Nông dân An Giang than khó khi không có thương lái, giá lúa giảm sâu. Trong ảnh: nông dân chất lúa lên tuyến tỉnh lộ 957, huyện An Phú, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngoài ra các loại trái cây được xem là thế mạnh của vùng này như cam, nhãn... cũng "chết đứng" vì bí đầu ra, dù chính quyền đã nỗ lực kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ.
Lúa đầy đồng, trái cây chờ rụng
Ông Nguyễn Văn Phú (nông dân xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, An Giang) cho biết hơn 10ha lúa OM5451 gần đến ngày thu hoạch nhưng không thấy thương lái nào mua, khiến ông và bạn bè làm ruộng chung đều "ăn ngủ không yên". "Bây giờ thương lái rất ít, nếu có bán được lúa cũng với giá rất thấp, bởi thương lái cho biết di chuyển khó khăn do giãn cách, trong khi chi phí giá thành tăng mạnh, trong đó giá phân bón tăng trên 200.000 đồng/bao" - ông Phú nói.
Tương tự, ông Hà Phú Cường (xã Vĩnh An, huyện Châu Thành) cho biết hơn 300ha lúa trong vùng đã đến ngày thu hoạch nhưng không thấy bóng dáng thương lái. "Tôi đã gọi điện thoại vào đường dây nóng của ngành nông nghiệp nhưng đều bó tay vì thương lái không vào được" - ông Phú lo lắng.
Nhiều nông dân tại Vĩnh Long cũng cho biết các loại trái cây chín đầy vườn nhưng không có thương lái nào đến hỏi mua. Ông Nguyễn Văn Phát - giám đốc Hợp tác xã (HTX) nhãn Tích Phước (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) - cho biết giá nhãn chỉ còn 8.000 - 9.000 đồng/kg, nhà vườn lỗ nặng do chi phí tăng mạnh, nhưng đến nay các xã viên vẫn còn trên 40 tấn chưa tiêu thụ được.
"Tôi có phản ảnh đến lãnh đạo địa phương, nhờ hỗ trợ tìm đầu ra, gỡ khó trong khâu lưu thông, chứ tình hình này kéo dài thì nông dân khổ lắm" - ông Phát nói.
Trong khi đó, theo bà Đỗ Thị Phương Khánh - giám đốc HTX cam sành Khánh Nhân (huyện Tam Bình), HTX này đang đối mặt với tình trạng cam chín, rồi chuyển sang chờ... rụng do khó khăn trong thu hoạch và vận chuyển vì thiếu người làm công.
"Nguyên nhân là do khi giãn cách xã hội, nhân công hái ở xã này qua xã khác không lọt được chốt kiểm soát. Chúng tôi cũng đã đăng ký luồng xanh đầu vào lẫn đầu ra, nhưng khó trong khâu thu hoạch, vận chuyển" - bà Khánh nói.
Xoay xở nhiều phương án hỗ trợ nông dân
Ông Nguyễn Sĩ Lâm - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang - cho biết địa phương này vẫn còn khoảng 600.000 tấn lúa hè thu chưa tiêu thụ được, chưa kể khoảng 58.000 tấn rau màu cũng cần được hỗ trợ tiêu thụ như bắp, đậu nành rau (Chợ Mới), hành lá (Phú Tân), sen (An Phú)...
"Ngoài việc thành lập tổ phản ứng nhanh giúp tiêu thụ nông sản cho bà con, chúng tôi có nhờ Tập đoàn Lộc Trời sẽ là trung gian kết nối các doanh nghiệp trong hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo" - ông Lâm nói.
Ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết đã yêu cầu các huyện chủ động hình thành các kho chứa, bãi tập kết nông sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, HTX và thương lái tổ chức thu hoạch, vận chuyển và mua bán các loại nông sản trên cơ sở đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19.
"Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu thống kê danh sách các chủ máy gặt đập liên hợp và nhân công theo máy để đưa vào danh sách ưu tiên tiêm vắc xin. UBND cấp huyện chỉ đạo thành lập nghiệp đoàn bốc xếp phục vụ thu hoạch, vận chuyển nông sản..." - ông Thư nói.
Theo ông Lê Hữu Toàn - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết cái khó hiện tại là năng lực thu mua của các doanh nghiệp có hạn, trong khi không tìm được thương lái mua lúa.
"Chúng tôi đã cố gắng hết sức vừa đảm bảo chống dịch, vừa tiêu thụ lúa cho nông dân. Tuy nhiên do không còn thương lái thu mua, hoặc chỉ mua do có hợp đồng với nông dân từ trước giãn cách xã hội. Chúng tôi đã kiến nghị các bộ, ngành có giải pháp mua tạm trữ lâu dài" - ông Toàn cho biết.
Chế biến thủy sản giảm 60-70%, nông sản ùn ứ và rớt giá
Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 100% công nhân các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đang thực hiện "3 tại chỗ" và các cơ sở sản xuất liên kết với nhà máy thực hiện theo chuỗi giá trị trực tiếp sản xuất.
Đây là một trong những nội dung tại văn bản vừa được tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo về tình hình sản xuất, cung ứng nông sản các tỉnh phía Nam.
Tổ công tác cũng kiến nghị Chính phủ triển khai chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia để kích cầu sản xuất, động viên nông dân tiếp tục sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.
Theo tổ công tác, các công ty thủy sản, đặc biệt ở Nam Bộ, đang rất khó khăn do dịch COVID-19. Từ giữa tháng 7-2021, sản xuất và xuất khẩu thủy sản giảm 20% so với 6 tháng đầu năm. Công suất các nhà máy chế biến thủy sản của cả vùng dự báo giảm chỉ còn 30-40% trong những tháng cuối năm, do nhiều nhà máy dừng hoạt động bởi không thể áp dụng phương án "3 tại chỗ".
Ngành chăn nuôi cũng gặp khó khăn do giá bán giảm sâu vẫn khó tiêu thụ. Nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ xuất khẩu dự báo sẽ giảm mạnh, đặc biệt là xuất khẩu rau quả có thể giảm 30% do thiếu vật tư nông nghiệp, vùng nguyên liệu không được chăm sóc. Nhiều mặt hàng nông sản khó tiêu thụ, ứ đọng, giá xuống thấp nên một bộ phận nông dân, HTX, doanh nghiệp có tâm lý ngần ngại trong tái đầu tư sản xuất.
"Để kích cầu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo chuỗi giá trị không bị đứt gãy, cần thiết có một chương trình hỗ trợ tổng thể từ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản cho đến sản xuất cung ứng nông sản trong thời gian tới", báo cáo nhấn mạnh.
CHÍ TUỆ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận