16/10/2016 07:56 GMT+7

Lũ lụt chưa qua, miền Trung lại chuẩn bị hứng bão

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TTO - Cơ quan dự báo Philippines nhận định bão Sarika sau khi vào khoảng giữa khu vực Biển Đông sẽ di chuyển hơi lệch về phía tây nam, hướng vào khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị.

Nước lũ tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch sáng 15-10 đã rút khoảng 1m nhưng vẫn còn ngập sâu trong các khu dân cư - Ảnh: QUỐC VŨ

Về mức độ đợt mưa đang xảy ra, gây lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, ông Lê Thanh Hải - phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết:

- Lượng mưa trong 24 giờ từ đêm 13 đến 14-10 tại trạm khí tượng Đồng Hới (Quảng Bình) là 747mm. Con số này phá vỡ kỷ lục cũ là 555mm trong 24 giờ được ghi nhận vào ngày 9-10-1995.

Còn lượng mưa trong ngày 14-10 tại Đồng Hới chắc cũng chưa từng thấy, trừ trường hợp xảy ra ở Huế năm 1999. Tại Hà Tĩnh, lượng mưa cũng tương đương trận mưa lớn vào năm 2010.

* Nguyên nhân của đợt mưa này là gì và cơ quan khí tượng đã cảnh báo thế nào, thưa ông?

- Nguyên nhân là do ảnh hưởng kết hợp của áp thấp nhiệt đới từ bão số 6 suy yếu với không khí lạnh gây ra.

Ngày 11-10, chúng tôi đã phát bản tin cảnh báo từ đêm 12-10 đến hết ngày 15-10 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, trên 200mm cả đợt, riêng khu vực phía nam của Nghệ An đến Huế khoảng 300-500mm.

Khi nhận định về đợt mưa này, tôi cũng nhắc lại cho mọi người là dễ xảy ra mưa lớn như Huế năm 1999 và Hà Tĩnh năm 2010.

* Người dân cho rằng mưa to hơn mức dự báo khiến họ bất ngờ?

- Đây là đợt mưa được tiên liệu từ trước nhưng không thể lường được xảy ra mưa đến 700-800mm trong vòng 1 ngày. Trong dự báo, về định lượng khó mà nhận định được xảy ra mưa cực đoan trong quãng thời gian như vậy. Mưa kỷ lục xảy ra như vậy nên người dân thấy bất ngờ cũng đúng.

* Hai năm vừa rồi miền Trung không bị lũ. Tại sao năm nay lại mưa to, lũ lớn như vậy, thưa ông?

- Theo quy luật, vào thời điểm tháng 9 đến tháng 11 ở miền Trung thường xảy ra mưa lũ lớn. Nguyên nhân gây mưa to gồm sự kết hợp của không khí lạnh với dải hội tụ nhiệt đới (có lúc là vùng thấp, có lúc là áp thấp, có lúc là cơn bão). Năm 1999 mưa lũ lịch sử xảy ra ở Huế cũng có nguyên nhân không khí lạnh kết hợp vùng thấp gây ra.

Hai năm vừa rồi có thể nói là không có bão lũ ở miền Trung vì ảnh hưởng hiện tượng El Nino, còn không khí lạnh kết hợp với hội tụ nhiệt đới gây mưa ở miền Trung năm nào cũng có. Không khí lạnh và hội tụ nhiệt đới là điều kiện cần và đủ để gây mưa lớn.

Một trong hai yếu tố trên mạnh thì xảy ra mưa vừa phải nhưng cả hai yếu tố đủ mạnh kết hợp lại thì mưa tới mức khủng khiếp.

Năm 1999 lũ lịch sử tại Huế cũng là không khí lạnh kết hợp vùng thấp. Thời điểm đó ở Huế cũng ghi nhận mưa hơn 700mm trong vòng 1 ngày đêm.

* Cơn bão Sarika mạnh cấp 13, sắp vào Biển Đông có khả năng ảnh hưởng đến miền Trung nước ta và sẽ có thêm một cơn bão từ phía đông Philippines cũng có nhiều khả năng đi vào Biển Đông. Khả năng ảnh hưởng của hai cơn bão này tới nước ta như thế nào?

- Bão Sarika rất mạnh, ngày 15-10 đã có sức gió cấp 13, giật cấp 16-17. Nhiều khả năng cơn bão này ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta vào giữa tuần tới, có thể gây ra đợt mưa lũ lớn cho các tỉnh miền Trung và khả năng gây mưa trái mùa đồng bằng miền Bắc.

Cơn bão Haima sau cơn Sarika có khả năng đi vào Biển Đông cũng rất lớn. Nhiều khả năng bão dồn dập ở Biển Đông, ảnh hưởng đến nước ta trong tháng 10.

Hai năm 2014 - 2015 ít bão do hiện tượng El Nino, bây giờ do tác động của La Nina yếu thì xảy ra bão nhiều hơn.

Sơ đồ đường đi và tầm hoạt động của bão Sarika và Haima Nguồn: Cơ quan dự báo Nhật - Đồ họa: V.CƯỜNG
Sơ đồ đường đi và tầm hoạt động của bão Sarika và Haima Nguồn: Cơ quan dự báo Nhật - Đồ họa: V.CƯỜNG

Các trang dự báo hải quân Mỹ, Hong Kong, Đài Loan đều nhận định bão Sarika sau khi đi xuyên qua rìa phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) sẽ vào khu vực vịnh Bắc bộ, ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh phía đông Bắc bộ vào khoảng ngày 19 đến 20-10.

Trong khi đó, cơ quan dự báo Philippines nhận định bão Sarika sau khi vào khoảng giữa khu vực Biển Đông sẽ di chuyển hơi lệch về phía tây nam, không vào đảo Hải Nam mà hướng vào khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị ở cùng thời điểm.

Trong khi các cơ quan dự báo nhận định bão Sarika khả năng ảnh hưởng đất liền nước ta khá cao thì cơn bão khác là Haima (cách bão Sarika khoảng 2.000km về phía đông) được nhận định hai khả năng: một là tiếp tục nối đuôi bão Sarika vào Biển Đông và khả năng thứ 2 bão di chuyển lên phía bắc về vùng biển Nhật Bản.

Q.KHẢI

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên