Theo báo SCMP, 2 công ty tuyển dụng có trụ sở tại Indonesia và 2 công ty của Đức được cho là đã hứa hẹn chương trình thực tập kéo dài 3 tháng với nhiều công việc dễ làm, lương cao, cho sinh viên các trường đại học.
Sinh viên bị lừa thế nào?
Các công ty này tuyên bố chương trình thực tập của họ có tên Ferienjobs (tạm dịch từ tiếng Đức: công việc thời vụ), là một phần của MBKM. Đây là chương trình của Bộ Giáo dục Indonesia, nhằm tăng cường kết nối giữa các chương trình giáo dục đại học và nhu cầu của các ngành công nghiệp.
Các hoạt động của MBKM bao gồm trao đổi sinh viên, thực tập, trợ giảng, nghiên cứu, tình nguyện, khởi nghiệp, các dự án nghiên cứu độc lập và các chương trình phục vụ cộng đồng ở những vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên vào tháng 10-2023, Bộ Giáo dục Indonesia đã khẳng định chương trình thực tập Ferienjobs không phải là một phần của MBKM.
Trên thực tế, sinh viên Indonesia sau khi sang Đức bị đưa đi làm công việc không có tay nghề như gói hàng, vận hành kho hàng, bán thức ăn nhanh. Sinh viên chỉ kiếm được một khoản nhỏ so với mức lương được hứa vì bị các công ty cắt giảm phần lớn.
Không chỉ vậy, sinh viên còn mắc nợ công ty vì bị tính phí vé máy bay và chỗ ở quá đắt ở Đức.
Cảnh sát Indonesia đã nêu tên 5 nghi phạm trong vụ án, trong đó có một giáo sư kinh tế từ Đại học Jamni trên đảo Sumatra. Giáo sư này bị cáo buộc đã lừa 87 sinh viên tham gia chương trình.
"Nếu tôi có thể quay ngược thời gian, tôi sẽ không đến Đức", một trong những nạn nhân đến từ Đại học Jambi đề nghị không nêu tên khi chia sẻ với SCMP.
Từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 12 năm ngoái, sinh viên này (tạm gọi là Budi) làm việc tại kho hàng của công ty vận tải hàng hóa quốc tế ở Bremen và được trả 13 euro mỗi giờ.
Công việc chính là phân loại các kiện hàng nặng từ 30 - 40kg trực tiếp từ các thùng container.
Budi nói không có thời gian để nghiên cứu và dịch hợp đồng bằng tiếng Đức, nhưng vì đã lỡ tới Đức rồi nên ký ngay. "Tôi không còn lựa chọn nào khác", Budi nói, đồng thời cho biết bản thân bị bầm tím tay chân và đau lưng do làm việc nặng nhọc.
Trước đó, tại Đại học Jambi, tài liệu giới thiệu về chương trình Ferienjobs quảng cáo rằng sinh viên có thể nhận được 20 tín chỉ và có mức lương hằng tháng từ 20 - 30 triệu rupiah (1.259 - 1.889 USD), cùng với các lợi ích khác.
Không dám nói với gia đình vì "xấu hổ"
Điều bất thường đầu tiên mà Budi kể lại đó là cả 400 ứng viên đều được chấp nhận trong quá trình tuyển chọn tại trường. Bài thi tuyển gồm kiểm tra tâm lý và tiếng Anh, nhưng độ khó chỉ ở mức cơ bản.
Dấu hiệu thứ hai đến từ Sở di trú của thành phố Jambi. Họ nghi ngờ công việc thực tập được trả lương ở Đức là việc toàn thời gian.
Sở di trú đã yêu cầu sinh viên gửi kèm thư giới thiệu của Cơ quan lao động Indonesia. Việc này khiến Budi phải mất một tháng mới có hộ chiếu, lâu hơn 3 tuần so với thông thường.
Ngoài ra, để có thị thực lao động, Budi phải trả tổng cộng 15 triệu rupiah (945 USD). Công ty môi giới SHB của Indonesia mua vé máy bay khứ hồi cho Budi với giá 24,8 triệu rupiah, cao gần gấp đôi so với giá bình thường.
Công ty tính tiền thuê nhà hằng tháng là 600 euro cho căn hộ một phòng của Budi ở Bremen, cũng cao gấp đôi giá thông thường. Trong 3 tháng làm việc tại Đức, Budi được trả 16 triệu rupiah (1.006 USD), thấp hơn nhiều so với mức 90 triệu rupiah đã hứa.
Budi đành chịu cảnh "há miệng mắc quai" mà không dám nói với gia đình vì "xấu hổ" và không muốn họ lo lắng.
"Lúc đầu tôi không có nợ, giờ tôi nợ hàng chục triệu (rupiah)", Budi nói.
Liên quan đến vụ việc, cảnh sát Indoensia đã vào cuộc điều tra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận