần Văn Nhung cho rằng chủ đề buổi tọa đàm là vấn đề mà cả xã hội đang rất quan tâm.
GS Nhung cho rằng tới đây, khi Bộ GD-ĐT sửa đổi quy chế đào tạo tiến sĩ, trước hết cần phải đưa ra được định nghĩa đầy đu về khái niệm tiến sĩ. Trên thế giới và các nước đều có định nghĩa rất rõ ràng về tiến sĩ.
Ngoài ra, cần có quy định chặt chẽ “ai là phản biện, ai nằm trong hội đồng” với những tiêu chuẩn đi kèm không thể thấp được.
GS Nhung đề nghị tiêu chuẩn tiến sĩ cần đỏi hỏi những tiêu chuẩn cụ thể. Ví dụ với khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, phải có phát minh, yêu cầu không dưới 2 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI. Riêng khoa học xã hội và nhân văn không bắt buộc có các công bố quốc tế ngay, nhưng cũng cần có những tiêu chuẩn định lượng rành mạch.
Theo GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Bộ nên cụ thể hóa thế nào là tiến sĩ, với các tiêu chí rành mạch hơn nữa sẽ thuận lợi cho các cơ sở đào tạo thực hiện.
GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - Ảnh: Nam Trần |
Khi đặt ra vấn đề đổi mới đào tạo tiến sĩ, ĐHQG HN cũng đặt ra các nội dung cụ thể: Nâng chất lượng nội dung đào tạo, gắn hoạt động của nghiên cứu sinh với công bố quốc tế, tạo môi trường, hỗ trợ cho nghiên cứu sinh nghiên cứu, nâng chất lượng cán bộ giảng dạy, hướng dẫn....
Có nhiều vấn đề cần phải xem xét để điều chỉnh quyết liệt hơn, như trong lĩnh vực khoa học xã hội & nhân văn cũng cần có ít nhất hai bài báo công bố quốc tế...( lâu nay do đặc thù nên ít có công bố quốc tế ở lĩnh vực này).
Tiến sĩ mà kém ngoại ngữ?
GS. TSKH Bùi Văn Ga cho biết: Bộ GD-ĐT cũng đang xem xét để xây dựng các tiêu chí tiệm cận với khung trình độ tiến sĩ trong khu vực và quốc tế. Đây cũng là cơ sở để các cơ sở đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra. Và để thỏa mãn được yêu cầu chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn, đầu vào nghiên cứu sinh sẽ phải cải thiện.
Thứ nhất, đúng như các khách mời trong tọa đàm cũng có ý kiến, cần phải nâng trình độ ngoại ngữ đầu vào. Trước đây vì quan niệm trình độ ngoại ngữ là điều kiện cho đầu ra nên đầu vào chúng ta đặt thấp. Bây giờ cần thay đổi quan điểm, nâng trình độ ngoại ngữ đủ để nghiên cứu sinh có thể đọc tài liệu nước ngoài phục vụ cho nghiên cứu, để mở rộng quan hệ, tham gia cọ xát trong môi trường học thuật trong khu vực và quốc tế.
Muốn nghiên cứu sinh có chất lượng thì người hướng dẫn phải có chất lượng. Vì người hướng dẫn phải đi trước mới có thể thẩm định được đề tài, hỗ trợ nghiên cứu sinh có định hướng nghiên cứu, hỗ trợ nghiên cứu sinh tham gia các công trình nghiên cứu, các hội thảo quốc tế ....
Sao chép, ăn cắp ý tưởng, làm sao loại bỏ?
Một câu hỏi về yêu cầu đối với phản biện luận án, có cần thiết duy trì phản biện kín như hiện nay được gửi đến GS Trần Văn Nhung.
Theo GS Nhung, nhiều nước phát triển vẫn áp dụng phương thức phản biện kín. Trong điều kiện Việt Nam vẫn nên tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, cần áp dụng thế nào cho khách quan, có giá trị.
GS Nhung đề xuất cần có hội đồng tư vấn chất lượng khoa học tầm quốc gia tham gia đánh giá chất lượng khoa học các luận án. Cơ quan này phải hoạt động độc lập, không phải Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT chỉ làm đúng vai trò quản lý Nhà nước.
Trước vấn đề “đạo văn” trong nghiên cứu mà dư luận quan tâm, GS Nhung cho rằng không có phần mềm nào thay thế được con người trong phát hiện “đạo văn”.
Theo GS Nhung, một người sao chép hoàn toàn 30 trang luận án có khi không nguy hiểm bằng trường hợp dù không sao chép hoàn toàn văn bản, nhưng lại ăn cắp ý tưởng của người khác để diễn đạt bằng giọng văn của mình.
Để chống nạn “ăn cắp” ý tưởng, cách tốt nhất là tận dụng cách làm của thế giới. Đó là yêu cầu về bài báo công bố quốc tế. Bởi lẽ bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín sẽ phải trải qua những vòng phản biện rất chặt chẽ. |
GS Trần Văn Nhung - Ảnh: Nam Trần |
GS Nguyễn Đình Đức cho biết: Ở ĐHQG HN có những ngành có 1 trong 2 phản biện không đồng ý với luận án, có luận án tất cả người phản biện không đồng ý. Đó là việc hết sức bình thường. Nhưng trong trường hợp luận án xuất sắc thì cũng cần có yếu tố khuyến khích để tránh việc đánh giá quá khắt khe, cứng nhắc.
Còn trong trường hợp luận án tiến sĩ có vấn đề tiêu cực thì cần phải bình tĩnh xem xét cẩn trọng “vấn đề” nảy sinh ở khâu nào. Ví dụ nếu luận án bị tố đạo văn thì cũng cần xem xét kĩ xem đây có phải việc cố ý đạo ý tưởng, kết quả hay chỉ là vô tình trích dẫn.
Việc xem xét này phải dựa trên đối chứng giữa các bên liên quan để xác định rõ ràng, khách quan. Tránh kết luận oan cho các tác giả.
Để làm được việc này hội đồng thẩm định cần có trách nhiệm, bản lĩnh. Bởi mỗi trường hợp sẽ có những vấn đề phức tạp khác nhau.
Các cơ sở đạo tạo có khó khăn không?
GS Đức khẳng định: Có khó khăn. Ví dụ khi ta đặt ra các yêu cầu rất cao, cụ thể là yêu cầu có bài báo công bố quốc tế, đặc biệt ở lĩnh vực khoa học xã hội, nếu ngay lập tức sẽ khó thực hiện được.
Bởi vậy đặt ra chuẩn cao để rút ngắn khoảng cách với tiêu chuẩn quốc tế là đúng, nhưng phải có lộ trình cho các cơ sở đào tạo có thời gian đầu tư, chuẩn bị, chuẩn bị cả người hướng dẫn, điều kiện đào tạo, nghiên cứu sinh...
PGS. TS Vũ Lan Anh cho rằng: Cơ sở nào cũng cần nâng cao chất lượng đào tạo để tạo uy tín cho mình. Nhưng để nâng chất lượng đầu vào, đầu ra thì cũng có những vấn đề khó khăn mà tất cả các cơ sở đào tạo sẽ phải đối mặt.
Các cơ sở cần phải chuẩn bị các điều kiện: Cán bộ hướng dẫn, phòng thí nghiệm, học liệu. Phải thay đổi quan niệm, cơ sở đào tạo cần phải xác định cố gắng để có thể phục vụ nghiên cứu sinh tốt nhất để họ có được sản phẩm nghiên cứu tốt.
GS Nhung cho rằng mức kinh phí đầu tư cho một nghiên cứu sinh một năm như GS Nguyễn Đình Đức dẫn chứng tại ĐHQG HN ở mức 18 triệu đồng là “quá rẻ”, “không có nước nào với giá như thế mà làm được”. Với mức đầu tư quá rẻ như vậy mà đòi hỏi chất lượng ngang với các nước tiên tiến như nước Mỹ thì “ngang với biến hóa thần thông”.
Vì vậy, theo GS Nhung, ngoài việc chia sẻ với lo lắng của xã hội về chất lượng đào tạo tiến sĩ, chính Bộ GD-ĐT cùng các cơ sở đào tạo cũng phải có trách nhiệm giải thích rõ những bất cập hiện tại trong điều kiện đào tạo tiến sĩ, cần tăng cường đầu tư mạnh mẽ hơn cho bậc đào tạo này.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng xác nhận kinh phí đào tạo thấp là khó khăn, vướng mắc lớn trong đào tạo tiến sĩ.
Kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Ga đánh giá: Ý kiến của các khách mời đã xới lên nhiều vấn đề trong đào tạo tiến sĩ.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT khi đặt ra việc sửa đổi quy chế đào tạo tiến sĩ là không chỉ thực hiện theo chủ quan của nhóm soạn thảo của Bộ mà rất cần chất xám của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các nhà quản lý....
Có thể khi trưng cầu ý kiến, quan điểm, ý nguyện của các cơ sở đào tạo không đồng nhất với ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia. Nhưng việc xem xét cân nhắc trên nhiều kênh khác nhau là rất cần thiết để có thể xây dựng một quy chế sửa đổi, bổ sung tốt nhất có thể, giải quyết được những bất cập kéo dài trong thời gian qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận