TTCT - Trên 16.000 giáo viên đã bỏ nghề trong hai năm qua với rất nhiều nguyên nhân. Nhưng với những người ở lại, ngọn lửa nghề có khi lại được duy trì chỉ bởi một điều giản dị, vào những thời khắc tưởng như là cuối cùng. Cô giáo Tô Thị Xuân cùng các đồng nghiệp. Ảnh nhân vật cung cấpNghề không như là mơCô giáo Tô Thị Xuân, dạy địa lý ở Trường THPT Quỳnh Lưu 3 (Nghệ An) thú nhận từng có thời khắc "lòng đã quyết dứt áo ra đi". Cô lớn lên với ước mơ duy nhất là trở thành cô giáo và đã có 18 năm dạy học."Trong đời có hai người thầy mà tôi rất nhớ. Một người là cô giáo dạy mầm non ở làng từng đến tận nhà dắt tôi đi học và tặng tôi một cuốn sách từ khi tôi còn chưa học chữ. Một người là thầy giáo chủ nhiệm của tôi thời cấp III, thầy nghèo nhưng rất yêu nghề và hết lòng vì học sinh. Từ bé tôi đã muốn giống cô giáo dạy mầm non và khi học cấp III, tôi thực sự mơ ước trở thành cô giáo, như người thầy của mình", cô Xuân kể.Nhà nghèo, bố nghiện rượu và không ủng hộ cho Xuân học đại học, gia đình thường xảy ra xung đột. Hằng đêm, cô chờ bố ngủ mới dám chong đèn học. Và quyết tâm bước chân vào giảng đường trường sư phạm cuối cùng cũng đạt được. Nhưng khi ra nghề, Xuân vỡ mộng. Công việc vất vả và nhàm chán. Lương giáo viên còn thấp hơn nhiều thu nhập của người bạn học làm thợ mộc ở làng.Học sinh không thích học, cô cũng chẳng có hứng thú dạy. Công việc thường ngày như được lập trình sẵn, lặp đi lặp lại, Xuân không có hứng thú thay đổi hay cố làm tốt hơn."Tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Nhưng việc tôi vượt qua nhiều gian khó để trở thành giáo viên từng là niềm tự hào của mẹ. Tôi không thể khiến bà thất vọng. Đó là lý do duy nhất níu giữ tôi. Hằng ngày, tôi đến trường, phải nói chính xác là lê những bước nặng nề đến trường. Tôi hoàn thành công việc chỉ ở mức "tròn vai" và tôi cũng chẳng nghĩ nhiều đến việc học sinh nhận được gì từ những thứ tôi dạy. Có những mong muốn khác len lỏi trong đầu, như bỏ nghề đi dạy, mở một cửa hàng bán đồ lưu niệm, hay đi học may để mở một quán nhận may đồ lặt vặt. Tuy chưa dám quyết nhưng trong lòng tôi đã từng từ bỏ", cô Xuân thú nhận.Nguyễn Thị Hoa có câu chuyện khác. Cô từng là giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ (hiện chuyển sang dạy ở Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu). Khác với cô Xuân, Hoa không định trở thành cô giáo. Cô từng có sáu năm đi làm ở một công ty rồi mới quyết định đi học trở lại. Khi lựa chọn nghề nghiệp, cô nghĩ nhiều đến các nghề thuộc nhóm kinh tế hay y dược nhưng vì lời khuyên của cô giáo cũ, Hoa thi sư phạm.Vào nghề năm 2014, Hoa sớm khẳng định được năng lực, được giao bồi dưỡng học sinh giỏi và ngay năm đầu tiên "cầm" đội tuyển đã mang về giải cho trường. Có thể thấy mọi thứ thuận lợi với Hoa nhưng cô lại chán nghề, có kế hoạch cho việc chia tay với nghề dạy học. "Có nhiều thứ gây chán, nhưng điều khiến tôi buồn nản nhiều nhất là mình đã không thể làm gì khiến học sinh thay đổi tốt hơn. Những học sinh trong đội tuyển tôi bồi dưỡng đi thi có thành tích tốt, nhưng khi trở lại lớp đại trà lại thụt lùi dần… Giữa lúc nhiều tâm tư, tôi lại được giao chủ nhiệm một lớp đặc biệt với nhiều em không thích học, không coi trọng giáo viên, học sinh mâu thuẫn, đánh nhau, mang thuốc lá điện tử vào lớp hút, có cả một "đại ca" cầm đầu tổ chức các "kịch bản" chống đối giáo viên - cô kể lại - Tôi đến trường trong tâm trạng bất lực, bế tắc. Tôi từng là một người sống tích cực và không ngại thay đổi nhưng đã trở nên trì trệ, mệt mỏi".Cô Hoa đi dạy thêm rất nhiều để có thêm thu nhập. Nhưng càng dạy thêm nhiều, cô càng chán nản. Sau những giọng khản đặc vì dạy nhiều, cô thấy mình trống rỗng hơn. Cô bắt đầu làm nhiều việc khác nhau, hy vọng những trải nghiệm đa dạng ấy cũng sẽ mở ra những cơ hội nghề nghiệp khác. "Nếu bỏ nghề vào lúc ấy, tôi không có nhiều lưu luyến ngoài chút băn khoăn, áy náy vì mình đã không làm được gì tốt hơn cho học sinh. Nhưng hóa ra sự áy náy ấy lại lớn và nó níu giữ tôi ở lại", cô nói.Hai câu chuyện của hai cô giáo cho thấy lý do lớn nhất khiến họ chán nghề là một môi trường không hạnh phúc. Họ không nhìn thấy giá trị tinh thần từ nghề nên mọi khó khăn dù nhỏ đều trở thành cản trở lớn.Cô Nguyễn Thị Hoa và học sinh. Ảnh nhân vật cung cấpMột cách nhìn khác để hạnh phúcVào lúc "chạm đáy" của sự chán, họ cùng tình cờ biết đến một cộng đồng dạy học tích cực, nơi đang thu hút hàng ngàn giáo viên tham gia."Tôi đã khóc khi nghe chia sẻ về sứ mệnh người thầy, nghe những câu chuyện truyền cảm hứng của đồng nghiệp, tôi thấy mình đã quá hời hợt với nghề. Có điều gì đó thôi thúc tôi thay đổi, nó khiến tôi như quay lại với ước mơ thời thơ ấu - cô Xuân kể - Lạ thay, khi công việc không có ý nghĩa, tôi thấy sao lương giáo viên thấp thế, nhưng khi tìm lại được ước mơ đã mất, tôi lại thấy nghề giáo giàu có vì những giá trị không đo đếm được. Khi nghĩ khác đi, tôi không còn lê bước đến trường nữa mà thấy đi làm vui làm sao. Tôi nhìn học sinh đáng yêu hơn. Hồi đại dịch, tôi phải dạy tăng tiết do có giáo viên nghỉ nhưng không thấy mệt, thậm chí còn dư năng lượng để nghĩ về cách dạy mới, làm cái này, cái kia cho học sinh".Nhìn vào ưu điểm của mỗi học sinh để khích lệ, biến những bài học nhàm chán thành việc hướng dẫn học sinh chủ động thực hiện các hoạt động giáo dục, kết nối phụ huynh để trở thành những người đồng hành thực sự với con trẻ là cách Xuân vừa làm vừa chiêm nghiệm về thứ hạnh phúc cô mới cảm nhận.Nguyễn Thị Hoa thì âm thầm làm một thử nghiệm riêng. "Tôi thử thay đổi mình, từ những việc không có gì to tát. Thay vì đưa những mệnh lệnh một chiều với nét mặt cau có, lạnh lùng, tôi bắt đầu tìm cách hiểu học sinh. Khi tiếp cận học sinh ở một tâm thế khác, tôi ngỡ ngàng vì những em quậy nhất đều có cảnh ngộ khó khăn, đáng thương. Cậu bé "đại ca" hóa ra khá thông minh, em ở với bà vì bố mẹ ly hôn. Bố đi công tác thường xuyên còn mẹ thì đã có gia đình mới. "Đại ca" thiếu thốn tình cảm, đằng sau thái độ chống đối, em luôn chờ đợi ở tôi một sự thấu hiểu. Những gì tôi vừa nhận ra khiến tôi không còn tức giận hay bức xúc, tôi thương học sinh nhiều hơn và cũng nhẫn nại hơn. Tôi tìm nhiều cách để trò chuyện để các em tin cậy, chia sẻ. Với mỗi học sinh, tôi chọn một cách tiếp cận và giúp đỡ riêng".Khi "thử nghiệm" ấy thành công, nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt của học trò, cô Hoa cũng trở thành một người hạnh phúc hơn. "Lâu rồi tôi mới có cảm giác ấy. Trước đây khi nghe ai đó nói "nghề giáo là nghề xã hội tôn vinh", tôi thấy sáo rỗng lắm nhưng khi được nếm vị ngọt hạnh phúc, tôi mới biết giá trị của nghề là có thật", Hoa nói. Cô bỏ dạy thêm, dù lương vẫn thấp. Hạnh phúc khiến cô nhẹ nhõm.Chương trình dạy học tích cực này có gần 70.000 giáo viên phổ thông từng tham gia. Những người như cô Xuân, cô Hoa đều cho biết họ đăng ký tham dự lần hai, lần ba. Nhưng không có liều thuốc thần kỳ nào từ bên ngoài cho những giáo viên đang bước đến đường cùng, mà chính là sự thay đổi nội tại của họ để tự tìm được, hoặc khơi lên được ngọn lửa của tình yêu nghề vẫn còn ủ trong tro nóng. ■ Tags: Lương giáo viên thấpLương giáo viênÁp lực công việcNguyễn Thị HoaDạy học tích cựcTrường sư phạmTô Thị XuânCông việc vất vảNguyễn Công TrứDứt áo ra điMạc Đĩnh ChiTruyền cảm hứng
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
Người vợ của Anh hùng biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai: Hòa bình rồi, tôi không còn làm vợ bé... HỒ LAM 05/11/2024 Ngày đất nước thống nhất, bà Đặng Thị Tuyết Mai, người vợ sau của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai mừng khấp khởi: 'Hòa bình rồi! Chồng tôi làm cách mạng, tôi không có làm 'vợ bé' của ai hết...'
Cận cảnh đôi đũa bằng ngà hải mã của vua Hàm Nghi được cho có thể phát hiện chất độc NHẬT LINH 05/11/2024 Ba hậu duệ của vua Hàm Nghi đã dành tặng lại 4 cổ vật, cũng là kỷ vật được vua sử dụng thuở sinh thời cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, trong đó có đôi đũa của nhà vua.
20 trẻ mầm non phải vào viện do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột TTXVN 05/11/2024 Chiều 5-11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết sức khỏe 20 trẻ mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ổn định.