10/03/2021 10:36 GMT+7

'Lựa chọn hỗ trợ hàng không vì tương lai của đất nước'

THANH LÊ
THANH LÊ

"Chính phủ phải có chiến lược cho hàng không Việt Nam với tư cách là tổng thể sức mạnh gồm các hãng hàng không đang bay hiện nay, có chiến lược chung và cùng với các hãng thiết kế ra một chiến lược sống còn và trỗi dậy sau đại dịch COVID-19".

Lựa chọn hỗ trợ hàng không vì tương lai của đất nước - Ảnh 1.

Vietjet là hãng bay tư nhân được cấp phép đầu tiên đã phổ cập hàng không, cạnh tranh sòng phẳng với những ông lớn trên thị trường quốc tế - Ảnh: P.T.


"Chính phủ phải có chiến lược cứu được các hãng hàng không theo tầm nhìn quốc gia chứ không phải để họ cố gắng qua ngày đoạn tháng, thêm được ngày nào hay ngày đấy.

PGS.TS Trần Đình Thiên

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với báo Tuổi Trẻ về các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không phát triển khi câu chuyện tập trung hồi phục phát triển kinh tế sau dịch đang là điểm nóng.

Cần ủng hộ để hàng không thành một thế lực của Việt Nam

* Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ để tận dụng cơ hội của ngành hàng không Việt Nam. Xin ông cho biết ý tưởng của ông cho các giải pháp như thế nào?

- Khi nói các vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến cơ trong nguy. Ở Việt Nam, cơ hội cũng nhiều chứ không phải chỉ có nguy. Nhưng khi đang nguy mà nói cơ nhiều thì thành ra ảo tưởng, nên tôi nhấn mạnh là cơ trong nguy của Việt Nam đang là vấn đề đặc biệt quan tâm.

Ngành hàng không Việt Nam dù ở tình thế rất nguy, nhưng tôi vẫn thấy cơ trong nguy khi nhìn toàn bộ cục diện của ngành hàng không thế giới. Hàng không Việt Nam có khả năng phục hồi trước, có điều kiện vươn dậy so với nhiều hãng hàng không thế giới.

Thực tế thế giới hiện nay cho thấy những hãng hàng không càng lớn, càng có đẳng cấp cao thì trong đại dịch COVID-19 càng nhiều khó khăn, khả năng sụp đổ cao hơn rất nhiều bởi vì gánh nặng của các hãng hàng không bề thế rất lớn.

Mặc dù hãng hàng không Việt Nam vẫn còn khá non trẻ nhưng tương quan sức mạnh sau đại dịch COVID-19 có thể có những lợi thế. Thị trường nội địa hàng không khá ổn và sẽ tiếp tục ổn nếu như có các giải pháp tích cực hơn cho các hãng trong nước. Hỗ trợ để hàng không nội địa tốt lên, thúc đẩy, tạo điều kiện, khuyến khích khách hàng bay thì sẽ bảo đảm cho hàng không Việt Nam trỗi dậy được.

* Để làm được điều đó, Chính phủ cần có giải pháp gì, thưa ông?

- Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thời gian qua chắc chắn đã làm cho các hãng hàng không khó mà đứng dậy nhanh, đứng dậy vững, thậm chí vẫn có nguy cơ sụp đổ nếu dịch tiếp tục kéo dài hoặc những giải pháp hỗ trợ ở tầm quốc gia không tích cực.

Trước tình hình ấy, Chính phủ phải có chiến lược làm sao cứu được các hãng hàng không theo tầm nhìn quốc gia, chứ không phải để họ cố gắng qua ngày đoạn tháng, thêm được ngày nào hay ngày đấy mà phải hướng tới tương lai rõ ràng hơn.

Chính phủ phải có chiến lược cho hàng không Việt Nam với tư cách là tổng thể sức mạnh gồm các hãng hàng không đang bay hiện nay, có chiến lược chung và cùng với các hãng thiết kế ra một chiến lược sống còn và trỗi dậy sau đại dịch COVID-19. Nếu làm được như vậy thì mới thật sự hiệu quả, mới thật sự vượt qua được thách thức hiện nay.

Lựa chọn hỗ trợ hàng không vì tương lai của đất nước - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Đình Thiên

Ưu tiên mang tầm quốc gia

* Hồi phục và tăng trưởng của ngành hàng không đóng vai trò gì trong nền kinh tế, thưa ông? Và chúng ta đã có những hỗ trợ hợp lý?

- Hàng không là cầu nối Việt Nam với thế giới, đưa thế giới tới Việt Nam. Riêng về ngân sách, ngành hàng không đóng góp trên 20.000 tỉ đồng thuế và phí/năm, tương đương đứng trong top 10 tỉnh, TP nộp ngân sách lớn nhất nước.

Muốn có thái độ đúng mực với ngành hàng không thì phải có tầm nhìn với ngành hàng không. Không thể đặt ngành hàng không như những ngành khác là phải chia đều cho mỗi ông một tí để ốm đói với nhau, cùng thoi thóp. Đó không phải là yêu nước, mà là nhân đạo mang tính thuần túy. Lúc này, quan trọng là phải lựa chọn ưu tiên cho những yếu tố giúp cho đất nước đứng dậy được, khẳng định vị thế sau dịch.

Thứ hai là, cần nhìn rõ cứu trợ không phải để cứu sống mà là đầu tư cho tương lai. Như vậy đặt việc cứu mới đúng tầm được. Còn cứu sống, có khi chỉ cần 10.000 tỉ đồng nhưng sống xong, thiên hạ đứng dậy được, mình vẫn thoi thóp, vật vờ. Hàng không thế giới phục hồi nhanh, họ sẽ lấn át mình. Vì vậy, phải chắt bóp, phải coi hỗ trợ cho hàng không như dành cho ưu tiên quốc gia. Tôi nghĩ cách tiếp cận đó phải được quán triệt.

* Ông có thể nói rõ vì sao ngành hàng không cần được ưu tiên hơn những ngành khác?

- Quyền được sống của các doanh nghiệp là ngang nhau. Tất cả các ngành, tất cả các doanh nghiệp đều có quyền ấy. Nhưng ở góc độ khác, ở tầm quốc gia thì phải rành mạch thứ tự ưu tiên, lĩnh vực, doanh nghiệp nào cần ưu tiên? Tiêu chí để được ưu tiên là gì? Đó là có khả năng hỗ trợ giúp nền kinh tế, mang lại cơ hội sống sót tốt nhất; có khả năng trỗi dậy nhanh nhất, có vị thế cạnh tranh quốc tế...

Ngành hàng không xứng đáng được ưu tiên vì trong thế giới hội nhập hàng không là công cụ kết nối toàn cầu trực tiếp, cao nhất. Đó là chưa kể hàng không tác động trực, gián tiếp đến khả năng phát triển của nhiều, ngành, lĩnh vực. Ví như ngành du lịch Việt Nam doanh thu 30 tỉ USD/năm có công đóng góp rất lớn của hàng không. Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại để liên kết hợp tác quốc tế, do đó càng phải ưu tiên hàng không.

Vì một Việt Nam chững chạc, đàng hoàng sau dịch

* Theo ông, đóng góp của kinh tế tư nhân và hàng không tư nhân trong quá trình phục hồi này là gì?

- Lịch sử kinh tế nước ta từ năm 1986 đến nay đã khiến nhiều người ngộ ra vai trò, sứ mệnh của kinh tế tư nhân. Sẽ rất bình thường nếu tới đây GDP tăng 2 chữ số, nếu kinh tế tư nhân thực sự được bình đẳng với FDI, với doanh nghiệp nhà nước. Thậm chí, nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển rực rỡ nếu kinh tế tư nhân được ưu tiên hỗ trợ phát triển.

Công nghiệp hàng không và công nghiệp ôtô là ví dụ rất rõ. Đây là 2 ngành quá lớn, quá khó trên thế giới mà đã có thời chúng ta nghĩ ngoài FDI, phi doanh nghiệp nhà nước ra thì không thể hình thành, phát triển được. 

Nhưng VinFast, Thaco đã làm được dù họ không còn được ưu đãi cho những "người được chọn" để làm ôtô. Vietjet là hãng bay tư nhân được cấp phép đầu tiên, không thể phủ nhận hãng này đã phổ cập hàng không, cạnh tranh sòng phẳng với những ông lớn hàng không trên thị trường quốc tế. Năm nay ngành hàng không lỗ 118 tỉ USD, hàng trăm hãng đã và đứng trước nguy cơ phá sản nhưng Vietjet vẫn có lãi. 

Trên thế giới chắc chỉ có vài hãng hàng không làm được điều đó. Rồi hãng tư nhân khác tuy mới ra đời nhưng cũng đang tạo dựng đẳng cấp đầy hứa hẹn.

Chúng ta đang hô hào lót ổ đón đại bàng nước ngoài, tại sao không chăm nuôi cho lứa đại bàng con trong nước lớn nhanh, vươn ra thế giới?

* Vậy các hãng hàng không cần làm gì để biến nguy thành cơ, khẳng định vị thế mới trên thị trường quốc tế sau dịch?

- Với hãng bay tư nhân thì không cần đợi chúng ta bảo họ cần làm gì. Họ đang rất khó khăn nhưng từ đầu đại dịch đến giờ họ không phải sống theo kiểu được đến đâu hay đến đấy, họ bình tĩnh ứng phó, không kêu ca phàn nàn. Tôi thấy một khí phách ở họ.

Vấn đề là bây giờ các hãng hàng không phải ngồi bàn với nhau, đưa ra, thậm chí cam kết với Chính phủ thực hiện mục tiêu nâng tầm hàng không Việt Nam ở nước ngoài và nếu không thực hiện được mục tiêu đó thì sẽ bị chế tài gì. Đó như một sứ mệnh của ngành hàng không Việt. Các hãng hàng không cần liên minh với nhau theo chiến lược chung của Chính phủ, tạo động lực cho phát triển quốc gia.

Chính phủ chủ trì chỉ đạo, tổ chức thực hiện chiến lược, giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không để họ có vị thế cao hơn trong ngành hàng không thế giới. Đó cũng là một nhận diện Việt Nam chững chạc, đàng hoàng sau dịch.

* Xin cảm ơn ông!

Kinh tế nước ta đang bị mất cân đối. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu nhưng lại chỉ chiếm khoảng 21% GDP, rất có vấn đề, nhiều người nói bao nhiêu lợi thế mở cửa hội nhập của Việt Nam, doanh nghiệp FDI tận dụng hết cũng có lý.

Lần này có nhiều cơ hội, nếu hàng không lại thua cuộc thì chúng ta lại dâng thị trường, dâng cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài, bao giờ hãng hàng không của chúng ta mới thành đại bàng trong khu vực và trên thế giới được?

Các hãng hàng không Việt Nam cần phải được hỗ trợ của nhà nước Các hãng hàng không Việt Nam cần phải được hỗ trợ của nhà nước

TTO - TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhận định như vậy và đề nghị các hãng hàng không phải bàn với nhau để có giải pháp căn cơ trình lên Thủ tướng thay vì giải pháp ăn đong...

THANH LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên