13/06/2005 01:04 GMT+7

Lúa sạch giá cao

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - “Trồng lúa bây giờ mà xịt thuốc trừ sâu là... xưa như trái đất rồi. Ở đây tụi tui chỉ làm lúa chất lượng cao và an toàn cho sức khỏe mà thôi. Mỗi vụ chỉ bón một ít phân, còn thuốc trừ sâu thì tuyệt đối nói không”.

YJfdZQZj.jpgPhóng to
Đoàn cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh An Giang tham quan cánh đồng lúa an toàn, chất lượng cao ở xã Mỹ Thành Nam
TT - “Trồng lúa bây giờ mà xịt thuốc trừ sâu là... xưa như trái đất rồi. Ở đây tụi tui chỉ làm lúa chất lượng cao và an toàn cho sức khỏe mà thôi. Mỗi vụ chỉ bón một ít phân, còn thuốc trừ sâu thì tuyệt đối nói không”.

Trò chuyện với chúng tôi bên đám ruộng mới sạ lên lưa thưa, ông Huỳnh Văn Sáu ở ấp 7, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thao thao bất tuyệt như một nhà chiến lược.

Mới đây, một thành viên trong đoàn cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đến tham quan đã tấm tắc: “An Giang vốn là vựa lúa của ĐBSCL, nhưng sản xuất lúa bậc cao như Mỹ Thành Nam thì phải học thôi!”.

Từ năm 2003 đến nay hơn 1.000ha lúa ở xã này không hề phun thuốc trừ sâu, nhưng so với kiểu cũ thì nông dân ở đây thu lợi hàng chục triệu đồng/vụ/ha.

“Cuộc chiến” giữa những ông chồng - bà vợ

Nhớ lại chuyện trồng lúa theo kiểu mới cách đây hơn hai năm, ông Huỳnh Văn Sáu hào hứng: “Đi hội thảo nghe kỹ sư Hải ở phòng nông nghiệp huyện hướng dẫn sạ hàng vừa tiết kiệm lúa giống vừa hạn chế sâu bệnh, tôi về áp dụng liền. Cũng vì chuyện này mà hai vợ chồng tui không nhìn mặt nhau cả tháng trời”.

Ông Sáu bảo hồi trước một công ruộng phải sạ 20kg lúa giống mà chưa chắc đã đều, còn các nhà khoa học khuyến cáo dùng máy sạ hàng thì chỉ cần có 10kg. Đem chuyện này về kể, bà Sáu nổi trận lôi đình gặp mặt ông Sáu ở đâu là cằn nhằn ở đó.

Quyết không chịu thua, ông Sáu âm thầm ngâm giống, gieo sạ một mình bằng máy. Bẵng đi một thời gian, khi lúa lên cao, bà Sáu ra đồng thấy sâu ăn gần tới gốc đã đứng khóc ròng: “Cái ông này mù quáng mất rồi, nghe lời mấy thằng cha ở phòng nông nghiệp để lúa thóc như thế này, mùa này ăn rơm là cái chắc!”.

Và bà lại giận không thèm nhìn mặt chồng suốt hai tuần liền, cho tới khi nghe một người hàng xóm bảo “lúa nhà bà Sáu kỳ này tốt quá, chắc vụ này trúng dữ à nghe”, bà mới len lén ra xem thử…

Đó không phải là trường hợp mất đoàn kết gia đình ở xã này khi phòng nông nghiệp huyện đưa tiến bộ kỹ thuật mới về cho bà con áp dụng. Ông Trần Văn Tấn, phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nam, cho biết nếu mười ông chồng hưởng ứng mô hình mới thì có ngay mười bà vợ phản đối.

Hôm trước chồng đăng ký tham gia thực hiện mô hình thì y như rằng hôm sau bà vợ tới ủy ban xã yêu cầu xóa tên. Có những lúc cán bộ kỹ thuật và chính quyền địa phương đinh ninh chương trình này sẽ phá sản vì mấy bà phản đối dữ quá.

Ông Lương Văn Biền ở ấp 7 nhớ như in chuyện cũ: “Đi dự hội thảo về, từ vụ đầu tiên năm 2003 tui quyết định sạ hàng thì bà nhà tui bằng mặt chứ không bằng lòng, còn không phun thuốc trừ sâu là bả phản đối ghê lắm. Chú có tưởng tượng được là ngày nào bả cũng khóc như đưa đám khi nhìn thấy bù lạch ăn còi cọc cây lúa mà tui nhất định không chịu xịt thuốc”.

Bà Phan Thị Thức (vợ ông Biền) xởi lởi: “Tại tui sợ sâu ăn chết lúa mới khóc để làm eo buộc ổng đem thuốc ra xịt. Nhưng tui đâu có phản đối bằng cách bỏ nhà đi như vợ ông Hai Đồ bên cạnh đâu”.

Theo lời phó chủ tịch xã Trần Văn Tấn, có một số trường hợp sợ nghe lời nhà khoa học sẽ “bán lúa giống” hoặc sợ tình cảm gia đình bị rạn nứt đã lén lút đem thuốc trừ sâu ra đồng phun lúc chạng vạng tối. Tuy nhiên tất cả trường hợp này đều bị phát hiện và đem ra phê bình nên về sau không còn nữa.

“Rất may mắn là trong những lúc khó khăn đó các cán bộ kỹ thuật huyện vẫn không nản lòng, kiên trì bám dân để vận động suốt mấy năm ròng rã. Cái may nữa là các ông chồng không chịu theo chủ nghĩa “nhất vợ, nhì trời” nên bây giờ mới có những cánh đồng sạch thuốc trừ sâu như thế này” - ông Tấn nói.

iFpe07fa.jpgPhóng to
Ông Lương Văn Biền phơi lúa vừa thu hoạch xong
Lo thương hiệu cho lúa!

Chỉ tay ra đám ruộng lúa mới sạ hơn mười ngày còn lưa thưa, ông Sáu bảo rằng trà lúa như vậy là tốt lắm rồi, chẳng cần xịt thuốc gì cả, vụ này nằm ngủ cũng có ít nhất 5 tấn/ha.

Phó chủ tịch xã Trần Văn Tấn cho biết đến nay toàn xã đã có hơn 1.000ha (trong số 1.400ha đất nông nghiệp của xã) trồng lúa hoàn toàn không phun thuốc trừ sâu, chỉ phun duy nhất loại thuốc phòng bệnh khô cổ bông.

Đặc biệt, tại ấp 5 hiện có gần 100ha lúa sản xuất theo qui trình “an toàn, chất lượng cao” do Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang và Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy triển khai thí điểm trước khi nhân ra diện rộng.

Nhiều nông dân sau khi được giới thiệu qui trình này đã đúc kết ngắn gọn thành khẩu hiệu để vận động người khác: “Lúa an toàn, chất lượng cao tức là không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không có kim loại nặng, an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường”.

Nhờ vậy mà gần đây đã có rất nhiều nông dân ở các ấp khác của xã Mỹ Thành Nam và các xã lân cận như Mỹ Thành Bắc, Phú Nhuận... tìm đến học tập kinh nghiệm của nông dân ấp 5 về làm theo.

Ông Nguyễn Văn On ở ấp 5 cho biết: “Làm kiểu này ban đầu thấy khó nhưng dần dần sẽ quen, lại tiện. Sạ xong cứ bỏ đó lo chuyện khác, chẳng cần đầu tắt mặt tối ngoài đồng như hồi trước. Làm chơi chơi vậy chứ vụ rồi thu hoạch được 8 tấn/ha chứ có ít đâu”.

Và bây giờ, sau khi các chuyên gia của Viện Lúa gạo quốc tế (IRRI) đã mục sở thị và hết lời khen ngợi những gì mà nông dân vùng này đã và đang làm, họ bắt đầu quay qua bàn tới chuyện lo thương hiệu cho lúa gạo Mỹ Thành Nam.

Ông Nguyễn Văn On và ông Huỳnh Văn Sáu đặt vấn đề: “Lúa chất lượng cao thì phải có giá trị cao hơn lúa thường. Gạo sạch tốt cho sức khỏe thì giá phải cao hơn gạo khác là lẽ đương nhiên, nhưng bây giờ bà con vẫn bán với giá bằng với lúa gạo thường. Như vậy là không công bằng!”.

Theo tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy, việc đăng ký thương hiệu cho lúa gạo an toàn, chất lượng cao Mỹ Thành Nam đang được tiến hành có thể sẽ được công nhận trong năm 2005 này.

Trong qui trình sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao có yêu cầu ngâm giống với chất kích kháng để cây lúa phòng được bệnh cháy lá và phun vi khuẩn đối kháng (có trong môi trường) hoặc chế phẩm sinh học để phòng bệnh đốm vằn.

Trong suốt mùa vụ không được phun thuốc bảo vệ thực vật, nhưng có thể phun thuốc phòng bệnh khô cổ bông; tuyệt đối không phun phân bón lá vì (có thể) có kim loại nặng. Để bón phân tiết kiệm mà hiệu quả cao, ngành nông nghiệp sẽ lấy mẫu xét nghiệm từng mảnh ruộng để biết ruộng đó thiếu chất gì, độ pH ra sao để điều chỉnh phân bón phù hợp.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên