Nguyên nhân và triệu chứng
Nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm phế quản cấp là do vi rút, ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như: hít phải hơi độc, khói thuốc lá hoặc do các yếu tố dị ứng. Các nguyên nhân thuận lợi của bệnh viêm phế quản cấp thường là do thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh đột ngột, cơ thể suy mòn, còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ em, suy giảm miễn dịch, ứ đọng phổi do suy tim, các bệnh của phổi như lao phổi và ung thư phổi, môi trường sống ẩm thấp nhiều khói bụi...
Viêm phế quản cấp thường khởi phát với các triệu chứng như sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng.
Đôi khi bệnh xuất hiện với các triệu chứng: sốt cao, nhiệt độ có thể tới 39 - 40 độ C, người bệnh ho nhiều, ho khan hoặc khạc đờm trắng, đờm đục như mủ, đờm có màu xanh, màu vàng, cũng có thể gặp trường hợp ho khạc đờm lẫn ít máu, một số ít người bệnh có thể có khó thở. Hầu hết các biểu hiện lâm sàng của viêm phế quản cấp thường kéo dài chừng 1 tuần thì hết, tuy nhiên, ho có thể kéo dài đến 20 ngày.
Điều trị
Phần lớn người bệnh viêm phế quản cấp đều được điều trị ngoại trú, nhiều bệnh nhân do không được phát hiện và điều trị kịp thời nên bệnh diễn biến nặng, có thể gây tử vong.
Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp không cần dùng kháng sinh. Chỉ nên dùng kháng sinh cho những trường hợp viêm phế quản cấp nghi do vi khuẩn. Vì việc sử dụng rộng rãi kháng sinh cho tất cả những trường họp viêm phế quản sẽ làm tăng chi phí điều trị và tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc.
Cụ thể, các dấu hiệu hướng tới chẩn đoán viêm phế quản cấp do vi khuẩn thường bao gồm: người bệnh khạc đờm mủ, đờm màu xanh, đờm màu vàng; bệnh đã diễn biến quá 10 ngày; xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi tăng cao. Những trường hợp này có chỉ định dùng kháng sinh.
Việc dùng loại kháng sinh nào, liều lượng, cách dùng, thời gian dùng... phải do bác sĩ chỉ định. Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối tránh các trường hợp tự ý thay đổi liều dùng, thời gian dùng, hoặc bỏ thuốc khi thấy bệnh thuyên giảm mà không dùng hết liệu trình... Những điều này sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh như ngộ độc thuốc (nếu tăng liều), bệnh không khỏi mà sẽ phức tạp hơn, nguy hiểm hơn, góp phần gây nên tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.
Ngược lại, những trường hợp bệnh nhân có sốt, đau đầu, đau mỏi người, đau rát họng, ho khan hoặc có khạc đờm trắng... thường là viêm phế quản cấp do virus, những trường họp này không cần dùng kháng sinh, hay nói cách khác là dùng kháng sinh trong trường hợp này cũng không có tác dụng.
Người bệnh nên uống nhiều nước giúp cải thiện việc ho, khạc đờm. Không hoặc có rất ít bằng chứng ủng hộ việc sử dụng thuốc giảm ho trong điều trị viêm phế quản cấp, do các thuốc giảm ho thường làm giảm việc bài tiết đờm, do vậy làm chậm sự phục hồi của người bệnh. Khi điều trị tối ưu mà người bệnh còn ho nhiều, cần lưu ý tình trạng co thắt phế quản, hoặc cần lưu ý thêm các bệnh lý kèm theo như trào ngược dạ dày thực quản hoặc bệnh chưa được chẩn đoán chính xác.
Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C. Không nên dùng thuốc hạ sốt chia đều trong ngày sẽ làm mất triệu chứng sốt của người bệnh, gây khó khăn cho việc theo dõi diễn biến bệnh (không phân biệt được hết sốt do bệnh tiến triển tốt hay do dùng thuốc).
Cách phòng bệnh
- Loại bỏ yếu tố kích thích: không hút thuốc; tránh khói bụi trong, ngoài nhà, môi trường ô nhiễm; giữ ấm vào mùa lạnh.
- Tiêm vaccine phòng cúm, phế cầu, đặc biệt ở những trường hợp có bệnh phổi mạn tính, suy tim, cắt lách, tuổi > 65.
- Điều trị các nhiễm khuẩn tai mũi họng, răng hàm mặt, tình trạng suy giảm miễn dịch.
- Vệ sinh răng miệng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận