Sông Thương khả năng đạt đỉnh lũ trong đêm nay
Tối 10-9, tin từ UBND tỉnh Bắc Giang cho biết theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, nước thượng nguồn chảy về sông Thương khả năng sẽ đạt đỉnh lũ trong đêm nay, ảnh hưởng dân cư sống ở bãi sông.
Hiện đê chính hữu Thương đang tràn ảnh hưởng một số hộ dân ở thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế. Huyện đã có phương án di dời dân khi nước sông dâng cao.
Trên tuyến sông Lục Nam, hạ lưu cầu Cẩm Lý có nguy cơ nước dâng, gây ngập lụt cục bộ. Sau bão Yagi, nước sông Thương dâng cao, gây ngập cục bộ một số xã tại huyện Tân Yên. Lực lượng chức năng đã di dời, sơ tán bà con đến nơi an toàn.
TP Bắc Giang tập trung lực lượng bảo đảm an toàn đê điều và tuyến cầu sắt Bắc Giang qua sông Thương.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho hay các hệ thống đê sông Cầu, sông Thương gặp áp lực do nước sông lên cao. Các hồ đập giảm khả năng vận hành, nguy cơ ngập úng do nước dâng cao, công trình xây từ lâu.
Do đó, các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các sự cố; rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở; lên phương án giảm áp lực cho đê chính; khẩn trương khôi phục lưới điện, viễn thông, nước sạch; tập trung tu sửa trường học, công sở, giao thông; xử lý vệ sinh môi trường...
Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra vận hành ba hồ thủy điện lớn
Thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công tác vận hành xả lũ một số công trình thủy điện trong mùa mưa bão.
Ngày 10-9, đoàn công tác đã có buổi làm việc với Công ty Thủy điện Tuyên Quang. Ông Vũ Văn Tinh, giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang, cho hay nhà máy đã thực hiện xả đợt 6 do lũ về hồ ở cấp đặc biệt lớn, lần đầu tiên mở 8 cửa xả đáy, cắt lũ với dung tích 305 triệu m3.
Ông Trịnh Văn Thuận, phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), yêu cầu tập trung cao độ, không được chủ quan, nghiêm túc thực hiện các công điện.
Thực hiện cảnh báo, đúng trách nhiệm trong quản lý điều hành, lưu ý về các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp. Kiểm tra công tác vận hành tại Công ty Thủy điện Thác Bà vào lúc 15h với đập chính và 8 đập phụ, kiểm tra trực quan đập không có bất thường.
Công ty thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về vận hành an toàn đập đã được phê duyệt. Đặc biệt tình huống bất thường, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, thông báo và cảnh báo sớm.
Trước đó ngày 9-9, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến kiểm tra tại Thủy điện Hòa Bình.
Cao Bằng: còn 31 người mất tích, đang nỗ lực tìm kiếm
Chiều 10-9, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đi kiểm tra và làm việc với tỉnh Cao Bằng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, huyện Nguyên Bình có 24 người chết, 12 người bị thương, 31 người mất tích, tỉnh đang thống kê và nỗ lực tìm kiếm.
Có 1.065 nhà ở bị thiệt hại, trong đó có 22 nhà thiệt hại hoàn toàn. Có gần 200 điểm giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã bị tắc do sạt lở, ngập lụt…
Theo Phó thủ tướng, Cao Bằng là địa phương thiệt hại nặng nhất về người do mưa lũ sau bão. Đây là câu hỏi đặt ra và cần suy nghĩ nghiêm túc để có giải pháp hiệu quả trong tương lai.
Trong đó, tỉnh Cao Bằng cần nghiên cứu 1 chương trình tổng thể để có giải pháp phòng, chống sạt lở hiệu quả để bảo đảm cuộc sống an toàn cho người dân.
Trước mắt, tỉnh cần tập trung cao nhất việc cứu trợ cho dân theo tinh thần 5 không: "Không để dân đói - Không để dân khát - Không để các cháu học sinh không được học hành - Không để người dân không được chữa bệnh - Không để bà con không có nhà ở".
Phát lệnh báo động số 3 trên sông Cầu
Tối 10-9, tin từ UBND tỉnh Bắc Giang cho biết Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn đã phát lệnh báo động số 3 trên sông Cầu (tại Trạm thủy văn Đáp Cầu).
Do mưa lớn từ thượng nguồn đổ về, nước sông Cầu lên nhanh, gây ngập lụt cục bộ một số xã vùng trũng, thấp ven sông như Vân Hà (thị xã Việt Yên); Quang Minh, Mai Đình, Châu Minh, Xuân Cẩm (huyện Hiệp Hòa)…
12h20 cùng ngày, nước trên sông tại Trạm thủy văn Đáp Cầu ở mức 6,3m (báo động 3), nhưng đến 13h đã tăng lên 6,35m (trên mức báo động 3). Mực nước sông Thương tại Phủ Lạng Thương 6,79m (trên báo động 3). Sông Lục Nam tại Lục Nam 6,3m (báo động 3).
Hiện nay, hệ thống các tuyến đê cấp 2, 3, 4 ổn định an toàn song một số tuyến đê cấp 4 (đê bối, bờ bao, bờ vùng... ) đã bị tràn qua mặt đê gây ngập, ảnh hưởng một số khu vực.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn yêu cầu UBND các huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng, thị xã Việt Yên và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Sông Thương, các hạt quản lý đê tổ chức trực ban 24/24 giờ để có thông tin, báo cáo, xử lý kịp thời.
Yên Bái: 40 người chết do mưa lũ, sạt lở đất
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 17h ngày 10-9, mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh đã làm 40 người chết.
Trong đó, 36 người chết do sạt lở đất gồm 20 người ở TP Yên Bái, 1 người ở Trấn Yên, 10 người ở Lục Yên và Văn Chấn, Văn Yên mỗi huyện 1 người. 1 người chết do ngập lũ ở Trấn Yên.
Ngoài ra, có 3 người mất tích ở huyện Lục Yên và 13 người bị thương (TP Yên Bái 4 người, Lục Yên 6 người, Văn yên 3 người.)
Mưa lũ, sạt lở đã làm hư hại 22.218 ngôi nhà trên địa bàn trong đó sập đổ hoàn toàn 75 nhà, hư hỏng nặng 47 nhà, 18.697 nhà bị ngập… Nhiều công trình cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc, điện, trường học hư hại…
Ước thiệt hại trên địa bàn tính đến thời điểm hiện tại khoảng 150 tỉ đồng.
Hiện tỉnh đã di dời 59.536 người để đảm bảo an toàn.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, đến chiều nay, dù nhiều khu vực trên địa bàn TP Yên Bái vẫn còn bị ngập nhưng nước đã rút hơn so với buổi sáng và ngày hôm qua. Tuy nhiên nhiều khu vực vẫn đang bị cắt điện do ngập lũ.
Triển khai ngay các biện pháp bảo vệ đập thủy điện Thác Bà
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký công điện số 91 của Thủ tướng Chính phủ gửi bí thư, chủ tịch UBND 3 tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà.
Công điện nêu, hiện nay mực nước thượng lưu hồ thủy điện Thác Bà đang ở mức rất cao, lưu lượng đến hồ vượt quá khả năng xả lũ thiết kế của hồ.
Để đảm bảo an toàn cho hồ thủy điện Thác Bà, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bí thư và chủ tịch UBND các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, triển khai thực hiện ngay các biện pháp để ngăn chặn, giảm thiểu dòng chảy về hồ thủy điện Thác Bà.
Tăng cảnh báo cho dân khi xả lũ
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có công điện chỉ đạo các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang, Thác Bà và các công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý khu vực miền Bắc, miền Trung tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và các cấp có thẩm quyền.
Chủ động, sẵn sàng các phương án khi xuất hiện các tình huống bất thường khi vận hành công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện và hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản cho nhân dân vùng hạ du do lũ gây ra; tăng cường thông tin cảnh báo, thông báo sớm cho chính quyền địa phương các cấp, nhân dân vùng thượng, hạ lưu trước khi vận hành xả lũ theo quy trình.
Cao Bằng: 22 người chết, 33 người mất tích do lũ, sạt lở đất
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, tính đến 16h ngày 10-9, tỉnh Cao Bằng đã có 22 người chết 12 người bị thương, 33 người mất tích do mưa lũ, sạt lở đất.
Trong số đó, thiệt hại nặng nhất là huyện Nguyên Bình với 17 người chết, 20 người mất tích, 8 người bị thương. Tại huyện Bảo Lạc, lực lượng cứu nạn, cứu hộ cũng vớt được 5 thi thể bị đuối nước do lũ dâng cao.
Ngoài ra, tại Cao Bằng, mưa lũ cũng làm 663 nhà bị thiệt hại, trong đó có 15 nhà bị sập đổ hoàn toàn. Trạm y tế các xã Tam Kim (Nguyên Bình), 10 điểm trường ở các huyện Bảo Lạc, Trùng Khánh, Nguyên Bình bị sạt lở taluy dương, đất, đá vùi lấp nền, sân xung quanh nhà trạm hoặc bị nước ngập.
Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu, yêu cầu Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng khẩn trương khẩn trương cử lực lượng vào giúp đỡ nhân dân trong vùng sạt lở, lũ lụt nghiêm trọng.
Lũ sông Lô đoạn qua TP Tuyên Quang trên báo động 3
Báo cáo nhanh của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn quốc gia đến 15h30 cho biết mực nước trên sông Lô tại Tuyên Quang đạt 26,90m, trên báo động 3 (cấp cực kỳ nguy hiểm) 0,90m, tại Vụ Quang đạt 19,62m, trên báo động 2 0,12m.
Đây là trận lũ lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dự báo tối nay (10-9), lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,3m, trên báo động 3 1,3m và tại Vụ Quang tiếp tục lên, đạt đỉnh ở mức 20,4m, dưới báo động 3 0,1m vào đêm nay (10-9).
Hiện các lực lượng như quân đội, công an, các địa phương tại Tuyên Quang đã được huy động đưa người dân ra khỏi khu vực bị ngập.
Nước lũ vẫn tiếp tục lên, các địa phương cần triển khai các biện pháp ứng phó, tập trung cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cao nhất về người.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu Thủy điện Tuyên Quang đóng 1 cửa xả đáy vào lúc 8h.
Dự báo nước lũ sẽ chững lại song thời tiết diễn biến bất thường, mưa diện rộng vẫn xảy ra, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân di chuyển đến nơi an toàn tránh lũ, đảm bảo an toàn về người.
Nước lũ các sông ở Hải Dương tiếp tục lên nhanh
Bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hải Dương phát lúc 15h30 chiều 10-9 cho biết trong 6 giờ qua lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang lên nhanh.
Lúc 15h trên sông Thái Bình tại Phả Lại 5,42m (trên báo động II 0,42m), tại Cát Khê 4,76m (trên báo động II: 0,26m). Sông Kinh Thầy tại Bến Bình 4,07m (trên báo động II 0,57m), Gùa tại Bá Nha 2,47m (trên báo động II 0,07m), sông Kinh Môn tại An Phụ 2,89m (dưới báo động III 0,01m), sông Rạng tại Quảng Đạt 2,69m (trên báo động II 0,19m), sông Luộc tại La Tiến 4,40m (trên báo động I 0,20m).
Dự báo trong 12-24 giờ tới, mực nước các sông tiếp tục lên nhanh.
Cụ thể, trên sông Thái Bình tại Phả Lại, Cát Khê, sông Kinh Thầy tại Bến Bình tiếp tục duy trì ở mức trên báo động II và có thể đạt mức báo động III vào sáng 11-9.
Trên sông Gùa tại Bá Nha, sông Kinh Môn tại An Phụ, sông Rạng tại Quảng Đạt sẽ lên theo ảnh hưởng của triều và mưa lũ thượng nguồn và duy trì ở mức cao hơn báo động II và thấp hơn báo động III.
Trên sông Luộc tại La Tiến mực nước tiếp tục lên và duy trì ở mức cao hơn báo động I và có khả năng đạt báo động II vào tối 10-9.
82 người chết, 64 người mất tích
Thống kê đến 13h ngày 10-9:
- Về người: 146 người chết, mất tích (82 người chết, 64 người mất tích), cụ thể:
Cao Bằng: 55 người tại huyện Bảo Lạc (19 người chết, 36 người mất tích).
Lào Cai: 30 người (19 người chết, 11 người mất tích), gồm: Sa Pa 8, Bát Xát 10, Si Ma Cai 4, Bắc Hà 6, Văn Bàn 2.
Yên Bái: 28 người do sạt lở đất (22 người chết, 6 người mất tích), gồm: Lục Yên: 13, TP Yên Bái 14, Văn Chấn 1.
Quảng Ninh: 9 người chết (do bão 8 người; lũ cuốn 1 người).
Hải Phòng: 2 người chết do bão.
Hải Dương: 1 người chết do bão.
Hà Nội: 1 người chết do bão.
Hòa Bình: 4 người chết do sạt lở đất.
Lạng Sơn: 2 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất.
Bắc Giang: 1 người chết do lũ cuốn.
Tuyên Quang: 2 người mất tích do lũ cuốn.
Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích).
Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất.
Phú Thọ: 8 người mất tích (sự cố sập cầu Phong Châu).
Yên Bái: 32 người chết, 7 người mất tích
Theo báo cáo nhanh của cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái, tính đến 14h ngày 10-9, mưa, lũ, sạt lở đất đã làm 32 người chết, trong đó TP Yên Bái 16 người, Lục Yên 10 người, Văn Yên 4 người, Văn Chấn và Trấn Yên mỗi huyện 1 người.
Bên cạnh đó có 7 người mất tích và 18 người bị thương.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, đến chiều 10-9, nhiều khu vực của TP Yên Bái vẫn đang bị ngập nặng, một số khu vực ngập cao đến đầu người.
Hiện tại việc cứu trợ, cứu hộ đang được các đơn vị chức năng của tỉnh, TP triển khai quyết liệt.
Lực lượng chức năng đã sử dụng thuyền, mảng, đưa lương thực tiếp tế cho người dân ở nhiều phường thuộc phường Đồng Tâm, Minh Tân, Nam Cường, Hồng Hà, Thái Học, Tuy Lộc, Nguyễn Phúc, Yên Thịnh, Yên Ninh...
Hà Nam, Ninh Bình ứng phó với lũ sông Đáy đang lên cao
Chiều 10-9, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, lũ trên sông Đáy đang lên cao, trên báo động 3. Một số khu vực thuộc TP Phủ Lý và huyện Kim Bảng, Thanh Liêm đã bị ngập nước.
Cùng ngày Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy đã đi kiểm tra các điểm xung yếu trên tuyến đê nằm trong vùng ảnh hưởng của lũ sông Đáy. Bà Thủy yêu cầu TP Phủ Lý và các huyện, ngành chức năng ra soát các điểm xung yếu, khẩn trương xử lý chống thấm tránh sạt lở sâu, bám sát tình hình lũ trên sông Đáy…
Trong khi đó, theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Ninh Bình, lũ trên sông Đáy 2,89m (dưới báo động 2: 0,11m). Các cơ quan dự báo đã cảnh mực nước sông lên cao kết hợp với mưa lớn cục bộ, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt vùng bãi ven sông, vùng trũng thấp trên địa bàn các xã, phường thuộc huyện Nho Quan, Gia Viễn và TP Ninh Bình.
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc, các xã, phường thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, TP Tam Điệp.
Lạng Sơn: Thiệt hại ước tính trên 550 tỉ đồng, 12 người thương vong
Theo báo cáo nhanh từ UBND các huyện, thành phố tại Lạng Sơn, đến nay, tỉnh có 2 người tử vong do sạt lở đất làm sập nhà và đuối nước. Ngoài ra, còn có 10 người bị thương. Hơn 7.700 hộ gia đình, trụ sở công an xã, trường học, cơ quan bị tốc mái, cây đổ vào nhà, sạt lở đất, hư hỏng…
Về giao thông, ngoài quốc lộ 1, 3B, 4A, 43, 279 đã được thông tuyến, nhiều đường tỉnh, đường huyện vẫn bị ngập úng hoặc bị sạt lở taluy.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn ước tính thiệt hại sơ bộ do bão Yagi là trên 550 tỉ đồng.
Theo dự báo, từ sáng 10-9 đến đêm 11-9, nhiều nơi ở tỉnh Lạng Sơn có mưa vừa, mưa to đến rất to kèm dông, lượng mưa phổ biến 40- 70mm, có nơi trên 100mm. Cảnh báo ngày 12-9, tỉnh Lạng Sơn vẫn có mưa, cảnh báo rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp độ 1.
Công an tỉnh Hải Dương huy động toàn bộ lực lượng ứng phó
Trước diễn biến hết sức phức tạp của mưa, lũ, giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đã phát lệnh trực 100% quân số, huy động tối đa mọi nguồn nhân lực, vật lực để tập trung khắc phục hậu quả của bão số 3 và chủ động ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất.
Lực lượng cảnh sát giao thông công an toàn tỉnh đang phối hợp với công an cấp xã tăng cường tuần tra, canh gác nắm tình hình diễn biến của các đê kè, các trọng điểm xung yếu về đê điều, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành, đặc biệt là các cống qua đê, kịp thời phát hiện và xử lý mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ giờ đầu.
Cảnh báo người dân để chủ động phòng, tránh, di chuyển ngay toàn bộ vật tư, phương tiện, thiết bị, tài sản ngoài bãi sông, trên sông.
Đường sắt dừng chạy tàu qua cầu Long Biên
Ông Phan Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho- cho biết sáng 10-9 đã quyết định dừng chạy tàu qua cầu Long Biên do mực nước sông Hồng dâng cao vượt mức giới hạn chạy tàu, lại chảy xiết.
Do vậy, các đoàn tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng chuyển sang khai thác tại ga Gia Lâm. Từ ngày 11-9, Tổng công ty Đường sắt sẽ căn cứ nhu cầu hành khách, tình hình thời tiết để quyết định khai thác số lượng tàu phù hợp.
Riêng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai,. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tạm dừng khai thác tàu khách và tàu hàng do lũ ngập sâu nhiều điểm, đặc biệt những đoạn qua Yên Bái. Sau khi lũ rút, ngành đường sắt sẽ khảo sát tình trạng đường để quyết định thời điểm chạy tàu trở lại
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã khai thác trở lại
12h trưa 9-10, lãnh đạo Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã cho xe lưu thông bình thường sau khi nước rút dần.
Trước đó, sáng sớm 10-9 nước từ ruộng và đường gom đã tràn vào km191+400 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, gây ngập 10-20cm tại các làn xe khẩn cấp, làn số 3 và số 2 (làn số 1 sát dải phân cách giữa ngập ít).
Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng, tạm cấm xe cả hai chiều để đảm bảo an toàn cho các phương tiện từ 7h25. Xe vào cao tốc này được phân luồng ra quốc lộ 1 hoặc đường đê sông Hồng.
Từ 9h sáng 10-9 nước rút dần, đơn vị quản lý cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã cho xe lưu thông trở lại bình thường.
Yên Bái: Lũ ở mức lịch sử, 22 người chết, 6 người mất tích
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, tính đến sáng 10-9, trên địa bàn tỉnh có 28 người chết và mất tích do mưa lũ. Trong đó 22 người chết do sạt lở đất (huyện Văn Chấn 1 người; huyện Lục Yên 11 người; thành phố Yên Bái 10 người).
Đến trưa nay, TP. Yên Bái và nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chìm trong biển nước, nhiều phường, xã bị cô lập không thể liên lạc, giao thông chia cắt.
Mưa lũ làm hơn 10.000 ngồi nhà trên địa bàn tỉnh bị ngập nước, trong đó hơn 7.900 nhà ở thành phố Yên Bái.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nên các khu vực trong tỉnh Yên Bái từ tối 9-9 đến ngày 10-9 có mưa to đến rất to và dông Trên sông Thao tại Yên Bái lũ vẫn đang tiếp tục lên.ư
Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử, mực nước trên sông Ngòi Thia dao động ở mức
Sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Lê Thành Long đã đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa bão tại tỉnh Yên Bái. Ông yêu cầu chính quyền tỉnh phải quyết tâm tối đa để không xảy ra sự cố đáng tiếc và nhấn mạnh "sức khỏe, tính mạng của nhân dân là cao nhất".
Phó Thủ tướng đề nghị Quân khu 2 huy động số xuồng hiện có để hỗ trợ người dân. Tập trung cao cho công tác cứu hộ, cứu nạn, bằng mọi cách cứu hộ 3 người dân đang mắc kẹt trong mưa lũ (hiện đan bám vào cột điện). Khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho khu vực bị ảnh hưởng.
Hàng trăm cảnh sát cơ động hỗ trợ người dân Lào Cai, Yên Bái chạy lũ
Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã chỉ đạo Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc điều động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ xuống các phường Cốc Lếu, Kim Tân... thuộc tỉnh Lào Cai và thị trấn Thác Bà thuộc tỉnh Yên Bái để sơ tán nhân dân ra khỏi vũng lũ, sạt lở đến nơi an toàn.
Đồng thời 100% cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc được trang bị đầy đủ.
Cấm đường ở cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do ngập
Cục Cảnh sát giao thông sáng nay cho biết khu vực Km191 đến Km191+500 tuyến cao tốc Pháp vân - Cầu Giẽ ngập cả 2 chiều, không đảm bảo cho các xe di chuyển.
Do vậy , Đội tuần tra kiểm soát giao thông cao tốc số 3 tổ chức cấm đường, không cho xe đi cả 2 chiều. Cảnh sát cho hay căn cứ tình hình thực tế, khi đảm bảo an toàn cả 2 chiều mới cho xe cộ di chuyển.
Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu Đội Cảnh sát giao thông số 14 Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội phối hợp, tổ chức cấm đường ngay đầu vào cao tốc. Xe cộ được hướng dẫn đi theo tuyến quốc lộ 1 về phía nam.
Đội Cảnh sát giao thông số 8 và Công an huyện Thường tín, Thanh Trì, Phú Xuyên phối hợp phân luồng các điểm ra cao tốc theo cả chiều Cầu Giẽ - Hà Nội và ngược lại. Công an tỉnh Hà Nam, Ninh Bình hỗ trợ phân luồng, giảm bớt các xe đi vào cao tốc theo chiều về Hà Nội.
Nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngập nặng
Đêm 9-9 rạng sáng 10-9, Hà Nội đã có mưa lớn khiến nhiều tuyến đường rơi vào cảnh ngập nặng.
Nhiều tuyến đường giao thông tại các khu vực của Hà Đông, Hoài Đức, Nam Từ Liêm bị ngập sâu, xe di chuyển cực kỳ khó khăn.
Trong đó, từ sáng sớm, tuyến đường Phùng Hưng (Hà Đông, Hà Nội) ngập nặng, kéo dài từ gần cổng Bệnh viện 103 đến Tân Triệu, Yên Xá, Bệnh viện K nên lực lượng chức năng phải đặt biển cảnh báo.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, anh Tuấn (Phúc La- Hà Đông) cho biết sáng nay đang đưa con đi học ở một trường tiểu học trong Văn Quán.
Theo anh Tuấn, dù đường đến trường chỉ còn cách 200m nhưng anh không thể đi xe máy vì nước ngập hơn nửa bánh xe.
Trong khi đó, bất lực trước tình trạng tắc đường khi ngay đầu phố Phùng Hưng đặt biển cảnh báo "Khu vực nước ngập nguy hiểm", chị Hương đứng chôn chân trên đường khi dòng người tắc nghẽn không thể di chuyển.
Đường Phùng Hưng chỉ có thể đi một chiều ngược lại từ đường Cầu Bươu, Tân Triều, Xa La về hướng Trần Phú, còn chiều ngược lại không thể di chuyển. Dòng người vì thế càng tắc nghẽn.
Ghi nhận đến hơn 8h30 sáng, nhiều người vẫn không thể đến được cơ quan vì đường ngập khắp nơi và tắc đường.
Còn tại khu vực đường gom đại lộ Thăng Long đoạn giao với đường Lê Trọng Tấn (nay là đường Hoàng Tùng, thuộc xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) đến 9h sáng nay vẫn bị ngập sâu cả 2 chiều.
Nhiều đoạn ngập sâu từ 40 - 50cm, khiến nhiều xe cố di chuyển bị chết máy, không ít ô tô phải gọi cứu hộ đến ứng cứu. Nhiều tài xế xe máy đã phải quay đầu, tìm cách đi lên đường cao tốc để di chuyển vào trong nội đô.
Chị Thu Hương (trú ở An Khánh, Hòa Đức) cho biết sáng sớm nay khi gia đình ngủ dậy ra khỏi nhà đã thấy các quanh chung cư "tứ bề nước".
Dự báo lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức báo động 2
Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đang dưới mức báo động (BĐ) 1 là 0,48m nhưng dự báo sẽ lên nhanh và đạt mức BĐ 1 trong 12 giờ tới, BĐ 2 trong 24 giờ tới.
Dự báo lũ trên sông Hồng còn tiếp tục lên, ở Lào Cai và Yên Bái đã vượt mức lịch sử
Lúc 9h ngày 10-9, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lũ trên sông Thao (sông Hồng) tại TP Lào Cai đang xuống chậm, tại Bảo Hà,Yên Bái đang lên.
Lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội).
Lũ trên sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống chậm.
Mực nước lúc 7h ngày 10-9 trên sông Thao (sông Hồng) tại Yên Bái 35,32m, trên BĐ3 là 3,32m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 1,1m;
Mực nước trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương, trên sông Lục Nam tại Lục Nam, trên sông Lô tại Tuyên Quang đều trên mức BĐ 3.
Mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội 9,02m, dưới BĐ1 là 0,48m.
Dự báo trong 12 giờ tới: lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống; tại Bảo Hà biến đổi chậm; tại Yên Bái tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử; tại Phú Thọ đạt mức trên BĐ1.
Lũ trên sông Lô và sông Cầu tiếp tục lên mức BĐ3. Sông Thương biến đổi chậm ở mức trên BĐ3. Lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn trên mức BĐ3.
Lũ trên sông Thái Bình, sông Hoàng Long tiếp tục lên vượt mức BĐ2.
Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức BĐ1.
Trong 12- 24 giờ tiếp theo: lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ ít biến đổi. Lũ trên sông Lô, sông Thương và sông Cầu biến đổi chậm và duy trì ở mức BĐ3.
Tuy nhiên, lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức BĐ3, trên sông Hoàng Long tiếp tục đạt mức BĐ3.
Đáng lưu ý lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức BĐ2. Mức BĐ 2 tương ứng với mực nước 11,5m tại Long Biên và 14,4m tại Sơn Tây.
Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo từ 10 đến 11-9, trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và các sông khu vực hạ lưu đồng bằng sông Hồng- Thái Bình, khu vực cửa sông ven biển lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.
Do vậy, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp, bờ bãi ven sông, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng- Thái Bình.
Mực nước lũ hạ lưu sông Hồng- Thái Bình duy trì ở mức cao nhiều ngày có thể làm lở đất ven sông và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông đồng bằng sông Hồng- Thái Bình.
Một huyện ở Cao Bằng có 17 người chết, 38 người mất tích
Mưa lớn gây sạt lở đất tại nhiều nơi của huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) làm 17 người chết, hiện có khoảng 38 người đang mất tích.
Theo báo cáo nhanh đến ngày 9-9 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), mưa lớn sau bão số 3 (Yagi) thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Đến ngày 9-9, toàn huyện ghi nhận 17 người chết, 12 người bị thương và khoảng 38 người mất tích. Các nạn nhân chủ yếu gặp nạn do sạt lở đất.
Cụ thể, tại xã Thành Ca xảy ra 2 vụ sạt lở đất làm 9 người chết, 5 người bị thương và 33 người mất tích.
Vụ thứ nhất xảy ra vào lúc 5h sáng 9-9, xóm Lũng Lỳ bị sạt lở đất vùi lấp 6 hộ dân có 38 người sinh sông. Khi xảy ra sạt lở có 26 người may mắn thoát được, còn 2 người chết, 3 người bị thương, 7 người đang mất tích.
Còn tai xóm Khuổi Ngọa (xã Ca Thành), khoảng 5h45 tại xảy ra vụ sạt lở đất taluy dương, đẩy 1 xe khách và 1 ô tô con xuống vực, suối. Xe khách trôi khoảng 800m so với vị trí sạt lở, ô tô con trôi khoảng 2,8km so với vị trí sạt lở.
Đối với xe khách, lực lượng tại chỗ đã tìm kiếm cứu nạn được 2 người chết. Cứu được 1 người bị thương, đa chấn thương, gãy chân đã đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Tĩnh Túc và chuyến đi bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng. Còn khoảng 15 người mất tích. Đối với ô tô con lực lượng chức năng đã tìm thấy 1 thi thể, cứu được 1 người, hiện còn 3 người mất tích.
Đối với xe máy, lực lượng tại chỗ đã tìm kiếm thấy 1 thi thể, hiện còn khoảng 8 người mất tích. Ngoài ra các lực lượng đã tìm kiếm được 3 thi thể nhưng chưa xác định được danh tính.
Còn tại xã Yên Lạc, vào lúc 1h30 sáng 9-9, tại xóm Lũng Súng bị sạt lở đồi làm lấp 6 hộ dân với 36 người sinh sống. Khi xảy ra sạt lở đất chỉ có 16 người may mắn chạy thoát, còn lại vị vùi lấp. Đến ngày 9-9, đã tìm thấy thi thể 7 người, có 7 người bị thương nặng và 4 người đang mất tích.
Ngoài ra, tại xã Vũ Nông và Vũ Minh có 2 người chết do sạt lở đất và lũ cuốn.
Còn theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng đến 20h30 tối qua, ngoài huyện Nguyên Bình thì huyện Bảo Lạc cũng vớt được 5 thi thể bị lũ cuốn trôi.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, sạt lở đất, Sở Giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng quyết định tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định, taxi, xe hợp đồng trên địa bàn tỉnh từ ngày 9-9 cho đến khi có thông báo mới.
Bắc Giang: Cấm người dân đi qua cầu sắt sông Thương
9h30 tại Bắc Giang, Chủ tịch UBND TP Bắc Giang Đặng Đình Hoan cho biết lực lượng chức năng đã cấm các phương tiện cá nhân qua cầu sắt sông Thương để đảm bảo an toàn cho người dân cho đến khi có thông báo mới.
Hoạt động đường sắt vẫn do cơ quan đường sắt phụ trách. Lực lượng chức năng địa phương sẽ điều hướng người dân di chuyển qua các cầu mới bên cạnh như cầu Mỹ Độ, cầu Bến Hướng…
Theo ông Hoan, tình hiện điện nước, viễn thông trên địa bàn đảm bảo phục vụ bà con. Sáng nay, các cháu học sinh tại thành phố đến trường sau những ngày nghỉ học do ảnh hưởng của bão Yagi.
9h tại Lục Ngạn, Bắc Giang, lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo huyện Lục Ngạn cho biết có 37/94 trường không tổ chức được việc học được do ngăn cách giao thông, chưa đảm bảo an toàn.
Tại huyện Lục Nam, Bắc Giang, lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo huyện cho hay có 65/83 trường cho học sinh trở lại trường bình thường. Các trường còn lại sẽ dạy học những ngày tiếp theo khi đảm bảo an toàn. Các trường tại các huyện Yên Dũng, Tân Yên và TP Bắc Giang dạy và học bình thường.
8h tại Việt Yên, Bắc Giang, Công an thị xã Việt Yên cho biết xã Vân Hà (nơi có làng bánh đa Thổ Hà, rượu làng Vân nổi tiếng), nước dâng ngập úng cục bộ.
Nhiều cơ quan, trường học bị ngập nước, giao thông đi lại khó khăn. Lực lượng chức năng đang ứng phó với mưa lũ, bảo đảm tính mạng, tài sản, an toàn cho nhân dân.
8h tại Sơn Động, Bắc Giang, trời vẫn mưa song nước bắt đầu rút so với hôm qua. Hiện, một số nơi vẫn mất điện, sóng điện thoại chập chờn.
Lãnh đạo UBND huyện Sơn Động cho hay lực lượng chức năng đã khắc phục tạm thời sạt lở các quốc lộ 31, 279, 291 qua địa bàn song một số đường liên xã bị sạt lở, xe hơi chưa đi lại được. Hiện, huyện vẫn tiếp tục có mưa, lực lượng chức năng đang khôi phục mạng viễn thông, điện ở các xã còn lại.
7h tại Tân Yên, Bắc Giang, Công an huyện Tân Yên cho biết tỉnh lộ đoạn qua cổng phân trại số 3, Trại giam Ngọc Lý, địa phần xã Cao Xá và Ngọc Lý, nước dâng cao ngập đường.
Chỗ sâu nhất khoảng 1m với chiều dài khoảng 200m, xe cộ không thể đi lại. Lực lượng chức năng đề nghị người dân chuyển như sau. Hướng đi Ngọc Lý - Cao Xá rẽ từ ngã tư đèn xanh đỏ tại thôn An Lập, xã Ngọc Lý đi đường 398B sang quốc lộ 17. Hướng đi Cao Xá - Ngọc Lý rẽ từ đường nhánh tại thôn Thượng, xã Cao Xá nối từ tỉnh lộ 298 sang quốc lộ 17.
Tạm cấm lưu thông qua cầu Vĩnh Phú do tàu, sà lan mắc kẹt
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 10-9, ông Phan Quốc Khánh, Chủ tịch phường Dữu Lâu (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho biết sáng nay, trên sông Lô đoạn qua địa bàn có tàu, xà lan trôi tự do từ thượng lưu về mắc kẹt tại cầu Vĩnh Phú (nối hai tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ):
"Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo, lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ đã có mặt tại hiện trường để đưa ra hướng xử lý, đồng thời tạm cấm các phương tiện, người dân qua cầu sáng nay để bảo đảm an toàn" – ông Khánh nói.
Hiện mực nước sông Lô đang lên cao do nhà máy thủy điện Tuyên Quang và thủy điện Thác Bà đang xả lũ.
Lúc 8h sáng nay hồ thủy điện Tuyên Quang đang mở 7 cửa xả đáy với tổng lưu lượng 5.000m3/s.
Còn hồ thủy điện Thác Bà đang mở 3 cửa xả mặt với lưu lượng 2.700m3/s.
Cơ quan khí tượng dự báo, trong ngày hôm nay, lũ trên sông Lô tại thành phố Tuyên Quang lên trên báo động 3 khoảng 80cm và Vụ Quang (Phú Thọ) lên mức dưới báo động 3 khoảng 40cm.
17 người chết, 12 người mất tích ở Lào Cai
Sạt lở, ngập nước khắp nơi khiến 17 người chết, 12 người mất tích ở Lào Cai. Cơ quan chức năng chưa khắc phục xong điểm sạt lở này đã sạt lở thêm điểm khác.
Uỷ ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho hay trong hai ngày qua, khu vực tỉnh Lào Cai có mưa to đến rất to. Đặc biệt, có 33 trạm quan trắc ghi nhận lượng mưa rất lớn, có nơi mưa kỷ lục tới 476,6mm. Hàng trăm điểm sạt lở khiến giao thông chia cắt.
Đến tối qua (9-9), Lào Cai có 17 người chết, 12 người mất tích và 14 người bị thương. Ông Tô Ngọc Liễn - Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho hay, chiều tối qua, lực lượng cứu hộ của địa phương đã tìm thấy nạn nhân thứ 5 trong vụ sạt lở tại xã Mường Hoa hôm 8-9. Còn hai nạn nhân mất tích, lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm.
Tại huyện Bát Xát, vụ sạt lở 4 căn nhà tại xã A Lù vùi lấp 7 người, hiện vẫn rất khó khăn tiếp cận hiện trường vì sạt lở. Chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm người cả công an, quân đội, biên phòng, dân quân và người dân địa phương tìm kiếm, cứu hộ.
Từ trung tâm huyện đến điểm sạt lở này hơn 80 cây số, sạt lở, ách tắc nhiều nơi. Lực lượng cứu hộ phải chia làm nhiều chặng, vượt qua những điểm sạt lở tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm.
Những nơi này tiếp tục mất điện, mất sóng điện thoại nên công tác phối hợp, chỉ đạo của lực lượng chức năng càng thêm khó khăn.
Tại huyện Si Ma Cai, hai con đường đến địa phương đều bị sạt lở, chia cắt không thể lưu thông. Lực lượng cứu hộ đang tích cực giúp đỡ gia đình của 4 nạn nhân thiệt mạng vì sạt lở.
Nước sông Hồng vượt báo động ba gần 2m, đường phố thành sông
Sông Hồng tại thành phố Lào Cai lên cao, vượt mức báo động 3 gần 2m. Các tuyến phố sầm uất nhất thành phố Lào Cai như An Dương Vương, Soi Tiền... ngập tới cổ, nhiều nhà không kịp di dời tài sản.
Thái Nguyên: Nhiều nơi vẫn chìm trong biển nước
Tại các khu vực bị cô lập, lực lượng chức năng, người dân dùng xe tải, xuồng tiếp tế lương thực.
Tại TP Thái Nguyên đến 10h40 sáng nay nhiều nơi vẫn chìm trong biển nước. Tại đường Cách Mạng Tháng Tám, nhiều người dân và lực lượng chức năng, cứu hộ đang vận chuyển nước, mì tôm, các nhu yếu phẩm vào tiếp tế cho những hộ dân ở vùng ngập sâu hơn.
Các nhu yếu phẩm này được người dân ở những địa bàn không bị ngập, tự nguyện mang đến quyên góp để ủng hộ những người trong vùng lũ với tinh thần "lá lành đùm lá rách".
Người dân tiếp tế lương thực cho các khu vực bị cô lập ở Thái Nguyên
Anh Nguyễn Thanh Hoàng, tình nguyện viên hỗ trợ cứu hộ cho biết sau khi các nhu yếu phẩm, đồ ăn được vận chuyển bằng xe tải vào sâu trong khu vực ngập lụt, sẽ được chuyển sang các xuồng, bè để tiếp tục đưa cho người dân bị mắc kẹt trong vùng lũ.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, lúc 10h30 sáng 10-9 mực nước tại trạm thủy văn Cầu Gia Bẩy là 2.844cm, trên mức báo động 3 144cm. Như vậy mực nước đã rút 37cm so với mức đỉnh tối 9-9.
Tuổi Trẻ Online mong nhận được thông tin, hình ảnh về lũ lụt, thiên tai
Trong những ngày qua, bão số 3 đã gây nhiều hậu quả nặng nề đối với các tỉnh, thành Miền Bắc. Hiện tại, lũ lụt đang hoành hành tại Yên Bái, Thái Nguyên, đe dọa Hà Nội và nhiều địa phương khác.
Để có được những thông tin nhanh nhất phản ánh tình hình lũ lụt, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, hoạt động cứu trợ ở mọi nơi, nhằm chia sẻ thông tin tới bạn đọc cả nước, để mọi người chung tay góp phần cùng nhân dân các vùng thiên tai khắc phục khó khăn, mất mát, Tuổi Trẻ Online mong nhận được hình ảnh, clip cập nhật tình hình kịp thời, chính xác.
Bạn đọc nếu có hình ảnh, thông tin về lũ xin gửi về số Zalo: 0918033133. Chân thành cảm ơn.
Để sẻ chia cùng người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3, báo Tuổi Trẻ sẵn sàng làm cầu nối đóng góp của bạn đọc gần xa để chia sẻ với đồng bào đang gặp khó khăn.
- Bạn đọc có thể đến đóng góp tại trụ sở báo Tuổi Trẻ: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực trên cả nước.
- Bạn đọc chuyển khoản, xin vui lòng gửi qua tài khoản báo Tuổi Trẻ tại: Báo Tuổi Trẻ, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3, TP.HCM. Số tài khoản: 113000006100 (Việt Nam đồng). Nội dung: Ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
- Bạn đọc ở nước ngoài xin chuyển khoản về tài khoản báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD: 007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM hoặc tài khoản EUR: 007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM. * Swift code: BFTVVNVX007. Nội dung: Ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp cùng một số ban ngành của các địa phương bị ảnh hưởng mưa bão để trao trực tiếp tận tay đến bà con bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận