TTCT - 3 năm sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-8-2020 tại Belarus, vốn đã khiến phe đối lập biểu tình quy mô lớn, đụng độ với cảnh sát, hiện giờ Tổng thống Alexander Lukashenko có vẻ đang rất thong dong. Ảnh: euroactiv.com Lúc đó, báo chí thế giới và cả Việt Nam rất chú ý đưa tin và bình luận về sự việc.Chuyện gì cũng có lý của nóWebsite của VTV 24-9-2020 đặt câu hỏi "Khủng hoảng hậu bầu cử sẽ đưa Belarus đi về đâu?". Bài viết đã có những đánh giá rạch ròi: "Theo giới quan sát, trong 26 năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống Aleksander Lukashenko hiện gặp nhiều khó khăn khi bị chỉ trích vì cách thức ứng phó và xử lý đại dịch COVID-19 và đánh mất sự ủng hộ của nhiều cử tri truyền thống".Cũng đã có những phân tích về quan hệ Nga - Belarus: "Belarus vốn là đồng minh thân cận của Nga, song thời gian gần đây, quan hệ giữa hai nước gặp trục trặc. Vụ bắt giữ 33 lính đánh thuê của Nga hồi tuần trước, mà Minsk cáo buộc là nhằm tổ chức các cuộc nổi dậy hàng loạt và ủng hộ ứng cử viên đối lập, cho thấy rõ khó khăn mà ông Lukashenko đang phải đối mặt" (báo Nhân Dân 10-8-2020).Tình hình xấu đi đến mức hôm 23-9, ông Lukashenko bất ngờ tuyên thệ nhậm chức tổng thống trong buổi lễ diễn ra tại Dinh Độc Lập. Phe đối lập chỉ trích lễ nhậm chức là "bất hợp pháp" - hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta đưa tin (Thời Nay 25-9-2020, ấn phẩm đặc biệt của báo Nhân Dân, dẫn lại).Tuy nhiên, cuộc cách mạng màu mà phương Tây mưu toan ở Belarus đã không thể diễn ra nhờ người bạn và láng giềng của ông Lukashenko: "Tổng thống Nga V. Putin liên tục điện đàm với người đồng cấp Belarus để thảo luận về diễn biến tình hình và các biện pháp đang được áp dụng để làm giảm căng thẳng tại Belarus. Bên cạnh đó, Nga cũng cam kết hỗ trợ Belarus giải quyết cuộc khủng hoảng". (Bài đã dẫn).Thật ra, không phải ai ở Belarus cũng đều phản đối ông Lukashenko. Anton Troianovski của báo Mỹ The New York Times 29-8-2020 chẳng hạn, phân tích rằng dù ở Belarus tồn tại "một hệ thống bóp nghẹt các quyền tự do cá nhân và phe đối lập chính trị thậm chí còn hơn hệ thống ở Nga, nhưng với tầng lớp trung lưu đông đảo và giới thượng lưu đẳng cấp thế giới ở Belarus, thì hệ thống này là hệ thống mà họ có thể sống cùng".Theo Troianovski (từng là trưởng văn phòng của The Washington Post, rồi The New York Times ở Nga), với những người "phi chính trị" ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ 9,5 triệu dân này, có các con lộ tốt, phố xá sạch sẽ, bãi cỏ xanh tươi, thuế thấp, và du lịch dễ dàng sang phương Tây, đã là "điều kiện sống tốt theo tiêu chuẩn Đông Âu".Một tác giả khác, Yauheniya Nechyparenka của Viện Nghiên cứu quốc tế Barcelona (IBEI), thì lý giải thắng lợi của ông Lukashenko, chẳng hạn cuộc bầu cử năm 2006, là do ông đã đáp ứng kỳ vọng lớn của cử tri Belarus: ổn định kinh tế và phúc lợi xã hội. Theo đó ở Belarus, "tăng trưởng kinh tế đang ổn định, các tiêu chuẩn sống ngày càng nâng cao, tiền lương và lương hưu ổn định và không ngớt tăng ở một đất nước mà 80% công nghiệp là trong tay nhà nước".Quan hệ với láng giềngTrong bối cảnh đó, Belarus chỉ có thể gắn bó hợp tác với láng giềng "máu mủ" Nga như đã luôn là vậy kể từ khi Liên Xô tan rã. Sau ba năm "cô liêu", quan hệ Belarus - Nga hồi sinh vào năm 1994, sau khi ông Lukashenko trở thành tổng thống Belarus. Ngay năm 1995, một cuộc trưng cầu ý dân tuyên cáo tiếng Nga trở thành ngôn ngữ chính thức của Belarus. Tiếp theo là hàng loạt hiệp định song phương: Hiệp ước về Liên bang Nga và Belarus (1996), Hiệp ước về Hợp tác quân sự giữa Nga và Belarus (1997), và Hiệp định về bảo đảm An ninh khu vực chung giữa Nga và Belarus (1998).Đến năm 1999, Nhà nước Liên minh Nga - Belarus được thành lập; năm đó, hai quốc gia ký kết và phê chuẩn Chương trình Hợp tác kinh tế trong 10 năm tới. Tác giả Nechyparenka tóm tắt: "Các khoản tín dụng, trợ cấp và nguồn cung cấp dầu khí giá rẻ của Nga đã cho phép tổng thống Belarus duy trì kiểu phát triển kinh tế chỉ huy của Liên Xô và trợ cấp cho nhiều chính sách xã hội cải cách, tạo bầu không khí ổn định và duy trì tăng trưởng ổn định lương hưu và tiền lương cho công nhân khu công nghiệp nhà nước. Do đó, cuộc sống của người dân Belarus trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào dầu mỏ giá rẻ của Nga".Với sự giúp đỡ của Nga, Belarus, vốn có nền công nghiệp chiếm 40,8% GDP và nền nông nghiệp chỉ chiếm 8,1%, có GDP thực bình quân đầu người là 19.800 đô la (ước tính năm 2021), cao hơn cả Brazil hay Thái Lan, theo CIA World Factbook. Có thể thấy, ông Lukashenko đã chọn nhìn về nước Nga chớ không chọn phương Tây như một loạt tổng thống Ukraine kể từ 2014.Phát biểu của Tổng thống Nga Putin trong một bài viết đăng trên website của phủ tổng thống Nga tháng 7-2021 "về tính thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine" có thể là một giải thích cho chọn lựa của ông Lukashenko: "Người Nga, người Ukraine và người Belarus đều là hậu duệ của người Rus cổ xưa... Được ràng buộc với nhau bằng một ngôn ngữ (mà ngày nay chúng ta gọi là tiếng Nga cổ)... và lễ rửa tội của người Rus (Chính thống giáo)".Từ quan hệ "máu mủ" đó, dễ hiểu tại sao đầu năm 2022, khoảng 30.000 quân Nga vô Belarus tập trận rồi ở lại luôn (Irish Times 20-2-2022). 30.000 quân Nga tức bằng phân nửa quân số Belarus, vốn chỉ gồm 60.000 người. Bốn ngày sau, cũng theo Irish Times, quân Nga từ Belarus đổ vào Ukraine. Ngày 13-6 vừa rồi, ông Lukashenko tuyên bố đất nước của ông đã nhận được một số vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga và cảnh báo sẽ không ngần ngại ra lệnh sử dụng nếu Belarus phải đối mặt với một hành động xâm lược.■ Ông Lukashenko giờ cũng không sợ bạo loạn hay biểu tình chống đối nữa. Giờ đây, có ai muốn xuống đường hay biểu tình, thì là ở... Ba Lan: "Người Belarus tuần hành xuyên Warsaw nhân dịp kỷ niệm ba năm (ngày bầu cử 2020)" (TVP World 9-8). Hãng tin swissinfo của Thụy Sĩ chi tiết hơn khi cho biết con số chỉ là "hàng trăm người đối lập Belarus tuần hành ở thủ đô Ba Lan". Hay có người lên tiếng thì là ở... Litva. Lãnh đạo phe đối lập trong cuộc bầu cử năm 2020 Svyatlana Tsikhanovskaya (được 10% số phiếu, so với 80% của ông Lukashenko), hiện ở Litva, phát biểu cảm ơn lòng hiếu khách của nước chủ nhà và nhấn mạnh: "Người Belarus không có và không bao giờ có bất cứ tranh giành lãnh thổ gì với các nước láng giềng". Tags: Bầu cử Tổng thốngPhe đối lậpTổng thống NgaTổng thống Nga PutinTổng thống UkraineTổng thống BelarusAlexander LukashenkoLiên bang NgaNước láng giềngBelarusChiến tranh Nga UkraineLiên Xô cũVũ khí hạt nhânTranh giành lãnh thổ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Người dân TP.HCM cần chú ý 31 điểm sạt lở nguy hiểm THẢO LÊ 22/11/2024 UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024.
Chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố về hành vi môi trường NHƯ BÌNH 22/11/2024 72% người Việt nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường. Nhưng khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.