13/04/2015 15:47 GMT+7

​Lúa và đá ở Ma Lé

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Đứng trên đèo Mã Pí Lèng ngắm dòng sông Nho Quế như một sợi chỉ xanh biếc dưới hẻm vực Tu Sản.

Ngô của nhà Vừ Sé Cơ không dùng hết, chất đống trên sàn từ năm này qua năm khác - Ảnh: Ngọc Quang

Nhìn lên những đỉnh núi đang soi bóng xuống Nho Quế, giữa màu đá xám đen ấy thấp thoáng những cụm xanh của ngô và cỏ voi.

Mất bao lâu thời gian để người Mông nơi đây leo lên nương ngô đó? Nhìn những nương ngô trên cheo leo đỉnh trời ấy, chúng tôi nhớ đến câu tục ngữ của người Mông: “Không có đỉnh núi nào cao hơn đầu gối người Mông”.

Dọc dài trên những con đường hun hút đi sâu vào núi ở cao nguyên đá, những cụm ngô, những cụm cỏ voi và thấp thoáng bóng người trên nương. Có lẽ chỉ cần sống được trên đá như ở cao nguyên này đã là một huyền thoại.

Người “nông dân Mông số 1”

Ở Hà Giang có một giống lúa hơi khó trồng nhưng lại cho gạo để nấu cơm rất thơm và dẻo, đấy là lúa Khẩu Mang.

Trong một chuyến làm việc với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Giang, anh Nguyễn Đức Vinh, giám đốc sở, đã đưa chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất giống lúa này ở xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên).

Từ trại giống này, giống lúa Khẩu Mang được đưa về cho bà con các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc để sản xuất. Là giống lúa cho loại gạo đặc sản nên giá bán của gạo Khẩu Mang luôn cao gấp rưỡi, gấp đôi so với gạo tẻ thường.

Có lẽ do đất trồng lúa ít ỏi nên miếng đất quý hiếm ấy cũng phải trồng cho được giống lúa chất lượng cao. Và Đồng Văn, huyện “tâm điểm của đá”, lại có nhiều người trồng được lúa Khẩu Mang và diện tích không chỉ vài sào mà lên đến cả hecta.

Vừ Sé Cơ là người Mông có số ruộng nhiều nhất giữa vùng núi đá Đồng Văn. Trồng được nhiều gạo ngon, nuôi được nhiều trâu bò, là người nông dân Mông đầu tiên từng ra tới Trường Sa...

Với những “kỷ lục” nghe được như vậy, chúng tôi lặn lội đi tìm gặp Vừ Sé Cơ ở Ma Lé - một xã đường biên sát cạnh cực bắc Lũng Cú.

Người Mông ở Đồng Văn nhắc nhiều đến Vừ Sé Cơ, người nông dân “thượng thặng”. Tuy nhiên nếu không vào đến thôn Ma Xí B của xã Ma Lé thì không thể hiểu được vì sao Vừ Sé Cơ lại nổi tiếng đến thế.

Anh Lương Triệu Vững, cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Đồng Văn, dẫn chúng tôi đi tìm ông. 

Đi thăm Trường Sa

Đưa tay chỉ lên mấy bức ảnh treo trên tường, Vừ Sé Cơ nói như khoe: Năm kia mình đi Trường Sa rồi đấy! Hóa ra Vừ Sé Cơ là người Mông đầu tiên ở Hà Giang ra tới quần đảo xa xôi này trong đoàn đại biểu của tỉnh Hà Giang đi thăm biển đảo.

Chuyến đi do ông Triệu Tài Vinh, bí thư tỉnh ủy, dẫn đầu. Chuyến đi ấy Vừ Sé Cơ về cứ kể mãi với dân bản về cái biển to rộng, những con tàu cũng to chở người cực bắc ra tới cực đông đất nước.

Ra Trường Sa về, Vừ Sé Cơ hiểu mình còn phải làm nhiều ngô hơn, nhiều lúa hơn, nuôi nhiều bò dê hơn để góp phần nuôi bộ đội mình ngoài đảo xa xôi ấy!

Con đường từ Đồng Văn vào Ma Lé sau mưa như thách thức cuộc viếng thăm của chúng tôi. Mưa khiến chút đất hiếm hoi trên đá biến thành một thứ bùn nhẫy “tráng men” lên những tảng đá đã trơn mòn trên lối đi.

Bánh xe nhiều lúc không bám được, trôi và trượt, đường chỉ đủ rộng cho xe đặt bánh và bên dưới là vực sâu hun hút.

Ngôi nhà của Vừ Sé Cơ được cất trên mé núi mà nền nhà là những tảng đá chồng xếp lên nhau theo kỹ thuật xếp đá độc đáo của người Mông. Nhà vắng.

Anh Vững bắc tay hú một tiếng dài, từ dưới hẻm núi một tiếng hú vọng lại.

Rồi thấp thoáng trong bóng đá, bóng cây một dáng người lực lưỡng mặc chiếc áo màu chàm hiện ra. Đấy là Vừ Sé Cơ - “huyền thoại” mà chúng tôi đang lặn lội tìm gặp.

Như bất cứ người Mông hiếu khách nào, Vừ Sé Cơ vồn vã quệt bàn tay đang đẫm sương vào áo rồi lúi húi vào nhà mang ra... can rượu đặt trên bàn.

Tưới mồ hôi lên đá

Sau mấy chén rượu, Vừ Sé Cơ dẫn chúng tôi xuống nương. Thật bất ngờ khi giữa xứ sở chỉ đá núi và đá núi, ông Cơ có cả một dải ruộng nước dài theo con suối Xéo Hồ lên đến cả hecta.

Mảnh lớn, mảnh bé, nép vào bờ đá, có mảnh cheo leo bên sườn, có mảnh nằm sâu dưới lũng. Để có ngần này ruộng, Vừ Sé Cơ đổ xuống đây gần như tất cả cuộc đời mình.

Muốn trồng lúa thì phải có đất và nước. Mà đất và nước là hai thứ cực hiếm ở đây. Không thể trồng ngô trồng lúa theo kiểu gùi từng gùi đất lên núi rồi vốc đất cho vào các hốc đá, tra hạt ngô hạt lúa vào đấy rồi chờ đợi.

Vừ Sé Cơ đi dọc con suối Xéo Hồ và quyết định “làm ăn lớn”, nghĩa là không làm từng vốc đất mà phải làm một nương đất. Những khoảnh đá tương đối bằng phẳng ở cạnh suối Xéo Hồ được Vừ Sé Cơ xếp thành liếp, chỗ nào đá nhô cao quá thì lại đục đá để be kè thành bờ ruộng.

Rồi với chiếc xe bò, ông đi kiếm đất chở về đổ lên vuông đá được xếp kia để thành những thửa ruộng bậc thang bên suối Xéo Hồ.

Dậy từ tinh mơ và về nhà khi tối mịt, hôm nào trăng sáng thì làm thâu đêm. Những mảnh ruộng-đất-trên-đá thành hình. Ngăn suối Xéo Hồ cho nước chảy vào ruộng thì có được ruộng nước.

Câu chuyện về sự hình thành những thửa ruộng của Vừ Sé Cơ có thể kể ngắn gọn như thế, nhưng mồ hôi mà cả nhà ông Cơ đổ xuống thì không thể ngắn gọn. Vì từng mảnh nương nhỏ như thế, mỗi năm làm vài mảnh, và rồi số ruộng của Vừ Sé Cơ có thể tính bằng... hecta.

“Mở ruộng lúc đầu cũng được mấy sào thôi, sau đó Nhà nước cấp tiền cho hộ dân nào mở thêm được ruộng. Làm cái núi đá thành ruộng nước là có tiền Chính phủ cho, tiền từ chương trình định canh định cư cho dân ấy. Mình mở ruộng cho mình, mình được ruộng, được lúa, lại được cả tiền nên vui cái bụng lắm, cả nhà cứ tối ngày quần quật với việc chở đất để san trên đá làm thành ruộng”.

Giúp bà con thôi

Nhìn những bông lúa mẩy căng trĩu nhánh bên suối Xéo Hồ của đám ruộng nhà Vừ Sé Cơ, chúng tôi hiểu vì sao người Đồng Văn lại ngưỡng mộ Vừ Sé Cơ đến thế.

Hơn 1,5ha ruộng nước, 2ha nương ngô, rồi chăn nuôi 45 con bò, đàn dê có khi lên đến hơn trăm con... Vừ Sé Cơ trở thành tấm gương cho dân trong vùng.

Nhiều ruộng, nhiều bò, dê nhưng nhiều bà con ở Ma Lé còn nghèo. Vậy là những thửa ruộng mà Vừ Sé Cơ bao năm khai phá kia được ông mang đi cho những hộ nghèo trong bản mượn để trồng ngô trồng lúa.

Thào Xín Hờ được ông cho mượn gần ba sào, Thào Dúng Sìn cũng vậy. Rồi Thào Va Sờ, Vừ Thế Chư. Gần 1,5ha ruộng của gia đình được ông cho những người nghèo ở Ma Xí B mượn. “Bà con dân bản nghèo cả, mình nay đủ ăn rồi thì mình giúp bà con thôi”.

Với Vừ Sé Cơ, câu chuyện san sẻ những thửa ruộng cho người khác mà ông đắp đổi bằng bao nhiêu mồ hôi năm tháng lại được kể ra vô cùng giản dị.

Hỏi Vừ Sé Cơ làm sao có thể có đàn bò đàn dê nhiều như thế, Vừ Sé Cơ cười: dễ mà, mình có nhiều ngô, nhiều lúa mình bán đi mua bò, mua dê.

Những lần Nhà nước cho dân vay tiền phát triển chăn nuôi mình lại vay, khi có nhiều bò nhiều dê rồi, cũng như ruộng, ai không có dê có bò mình cho mượn để nuôi, rồi bò đẻ ra mình chia cho họ một phần, mình một phần, dê cũng thế, nhờ vậy mà nhiều hộ dân ở Ma Xí B này có thêm bò dê trong nhà.

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên