Trong năm học 2013-2014, TP.HCM đã thực hiện khảo sát thông tin tại các sàn giao dịch việc làm, ngày hội nghề nghiệp, từ đó tổ chức hướng nghiệp tại 60 trường THPT, 22 trung tâm giáo dục thường xuyên; tư vấn hướng nghiệp trực tiếp cho 41.000 học sinh (HS) cấp III và khảo sát 13.889 HS các cấp.
Giáo dục hướng nghiệp giúp HS có sự hiểu biết về tính chất của ngành nghề mà mình hướng tới, năng lực của bản thân, nhu cầu thị trường để từ đó các em tự xác định được đâu là nghề nghiệp phù hợp hoặc không phù hợp với mình.
Bên cạnh đó, hướng nghiệp giúp các em HS tiếp xúc gần nhất với những người có kinh nghiệm về cuộc sống, chuyên môn, có sự hiểu biết về nghề, cách chọn nghề... để có thể giải đáp trực tiếp và nhanh nhất, cung cấp thông tin về ngành nghề, khối thi và trường học phù hợp với điều kiện khả năng.
Đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, nếu như trước đây, những ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng chiếm gần 50% số lượng HS được tư vấn, thì hiện nay, qua khảo sát của chương trình tư vấn hướng nghiệp cho thấy tỷ lệ HS THPT có xu hướng quan tâm tìm hiểu về các khối ngành kỹ thuật công nghệ và kinh tế-tài chính có mức ngang nhau.
Nhóm ngành kỹ thuật-công nghệ thu hút 31,24% HS có nhu cầu học, trong khi khối ngành kinh tế-tài chính thu hút 30,43% HS có nhu cầu chọn. Các khối ngành nghề khác đã có xu hướng thay đổi tích cực. Khối ngành nghệ thuật-thể dục thể thao chiếm tỷ lệ 12,28%; sư phạm-quản lý giáo dục là 10,80%; y-dược là 7,15%; khoa học xã hội-nhân văn là 4,75%; khoa học tự nhiên là 3,10%; nông-lâm-ngư nghiệp là 0,25% - đây là ngành học sinh có nhu cầu theo học thấp nhất.
Như vậy, nếu xu hướng chọn nghề của HS tiếp tục không chọn ngành nông-lâm-ngư nghiệp trong những năm tiếp theo thì nhân lực trong ngành này sẽ thiếu nhiều. Trong khi đó, theo xu hướng phát triển của ngành thì yêu cầu về nhân lực đang ngày một tăng cao.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trình độ đào tạo nghề mà phần lớn HS hướng tới sau khi tốt nghiệp THPT vẫn là trình độ đại học, chiếm 80,74%, chỉ có 12,57% là định hướng vào cao đẳng và 6,69% vào trung cấp. Điều này cho thấy tâm lý của phụ huynh và HS vẫn mong muốn vào đại học. Rất ít học sinh xác định cho mình bậc học theo đúng lực học của bản thân.
Bên cạnh đó, do tâm lý số đông, các em vẫn thích được làm việc tại văn phòng với những công việc nhẹ nhàng nên thiên về lựa chọn nghề theo ý thích mà chưa xét đến năng lực cá nhân cũng như nhu cầu của xã hội. Do đó, tình trạng thiếu và khan hiếm lao động có tay nghề trong các ngành kỹ thuật vẫn thường xuyên diễn ra.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận