Người dân Tân Hóa (Quảng Bình) có nơi trú ẩn an toàn trong công trình nhà phao chống lũ - Ảnh: Dự án Nhà chống lũ
Nhà phao an toàn trong mưa lũ
"Những ngôi nhà chống lũ đã phát huy tác dụng", đó là chia sẻ của Jang Kều, tên thường gọi của chị Phạm Thị Hương Giang - sáng lập Nhà chống lũ - trên trang cá nhân khi bão lũ diễn ra nặng nề ở Quảng Bình.
Những ngôi nhà phao tuy bé nhỏ nhưng trở thành một điểm tựa vững chắc trong mưa lũ, khi ở rất nhiều nơi người dân phải trổ nóc leo lên mái nhà cầu cứu trong tình cảnh nước lũ dâng ngày càng cao.
Đây là những công trình được xây dựng bởi chương trình Nhà chống lũ - một dự án xây dựng nhà an toàn cho người dân vùng lũ được khởi xướng từ năm 2013.
Tại buổi chia sẻ sáng 21-10 do Nhà chống lũ phối hợp với Quỹ Sống tổ chức, kiến trúc sư Đinh Bá Vinh - người phụ trách mô hình thiết kế Nhà chống lũ hiện đang ở Quảng Bình - chia sẻ rằng khi các đợt mưa lũ đang diễn ra thì dự án vẫn liên lạc thường xuyên với người dân để nắm được tình hình.
"Tại Quảng Bình, mức lũ năm nay vượt mức lũ lịch sử năm 1999 gần 1m. Tại các địa bàn mà Nhà chống lũ có hỗ trợ người dân xây dựng công trình Nhà chống lũ như Liên Trạch, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, Tân Hóa, Minh Hóa, các mô hình nhà chống lũ đã giúp người dân chủ động ứng phó.
Tài sản và con người vẫn an toàn. Tuy nhiên, lũ ngâm hơi lâu nên cần tiếp ứng thêm nhu yếu phẩm từ chính quyền", anh cập nhật.
Ở Quảng Bình có khoảng 500 hộ dân có nhà chống lũ, trong đó có mô hình nhà phao biệt lập với 99 căn do Nhà chống lũ trực tiếp hỗ trợ xây dựng. Người dân vẫn sống trong những căn nhà, mùa lũ thì có thể chất đồ đạc, nhu yếu phẩm và trú ẩn trong căn nhà phao.
"Nhiều nhà phao chống lũ ở đây do người dân tự làm đã bị trôi. Chúng tôi đang vận động đóng góp của cộng đồng để có thể tặng khoảng hơn 400 bộ neo cho các nhà phao tự làm của người dân, để các nhà phao này an toàn trong mưa lũ", Jang Kều cho biết.
Cùng đồng hành để nhân rộng nhà chống lũ
"Chúng tôi không mong muốn có nhiều tiền, mà mong muốn có nhiều người cùng tham gia. Nhà chống lũ sẽ giúp mô hình, kỹ thuật, dự toán… để có nhiều bên cùng tham gia, triển khai các công trình nhà chống lũ cho người dân", chị Hương Giang chia sẻ.
Mong muốn của Nhà chống lũ là thông qua tài liệu này chính quyền địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận, các chuyên gia, các cá nhân quan tâm có thể tham khảo, áp dụng và nhân rộng các mô hình nhà an toàn tương thích với từng loại hình thiên tai.
Buổi chia sẻ của Nhà chống lũ sáng 21-10 - Ảnh: VŨ THỦY
Mẫu thiết kế nhà phao - Ảnh: Dự án Nhà chống lũ
Hình ảnh một số ngôi nhà chống lũ tại Tân Hóa (Quảng Bình) trong đợt mưa lũ đang diễn ra - Ảnh: Dự án Nhà chống lũ
Nhà chống lũ đang kêu gọi các nguồn lực cộng đồng tiếp tục xây thêm nhiều công trình nhà chống lũ trong thời gian tới - Ảnh: Nhà chống lũ
Người dân đối ứng 50% cùng Nhà chống lũ
Trong quá trình thực hiện dự án, người dân là người đồng thiết kế và góp 50% công sức vào giá trị căn nhà.
"Được khởi xướng từ năm 2013, đến nay Nhà chống lũ đã hỗ trợ xây 795 công trình nhà chống lũ. 795 công trình là 795 mô hình thiết kế khác nhau. Kiến trúc sư phải tiết chế, tham gia khoảng 25% đủ để bảo đảm an toàn, tiết kiệm. Nhà chống lũ đưa ra một cái lõi và người dân có thể tùy chỉnh thêm dựa theo nhu cầu, sở thích của họ", chị Hương Giang chia sẻ thêm.
Kinh phí xây dựng những căn nhà an toàn nằm trong khoảng 80-180 triệu đồng. Nhà chống lũ hỗ trợ trung bình 45 triệu đồng/hộ cho phần vật liệu xây dựng và thiết kế mô hình nhà.
Các kiến trúc sư của Nhà chống lũ đã hoàn thiện thiết kế nhiều mô hình: nhà kê nền thấp, nhà kê nền cao, nhà kê nền linh hoạt, nhà hai gác, nhà phao… với kết cấu vững chãi phù hợp với địa hình và các loại thiên tai khác nhau, từ lũ quét, lũ bùn, lũ ống…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận