Bí quyết tôi luyện thép tốt của Học kết hợp truyền thống và hiện đại - Ảnh: VŨ TUẤN
Học là thợ rèn nhưng cũng là bệnh nhân ghép thận. Anh gầy gò, để râu tóc dài buộc điệu đà như chàng mê cọ vẽ. Cái mũ lưỡi trai lúc nào cũng sùm sụp trên mặt vì thói quen che bớt ánh sáng để ngắm sản phẩm rèn.
"Tác phẩm" 3 lớp thép
Học rèn tỉ mỉ đến độ con dao dày 3,8mm nhưng được ghép bằng ba lớp thép khác nhau mà không phải người trong nghề, soi kính lúp cũng khó nhận ra.
Học giới thiệu cho tôi con dao chuyên dùng để thái. Lạ là chỉ những anh chàng mê nấu ăn, mê đồ handmade hoặc dân maker (người thích sáng tạo) mới biết đến con dao này. Sống dao dày 3,8mm, rất chắc chắn, không mỏng nhưng lưỡi bén như dao lam.
Từ độ dài, độ to bản, trọng lượng lưỡi dao, chuôi dao, độ dày, mỏng từ cán đến mũi dao được tính toán tỉ mỉ để tối ưu hóa cho người dùng...
Nó được anh kết hợp từ kỹ thuật làm dao Gyuto nổi tiếng của Nhật với kỹ thuật rèn xếp lớp và nhiệt luyện mà cha anh truyền dạy. "Dao cần sắc bén, lưỡi phải cứng chứ không dẻo. Vì thế lớp trong cùng, phần lưỡi dao là thép của vòng bi, hai lớp ngoài là thép nhíp dẻo" - Học thổ lộ.
Con dao bản to chưa đầy ba ngón tay mà người thợ rèn này phải mất bốn ngày mới làm xong. Học vừa tỉ mẩn nung đỏ, cán viên bi thép để làm phôi cho lớp trong cùng, cán mảnh nhíp làm phôi hai lớp ngoài. Chuôi dao bằng gỗ wanut, phần khâu dao bằng gỗ cẩm lai. Hai chi tiết chuôi dao ghép bằng mộng âm - dương. Để làm cái chuôi này, Học phải mất hai ngày...
Cầm con dao "phở" bản vuông, Học tiết lộ anh đang "test" trước khi chuyển cho khách. Dao chặt phải cứng nhưng phải dẻo. Phôi dao làm bằng nhíp những chiếc xe tải IFA cũ. "Đó là thép "đàn hồi không mỏi" anh ạ! Chỉ có thép từ những chiếc nhíp xe IFA hoặc ZIL Liên Xô ngày xưa mới đủ độ cứng, độ dẻo".
Theo Học, một số nơi trong nước đã nhập những loại thép "high carbon" (thép có tỉ lệ cacbon cao) rất cứng, chịu mài mòn tốt nhưng dễ bị oxy hóa. Hơn nữa, đi kèm với thép high carbon là máy móc hiện đại vì yêu cầu độ chính xác kỹ thuật cao.
Kinh nghiệm rèn, tôi thép truyền thống cũng cho ra sản phẩm chất lượng cao nhưng phụ thuộc vào tay nghề, kinh nghiệm và sự đam mê của người thợ.
Con dao chặt cũng được anh thợ rèn lãng tử này tính toán kỹ lưỡng từ trọng lượng, độ dày, mỏng các phần cán, phần mũi... rồi đến cả chất liệu chuôi dao, hình dáng, độ dài... để người cầm dao không mất lực cũng không bị phản lực tác động ngược cổ tay.
Chất lượng cơ khí của từng con dao sẽ bị đẩy lên đến giới hạn. Có những con dao mất ba ngày, chuẩn bị hoàn thiện thì không vượt qua được bài thử nghiệm của Học. Tỉ mỉ như dao Phaluong (một con dao đa năng vừa thái vừa chặt), Học dùng kỹ thuật nhiệt luyện cổ truyền.
Phương pháp này tạo ra được những con dao rất cứng. Tuy nhiên, nó khiến phôi co ngót rất mạnh nên chỉ sai một chút về nhiệt độ, thời gian cũng khiến lưỡi dao bị giòn, nứt. Vì thế sau khi hoàn thiện, dao của Học phải trải qua các bài test để kiểm tra chất lượng.
“Tôi rèn dao quý như tác phẩm nghệ thuật để sử dụng hữu ích. Chứ kẻ tà tâm, muốn làm chuyện xấu, có trả bao nhiêu tiền tôi cũng không bán.
KIỀU VĂN HỌC
Để rèn được dao tốt, Học phải mất mấy ngày - Ảnh: VŨ TUẤN
Mơ ước giữ nghề của chàng thợ rèn
Mất nhiều thời gian và vất vả nhưng nghề rèn luôn là đam mê của Học. Cha anh trước đây từng là thợ rèn giỏi trong quân đội, sau đó làm giảng viên cơ khí, sống trong làng có nghề rèn truyền thống. 10 tuổi đã cùng cha quay bễ lò rèn, 12 tuổi Học được cha tặng chiếc búa đầu tiên.
Từ đó, tiếng bễ lò rèn, âm thanh chát chúa của sắt, của đe đập nhịp nhàng trong trái tim chàng thiếu niên. Học không vạm vỡ như các bạn trong làng. Cha anh cũng không muốn con theo nghề vất vả. Thời gian ấy, nghề rèn ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) gặp khó. Nhiều nhà trong làng bỏ đi nơi khác làm ăn.
Học đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội về điện. Ra trường anh đi làm một thời gian thì phát hiện mình bị suy thận. Tương lai Học như sụp xuống. Gia đình chạy vạy khắp nơi để đủ tiền cho anh lọc máu, điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai mấy tháng trời. Bệnh tình giảm, anh được chuyển về chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa để giảm chi phí.
Vừa chạy thận vừa trở lại nghề rèn, Học mân mê làm những chi tiết nhỏ vì không đủ sức làm việc nặng. Được vài năm thì anh lên Hà Nội làm thêm để có tiền chữa trị ở Bệnh viện Quân y 103. Học nuôi hi vọng chữa được bệnh suy thận. Năm 2014, anh lang thang làm shipper để có thêm tiền vừa sống vừa chạy thận.
Đến năm 2016 thì cơ may đến với anh. Một bệnh nhân ghép thận được hiến tạng, đến khi chuẩn bị phẫu thuật thì phát hiện nhóm máu không hợp. Còn Học lại hợp nên họ nhường lại. Anh như được sống lại để trở về với nghề rèn. Có máy móc hỗ trợ, anh tránh việc quá sức, chỉ tập trung vào những tác phẩm của mình.
Trung bình mỗi tháng ngoài bảo hiểm, Học phải chi thêm khoảng 15 triệu đồng tiền thuốc, tiền khám... "Người ghép thận như em "sớm nắng chiều mưa" ấy mà. Sốt một chút là phải vào viện ngay" - Học tâm sự.
Cầm cây dao thái giống cây Gyuto nổi tiếng của Nhật, anh chia sẻ: "Mỗi cây dao thế này của Nhật có giá hàng triệu đồng. Cây đẹp hơn giá vài chục triệu, có cây lên tới 200 triệu đồng... Em ước có xưởng nho nhỏ, có thêm nhiều bạn cùng đam mê, cùng xây dựng thương hiệu rèn riêng của Việt Nam".
Chàng thợ rèn cho rằng kỹ thuật rèn truyền thống trong nước có thể làm ra những con dao rất "chai", không bị oxy hóa mà không cần mạ hay sơn phủ như những con dao đắt tiền trên thế giới.
Học rèn dao như một tác phẩm nghệ thuật - Ảnh: VŨ TUẤN
Thế nhưng khó khăn lớn nhất của Học không chỉ có sức khỏe mà là việc chuyển hàng. Những người mê nấu ăn, các maker (người thích sáng tạo), khách hàng của Học kết nối với anh trên Internet nhưng anh chỉ "ship" hàng qua các mối xe khách quen hoặc khách phải đến tận nhà anh để nhận hàng.
Sản phẩm của làng nghề Tiến Lộc đã xuất khẩu đi Thái Lan, Campuchia... nhưng không phải là dao vì vướng nhiều quy định. Chuyển hàng ra nước ngoài là điều không thể.
Người đặt hàng mới nhất là Mike Maceda sống ở bang Los Angeles (Mỹ). Học đành xin lỗi khách vì anh không thể tìm được đơn vị vận chuyển. Những con dao anh chăm chút thuộc nhóm công cụ nhà bếp hoặc dao đa năng cho những người đi câu cá, cắm trại hoặc đi rừng. "Dao nước ngoài bán đầy trong các siêu thị, nhưng dao của mình không thể ra nước ngoài mặc dù có đơn hàng" - Học nói.
Những người cần dao chất lượng tốt vẫn vào siêu thị lựa chọn. Dao của làng nghề truyền thống bị đẩy về chợ quê. Người làng nghề Tiến Lộc vẫn làm theo đơn hàng nhưng là hàng cơ khí, chi tiết máy.
Theo lãnh đạo xã Tiến Lộc, hiện xã có hơn nửa số dân với khoảng 1.500 hộ làm nghề rèn. Tuy nhiên, các sản phẩm rèn truyền thống như dao, kéo, nông cụ dần thu hẹp để nhường chỗ cho sản phẩm cơ khí chi tiết máy, bulông, ốc vít.
Chàng thợ rèn lãng tử Kiều Văn Học trăn trở nếu không liên kết lại và có một thương hiệu riêng, bí quyết rèn tinh hoa tổ tiên xưa của Tiến Lộc sẽ dần thất truyền...
Kỳ tới: Nửa thế kỷ giữ nghề hát xưa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận