12/03/2014 13:11 GMT+7

Lừa ngân hàng này, trả nợ ngân hàng kia

Bài, ảnh: TR.TÂN
Bài, ảnh: TR.TÂN

TTO - Trong phiên tòa xử vụ lừa đảo 1.000 tỉ đồng sáng nay của TAND tỉnh Đắk Nông, nhiều bị cáo khai do không có tiền đáo hạn nợ vay Ngân hàng VDB Đắk Lắk - Đắk Nông nên đã lừa đảo vay tiền của các ngân hàng khác.

Sáng 12-3, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi 8 bị cáo là cán bộ ngân hàng và các đối tượng môi giới liên quan đến khoản lừa đảo 530 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Đông - OCB TP.HCM và 50 tỉ đồng tại Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội.

Bị cáo Nguyễn Thị Vân (nguyên giám đốc HTX Sông Cầu) thừa nhận do thua lỗ, Vân liên hệ Trần Thị Xuân, nguyên giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nhật Tân, để hỏi về việc vay vốn tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông. Bị cáo Vân đã được Xuân bán lại các hợp đồng kinh tế xuất khẩu giả để vay vốn tại VDB.

Tuy nhiên do giá nông sản tăng đột biến, việc kinh doanh của Vân tiếp tục gặp khó khăn nên mất khả năng thanh toán khoản nợ gần 70 tỉ đồng tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông. Lúc này Vũ Việt Hùng (nguyên giám đốc VDB Đắk Lắk - Đắk Nông) không tiếp tục cho vay nhưng hứa nếu có khoản tiền nào trả vào khoản nợ cũ sẽ tiếp tục cho vay vốn ưu đãi. Vì thế, Vân đã đến Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội để vay 50 tỉ đồng. Do không còn tài sản, mất khả năng thanh toán nên Vân đã nhờ Hùng ký khống một hợp đồng tiền gửi tại VDB làm tài sản đảm bảo và được Ngân hàng Nam Á cho vay tiền.

Tuy nhiên khi tiền chuyển vào tài khoản của VDB thì Hùng tự động hủy cam kết đối với Ngân hàng Nam Á. Lúc này giám đốc Ngân hàng Nam Á, chi nhánh Hà Nội biết được việc vay vốn của Vân nhằm để đáo hạn nên đã liên tục đòi nợ Vân.

Vì không vay được tiền từ VDB như lời hứa ban đầu của Vũ Việt Hùng nên Vân đã nhờ một số đối tượng môi giới (phí môi giới là 5%) liên hệ với Ngân hàng OCB TP.HCM để vay khoản tiền 50 tỉ đồng “đáo hạn” cho Ngân hàng Nam Á chi nhánh Hà Nội.

Tương tự, bị cáo Trần Thị Xuân khai có đến gặp Vũ Việt Hùng đề nghị và được Vũ Việt Hùng chứng nhận Công ty TNHH thương mại Nhật Tân của Xuân đang có 150 tỉ đồng tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông và cam kết phong tỏa tài khoản tiền gửi. Nhờ chứng nhận trên cùng với các báo cáo tài chính, hợp đồng, kết quả sản xuất kinh doanh giả, Xuân đã được NH Nam Á cho vay tiền để trả nợ quá hạn cho VDB Đắk Lắk - Đắk Nông.

Sau khi bị Ngân hàng Nam Á yêu cầu trả nợ, Xuân tiếp tục dùng các cách thức tương tự để vay 150 tỉ đồng từ OCB TP.HCM để trả nợ cho VDB Đắk Lắk - Đắk Nông.

Tương tự, Đặng Thị Ngân, nguyên giám đốc Công ty TNHH Thủy Ngân, cũng khai do đang có nợ tín dụng xuất khẩu quá hạn tại VDB Đắk Lắk - Đắk Nông nên cũng nhờ Vũ Xuân Hùng ký khống hợp đồng tiền gửi (phí môi giới là 8% đến 10%) để vay 30 tỉ đồng của OCB TP.HCM.

Tại phiên tòa, bị cáo Ngân thừa nhận có vi phạm trong việc vay vốn tại ngân hàng nhưng cho rằng việc vay vốn là để sản xuất, kinh doanh thật, không phải để đáo hạn, trả nợ cho VDB Đắk Lắk - Đắk Nông. Hơn nữa, bị cáo cũng cho biết mình còn rất nhiều tài sản để đảm bảo việc thanh toán nợ và không có ý định lừa đảo.

Trong phiên xét xử này, bị cáo Nguyễn Thị Kim Loan (nguyên giám đốc Công ty TNHH DV Xuất nhập khẩu Phát Long - TP.HCM) cũng kêu oan về tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại OCB.

Các bị cáo Tạ Thị Xuân Ý (nguyên phó bộ phận quan hệ khách hàng Sở Giao dịch TP.HCM - OCB), Lâm Hữu Hạnh (nguyên phó tổng giám đốc OCB) và Võ Tiến Đạt (nguyên giám đốc Sở Giao dịch TP.HCM của OCB) thừa nhận hành vi phạm tội liên quan đến khoản tiền 530 tỉ đồng mà các bị cáo đã duyệt cho vay dẫn đến bị chiếm đoạt.

Các bị cáo cho rằng xuất phát từ việc cho vay vốn để sinh ra lợi nhuận cho ngân hàng nên đã nôn nóng ký duyệt các khoản vay chưa đúng các trình tự của việc vay vốn. Hơn nữa, các bị cáo cho biết vì quá tin tưởng sự bảo lãnh của Vũ Việt Hùng. Tuy nhiên Hạnh, Ý, Đạt đều thừa nhận việc tài sản đảm bảo để cho vay chỉ bằng các hợp đồng tiền gửi tại VDB là trái với quy định của việc cho vay vốn vì quá rủi ro.

Bị cáo Trương Đình Hải (nguyên giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Ngân hàng Nam Á) cũng khai vì quá tin tưởng vào Vũ Việt Hùng nên đã cho Vân vay số tiền 50 tỉ đồng. Sau khi phát hiện khoản nợ có rủi ro lớn, Hải đã liên tục đòi nợ và Vân đã tất toán xong nợ gốc và lãi, việc nguồn tiền Vân lấy ở đâu bị cáo không biết.

Trong khi đó, tại phiên xét xử sáng nay, Vũ Việt Hùng tiếp tục không thừa nhận các hành vi phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình với vai trò giúp sức. Hùng cho rằng việc mình ký vào các hợp đồng tiền gửi là nhằm nhanh chóng thu hồi nợ quá hạn cho đơn vị, không hề bàn bạc đối với các bị cáo để lừa các ngân hàng khác...

Chiều nay, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi ngắn với một số bị cáo và bước vào phiên tranh luận tại tòa án.

xgBEHuU6.jpgPhóng to
Bị cáo Đạt tại phiên tòa
VDHAOtpq.jpgPhóng to
Bị cáo Hải trả lời HĐXX
8deBQouU.jpgPhóng to
Bị cáo Hải trả lời HĐXX
zoCsv4ho.jpgPhóng to
Bị cáo Hạnh tại phiên tòa
p5k67xjf.jpgPhóng to
Bị cáo Loan cho rằng khoản vay 200 tỉ của OCB là vay giúp, Loan không chiếm đoạt
rI7yF4o4.jpgPhóng to
Bị cáo Ngân cho rằng mình không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
zoxdkZwL.jpgPhóng to
Bị cáo Vân trả lời HĐXX
1nTvohel.jpgPhóng to
Bị cáo Ý tại phiên tòa
ZbS2GQrG.jpgPhóng to
Đại diện Ngân hàng Nam Á
Bài, ảnh: TR.TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên