07/12/2021 08:24 GMT+7

Lũ lụt miền Trung: Đừng đổ do trời!

NGUYÊN HẢI
NGUYÊN HẢI

TTO - 18 người chết và mất tích, hơn 60.000 ngôi nhà ngập lụt sâu - đó là hậu quả thống kê sơ bộ sau cơn lũ quét qua Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa. Bao nhiêu gia đình bại sản đúng nghĩa khi hoa màu, vật nuôi... "ra đi" hết cả.

Lũ lụt miền Trung: Đừng đổ do trời! - Ảnh 1.

Học sinh xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên phơi sách bị ướt do lũ - Ảnh: LINH NGUYÊN

Tôi viết về những câu chuyện từ "rốn lũ" Phú Yên. Cách nói kiểu như "xả nước để điều tiết" chỉ là những mỹ từ trước thực tế nỗi buồn và mất mát quá nhanh và quá lớn.

Còn lại gì sau lũ dữ?

Mùa dịch, những hình ảnh thiệt hại về lũ dữ dường như cũng không nhiều như mọi lần. Nhưng sự tàn phá của đợt lũ này không hề nhỏ. Chính quyền và người dân địa phương oằn mình giúp nhau trong lũ dữ. Không còn sức để than, cũng chẳng dám chờ trông việc cứu trợ đến nhanh giữa lúc khó khăn này. Nhưng thực tế lại tang thương, khốc liệt khó có thể tưởng tượng được.

"Tụi mình sẽ đứt lứa nấm rơm một thời gian vì trại nấm bị cơn lũ lớn quét qua mang đi gần hết của nả, phôi rơm, nấm đang thu thì ngâm lâu trong nước chắc tèo hết rồi. Nước rút rất chậm. Các vùng chuyên canh nông nghiệp của tỉnh nhà đều chìm trong biển nước, Tết này rau - gà - heo - hoa ở địa phương sợ là mắc mỏ khan hiếm. Tuy An bị sạt lở một đoạn dài, nhưng vật nuôi an toàn, rau còn ít ít. Còn người là còn của, từ từ làm lại" - một thông tin từ bạn ở Tuy An, đọc mà nghẹn trước cái khó hôm nay và nhiều tháng sau đó.

Hãi hùng thật khi thị trấn và làng mạc ở Phú Yên ngập lụt nặng. Trận lụt lịch sử này, theo thông tin từ báo chí do các ông thủy điện mạnh ai nấy xả nước, xả nhanh và xả bất ngờ, lượng nước lớn "nhanh như Thánh Gióng", còn biết "né" đi đâu!

Tôi vào nhóm Tuy Hòa Young trên Facebook, chỉ đôi ba phút mắt đã rơm rớm. Ở đó, tôi thấy những em bé cầm trên tay hộp cơm được ai đó mang cho, sách vở đã trôi, quần áo úa màu. Tôi thấy dáng vẻ tiều tụy, đau buồn của những bà, những mẹ khi chân còn ngập trong bùn lầy, rác rến vây xung quanh, đồ đạc thì ngã lăn, nằm ngổn ngang. 

Tôi nhớ lại dáng vẻ tuyệt vọng của người quê khi lũ heo, đàn bò bị chết ngạt vì nước về quá nhanh. Rồi họ sẽ lấy gì cày cấy, biết bám víu vào đâu khi đủ thứ tiền sẽ phải chi! Gạo thóc ngâm nước, mai này đến con giống cũng khó mua sắm lại...

Thêm bài học đớn đau

Việc điều tiết nước ở các nhà máy thủy điện trong thời đại công nghệ số như hiện nay có khó lắm không khi đã có nhiều công cụ dự báo thời tiết chính xác? Việc liên lạc hay cập nhật tình hình dự báo thời tiết với trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia hay các chuyên gia hỗ trợ cộng đồng phi lợi nhuận vô cùng thuận tiện, đơn giản. 

Vậy mà hàng chục năm nay, chúng ta vẫn cứ nghe mãi bài xả lũ bất ngờ, phải điều tiết nước kịp thời kẻo vỡ đập thủy điện. Bài học xương máu, đau đớn của tỉnh Quảng Bình chỉ mới đúng một năm dường như chưa đủ để nhắc nhớ và rút kinh nghiệm về trách nhiệm với nhân mạng và tài sản của người dân.

Rất nhiều hồ thủy điện miền Trung, Tây Nguyên là hồ nhỏ, mưa lớn vài ngày là phải xả nước để cứu... đập. Cái lý lẽ "đập thủy điện mà vỡ thì còn tang thương hơn" thật khó có thể thuyết phục trước thực tế thiệt hại của cải và mạng người vẫn tiếp diễn! Các nhà máy thủy điện vẫn "bó tay" mặc cho có dự báo về mưa lớn trước vài ngày. Khi hồ đầy thì "nào ta cùng xả", ngay cả một thông báo cho các địa phương hạ nguồn được biết để có thể giảm thiệt hại lắm khi cũng không có.

Đã có nhiều tiếng nói lên án việc cấp phép xây dựng các nhà máy thủy điện công suất nhỏ nhưng lại ẩn chứa sức tàn phá to lớn. Cũng có nhiều lời hứa từ các chủ tịch tỉnh về việc ngừng xây dựng "thủy điện con cóc". Nhưng rồi thì sao? Rừng vẫn bị phá, gỗ quý trong lõi rừng bị đốn hạ, khai thác để đổi lại là quả bom nước treo lơ lửng.

Dự án thủy điện nào trước khi được phê duyệt, cấp giấy phép thì chủ đầu tư phải trình báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo đánh giá chi phí lợi ích. Có ai tính được nếu bị lụt thì dân sẽ mất bao nhiêu tài sản và tính mạng, bao nhiêu nhà lâm vào cảnh khốn cùng trong mỗi mùa mưa bão?

Sau đêm hãi hùng

Những giọt nước mắt rơi, khi nước cứ dâng mãi, cao mãi, lật úp cả bàn thờ tổ tiên, vượt qua cả những bức ảnh gia đình đơn sơ được treo sát mái nhà cấp 4. Chúng tôi chỉ có cầu nguyện mưa đừng rơi nước, nhà máy thủy điện đừng xả lũ nữa mà thôi. Để rồi, sau cơn hãi hùng, dù lòng dạ rối bời, đau đớn hay tiếc nuối khôn nguôi, chúng tôi tự an ủi nhau rằng "còn người là còn của, ta còn gặp lại nhau sau đêm hãi hùng là còn thấy tương lai".

Vì sao năm nào người xứ mình vẫn chịu cảnh màn trời chiếu đất, mất mát, chia ly, hứng lũ lớn do điều tiết nước của thủy điện? Không chỉ tôi mà hàng chục triệu người dân khác mong ngóng giải pháp thay đổi thực tế này.

Trên trang cá nhân của mình, chuyên gia khí tượng thủy văn Huy Nguyễn nhận định: Nha Trang, một thành phố ven biển, ngay sát biển mà ngập lụt nặng rồi các thành phố, thị trấn và làng mạc ở Phú Yên, Bình Định cũng chung số phận ngập trong biển nước. Lũ về nhanh và xả lũ bất ngờ từ những thủy điện bậc thang tham tích nước. Các cán bộ vận hành nhà máy thủy điện lẽ ra phải theo dõi dự báo thời tiết cả tuần trước để có thể "điều tiết" sớm, thay vì "điều tiết" khi nước đã tràn hồ và người dân thì bì bõm trong nước mênh mông.

Xả lũ liên hồ gây ngập lụt nghiêm trọng: Lỗi do ai? Xả lũ liên hồ gây ngập lụt nghiêm trọng: Lỗi do ai?

TTO - Tỉnh Phú Yên cho rằng không nhận được thông báo nào khi các hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở tỉnh Gia Lai xả lũ xuống sông Ba, buộc thủy điện cuối cùng trong bậc thang là Sông Ba Hạ phải xả lũ lượng lớn gây lũ lụt nghiêm trọng.

NGUYÊN HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên