Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Bị cáo Huỳnh Anh Sang (22 tuổi) bị TAND tỉnh Vĩnh Long đưa ra xét xử tội “giết người”. Theo cáo trạng, do bực tức trước việc cậu ruột đến nhà đuổi đánh, đập phá đồ đạc và đuổi hai mẹ con mình đi chỗ khác ở, Sang đã cầm dao đâm cậu năm nhát với thương tích 45%.
Bị cáo và bị hại
Tại tòa, bị cáo khai rằng mình làm ở lò bánh mì của cậu ruột là ông Cao Phước Nhựt với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Do cơ sở chỉ có ba người gồm vợ chồng cậu và bị cáo nên công việc rất cực nhọc, tối bị cáo coi nướng bánh, sáng đi giao, trưa đi thu gom bánh ế nên tranh thủ những lúc rảnh rỗi là ngủ bù.
Hôm đó khi giao bánh về, Sang lăn ra ngủ, trong khi đó cậu đang ngồi nhậu. Được một lúc, Sang thức giấc bởi tiếng cự cãi của cậu mợ. Nguyên nhân chỉ vì cậu bảo mợ kêu Sang đi đóng hụi, nhưng mợ không đồng ý bởi tối hôm trước cháu thức khuya nên để cháu ngủ thêm một chút.
Cậu nổi cơn thịnh nộ đập phá đồ đạc. Sang cản cậu lại. Cậu liền lấy dao và ống tuýp định đánh cháu. Hoảng sợ, Sang đón xe ôm chạy về nhà. Khoảng 10 phút sau cậu trờ tới, dùng nón bảo hiểm đánh cháu và đuổi mẹ con Sang ra khỏi nhà.
Sang xông vào định đánh cậu nhưng hàng xóm can ngăn. Sang bỏ vào trong buồng và nhìn thấy con dao trong ống đũa, liền dắt vào lưng quần đi ra ngoài.
Kể đến đây, bị cáo run giọng: “Do thấy cậu quậy càng dữ, lửa giận đã khiến bị cáo mất lý trí nên mới đâm cậu”.
Kiểm sát viên thẩm vấn: “Trước đó bị cáo hành xử rất đúng khi bỏ đi nơi khác lánh mặt cậu. Sao bị cáo không tiếp tục chọn cách giải quyết như trên, hoặc tri hô lên nhờ bà con giúp đỡ hay báo với chính quyền địa phương giải quyết?”.
Bị cáo trả lời: “Do lúc đó mẹ đã quỳ xuống van xin nhưng cậu vẫn đập phá bàn ghế, lớn tiếng chửi bới và đuổi hai mẹ con bị cáo ra chỗ khác ở... Bị dồn nén quá nên bị cáo giận quá mới đâm cậu”.
Thẩm phán: “Cậu bị cáo quậy phá, chửi bới nhưng ông hành động trong lúc có rượu. Nếu giận quá, bị cáo có thể ôm vật cậu xuống, cùng lắm đánh bằng tay. Chứ tại sao dùng dao đâm mà đâm rất nhiều nhát?”. Bị cáo im lặng.
Riêng bị hại khi được chủ tọa hỏi “khi làm công cho ông, cháu ông siêng năng hay lười biếng?”, ông Nhựt trả lời: “Dạ, nó rất siêng”.
Chủ tọa nghiêm giọng: “Cháu ông đã chịu nhiều thiệt thòi, nghèo khó đến chỗ ông làm công ăn lương rất cực nhọc, vất vả. Lý ra ông phải thương yêu, bù đắp cho cháu nhưng đằng này ông lại cư xử với cháu như vậy? Cầm nón bảo hiểm đánh cháu, rồi dao, ống tuýp... toàn là những thứ nguy hiểm”.
Ông Nhựt ấp úng rằng ông rất yêu thương cháu, nhưng hễ uống rượu vào là mất lý trí, không kiểm soát được hành vi nên mới hành động sai quấy như vậy.
Vị hội thẩm gắt: “Ông có uống rượu nhưng vẫn còn ý thức được. Ông vẫn chạy xe được quãng đường xa từ nhà ông đến nhà bị cáo. Chính hành động truy cùng đuổi tận đã dồn cháu mình vào bước đường cùng. Còn ông suýt nữa mất mạng. Ông nghĩ sao khi người đời cho rằng chính ông đã đẩy cháu vào tù ở tuổi đời còn rất trẻ...”.
Gương mặt người cậu lộ vẻ hối hận cùng cực: “Dạ, tôi biết rồi. Việc phạm tội của cháu có phần lỗi của tôi. Tôi xin quý tòa xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cháu...”.
Điểm tựa để quay về
Phía dưới hàng ghế dự khán, bà Huỳnh Anh Yến Phượng - mẹ bị cáo - cứ rấm rức khóc, hai mắt đỏ hoe. Bà Đỗ Thị Mỹ Hân - phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Long, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long - thổ lộ:
“Tôi ở đây lâu năm nên biết mẹ con chị Phượng chưa làm mích lòng ai bao giờ. Thằng Sang là đứa con hiếu thảo, lo mần ăn kiếm tiền phụ mẹ. Tội nghiệp, nếu không vì hoàn cảnh chắc nó không bỏ học. Nếu hôm đó nó tránh đi chỗ khác thì sự việc không như ngày hôm nay...”.
Khi được chủ tọa gọi hỏi, bà Phượng đứng lên trình bày, năm 24 tuổi bà gặp và lấy cha của Sang nhưng sau đó người cha bỏ con nên bà quay về quê, mưu sinh đủ thứ nghề để lo cho con. Thương chị, ông Nhựt đã cho bà mượn đất cất nhà, bán quán nước sinh sống.
Ước mơ của bà là lo cho con học hành đến nơi đến chốn để có nghề sau này. Nhưng khi Sang học ngành công nghệ thực phẩm được một năm thì bà ngã bệnh phải lên Sài Gòn ở trọ chữa trị trong thời gian dài. Tiền bạc tích cóp cũng cạn sạch theo căn bệnh.
Gia cảnh khó khăn đã đẩy Sang đi đến quyết định nghỉ học, ở nhà bán quán nước gom góp từng đồng gửi lên cho mẹ. Tới hồi bà hay tin thì sự việc đã rồi.
Sau khi mẹ xuất viện về nhà, Sang tới lò bánh mì phụ việc cho cậu để dành dụm tiền đi học nghề, mở tiệm sửa xe. Bà ủng hộ quyết định của con, nhưng không ngờ xảy ra chuyện như vậy.
Bà khóc: “Xin tòa thương tình mà xử nhẹ tội. Hồi nào tới giờ nó chỉ lo học và lo làm thôi, chứ không quậy phá, ẩu đả với ai hết...”.
Giờ nghị án. Khi được cảnh sát hỗ trợ tư pháp cho phép, người mẹ vội chạy đến ôm con. Bị cáo vùi vào lòng mẹ khóc nức nở như một đứa trẻ: “Con xin lỗi. Con bất hiếu quá, con hành động sai quấy khiến mẹ phải khổ...”. Bàn tay người mẹ ôm chầm lấy con như không muốn rời xa.
Giọng bà nghèn nghẹn dặn dò: “Sau này con đừng hành xử nóng giận như vậy. Ở trong tù ráng giữ gìn sức khỏe rồi sớm về với mẹ. Mấy dì hàng xóm đã cho mẹ mượn tiền để mua đứt mảnh đất của cậu con. Giờ mẹ lo làm để trả nợ dần và dành dụm chút vốn để khi con trở về mẹ sẽ cho con học nghề sửa xe rồi mở tiệm tại nhà...”.
Tòa nhận định hành vi của bị cáo rất nguy hiểm, nhưng do bị cáo hành động trong trạng thái tinh thần bị kích động nên tòa tuyên phạt bị cáo 7 năm tù về tội “giết người”. Ngoài ra, bị cáo còn phải bồi thường 26 triệu đồng cho cậu mình. Khi con bị dẫn giải đi, người mẹ nói với theo: “Ráng cải tạo tốt sớm về với mẹ nhé con...”.
Rất đông hàng xóm vẫy tay: “Cả xóm đợi đó nghen...”. Sang ngoái đầu nhìn lại, mắt đỏ hoe: “Dạ, mẹ và mọi người giữ sức khỏe, con sẽ về...”. Hi vọng niềm thương yêu, tin tưởng của người thân, xóm giềng sẽ là điểm tựa, động lực để Sang quay về.
Bàn tay người mẹ ôm chầm lấy con như không muốn rời xa. Giọng bà nghèn nghẹn dặn dò: “Sau này con đừng hành xử nóng giận như vậy. Ở trong tù ráng giữ gìn sức khỏe rồi sớm về với mẹ”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận