Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết: "APEC là một cơ hội để tiếp cận những nguyên thủ đến từ các nước. Hình thức tiếp cận gần gũi nhất chính là các nguyên thủ mặc vào trên người. Vì vậy cần tạo ra một câu chuyện thuyết phục mang tính lịch sử thì không gì hơn chính là chất liệu truyền thống.
Tôi biết về Lụa Bảo Lộc, nắm rõ những thăng trầm cũng như chất lượng thực sự tốt dù không tên tuổi nên tôi quyết định lựa chọn lụa ở vùng này đưa vào các thiết kế. Hiển nhiên, tôi phải chăm chút thêm cùng với những người sản xuất ngay tại xưởng để đạt những yêu cầu có phần khắc khe".
Những tấm lụa thành phẩm có thêu hoa văn mang đậm dấu ấn văn hoá Việt Nam. Ảnh: Phước An
Nhà thiết kế Minh Hạnh có 30 năm gắn bó với lụa Bảo Lộc đã bày tỏ những tiếc nuối về ngành lụa xứ này: "30 năm đối với một ngành kinh tế là một chặng đường quá dài và nhiều nỗi truân chuyên. Tôi cảm thấy những bước chân quá nặng nề và chậm chạp bước đi trên Con đường Tơ Lụa Việt Nam.
Những năm tháng đầu ấy những mét Lụa Bảo Lộc ra đời đã có ngay chất lượng tiêu chuẩn nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Châu Âu. Ấy vậy mà sau 30 năm với những con người đã tận tụy cả cuộc đời mình cho lụa mà Bảo Lộc vẫn không được biết đến là thành phố Tơ lụa Việt Nam bởi không có một thương hiệu mạnh nào được quảng bá rộng rãi đúng bản chất của lụa Bảo Lộc."
Lụa Bảo Lộc đã xuất hiện trên sân khấu thông qua những bộ sưu tập của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng. Ảnh: Phước An
Nhà thiết kế Minh Hạnh, khẳng định vùng tơ lụa Bảo Lộc phải sớm đi qua giai đoạn gia công để sản xuất lụa thành phẩm thực sự: "Chất liệu là yếu tố quan trọng nhất cho việc phát triển ngành thời trang và chất liệu cao cấp chứng minh được khả năng và vị trí của ngành thời trang Việt Nam đối với thế giới.
Hiện tại, một số lụa với thương hiệu hàng đầu trên thế giới của Ý, Nhật Bản, Thái Lan được dệt tại Bảo Lộc. Những người kinh doanh lụa thế giới đặt hàng các nhà máy Bảo Lộc và xuất đi bằng thương hiệu của họ với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Điều này cho thấy, chất liệu tơ và tay nghề người dệt lụa ở Bảo Lộc thực sự tốt, đủ sức cạnh tranh quốc tế. Nhưng nếu cứ gia công như vậy và ngủ quên, an phận với mức lợi nhuận an toàn mãi mãi, Bảo Lộc sẽ chỉ là một vùng đất đồi núi chuyên gia công tơ lụa, sẽ chẳng một ai (kể cả người Việt Nam) biết rằng trên cao nguyên, bình yên ấy đang âm thầm sống và làm việc với một vốn quý do chính mình tạo ra".
Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, vùng lụa Bảo Lộc cần một sự giúp sức, cộng hưởng từ ngành thời trang để có thể bước thêm một bước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận