28/03/2013 08:05 GMT+7

"Lũ lụt" chăn gối

Bác sĩ LÊ THÚY TƯƠI
Bác sĩ LÊ THÚY TƯƠI

TTC - Bạn Nguyễn văn B ở Tây Ninh gửi “meo” cho bác sĩ than rằng: bà xã em không có điểm gì để chê ngoài chuyện ban đêm nàng cứ tè ra giường. Vợ chồng em chả dám nằm nệm, đành trải chiếu như thời các cụ. Thằng nhóc 4 tuổi phải “lãnh đạn” thay cho mẹ mỗi khi bà nội thấy mẹ nó giặt chiếu. Bây giờ em phải đưa nàng đi đâu để chữa căn bệnh “lũ lụt chăn gối” này?

WXMMT93c.jpgPhóng to

Để các bạn gái hoặc các chàng trai lâm vào cảnh “khó nói” này, tôi đành mượn các bác bên y học cổ truyền hai chữ di niệu để nói về căn bệnh này.

Vì đâu nên nỗi

Đầu tiên bạn cứ mang một ông có tên là Tạo Hóa ra mà trách. Bởi nếu cha mẹ bạn đều rơi vào tình trạng “lũ lụt chăn gối” thì khả năng di truyền sang cho bạn chiếm tới 77%. Tuy nhiên làm gì có gia đình “mả táng hàm rồng lại được cả đôi” thi nhau tè dầm như vậy. Thường một trong hai bậc sinh thành bị tè dầm thì khả năng này rơi vào bạn cỡ 40%. Trách lão Tạo Hóa vì lão đã không cắt luôn cái gien tè dầm khi cha mẹ bạn quyết định góp trứng và tinh trùng mà “nặn” ra bạn. Ở một số người chẳng kế thừa “miếng gien” nào nhưng lại bị rối loạn một hormone gọi là “chống bài niệu”, tên khoa học là ADH (anti diuretic hormone). Khi bạn chìm vào trong giấc điệp là lúc ADH chỉ thị cho hai bác thận rằng: giảm sản xuất nước tiểu. Nếu ADH bị rối loạn thì thận cứ “hồn nhiên” lọc và đẩy nước xuống bàng quang. Bàng quang căng lại báo lên não tạo ra một giấc mơ. Trong giấc mơ bạn thấy mắc tiểu bèn ra toilet mà xả. Đến khi nước chảy ướt quần, ướt nệm, bạn mới chợt tỉnh trong một trạng thái mắc cỡ ngượng ngùng.

Người bị tiểu đường type II thường rối loạn sản xuất ADH cũng rơi vào tình trạng như vậy. Nếu bạn đã từng có một hai đợt viêm bàng quang (tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu ra máu) lại không điều trị triệt để thì dung tích bàng quang nhỏ lại. Thay vì chứa được 500ml, nay nó chỉ còn 150ml cùng với tình trạng viêm âm ỉ ở phần “cửa xả”cũng gây nên tè dầm. Đàn ông thường xuyên ăn nhậu, chất alcool làm cản trở bài tiết một hormone kiểm soát bài tiết nước tiểu có tên cúng cơm là Vasopressin. Tối nhậu say, đêm tè dầm lại đổ lỗi cho “bia nó lợi tiểu”. Những “hũ chìm” này được gọi là tự gây bệnh cho chính mình. Một số người hay bị viêm họng, hút thuốc lá gây ho kéo dài. Khi ho, cơ thành bụng chịu sức ép mạnh, bàng quang cũng chịu lực ép nên cơ ở cổ bàng quang không kềm nổi, chả khác gió đẩy cửa bung và nước tiểu tràn ra ngoài. Vì thế viêm họng hạt, hút thuốc lá là tác nhân gián tiếp gây nhão cơ cổ bàng quang làm bạn tè dầm. Phụ nữ sinh đẻ nhiều hoặc sinh mổ, chống nhiễm trùng không triệt để cũng để lại hậu quả tè dầm.

Phòng ngừa “lụt trong đêm”

Đề phòng vụ “lụt trong đêm” có hai vấn đề cơ bản: Một là bạn để cho bàng quang tự do, đừng bị đè ép bởi bất kỳ lý do nào. Mang vác nặng, táo bón (khi “ị” phải phồng mang trợn mắt, mặt đỏ tía tai), ho kéo dài do viêm họng hay hút thuốc lá… tất cả đều làm tăng áp suất trong ổ bụng khiến cơ bàng quang bị nén. Hai là đừng nín tiểu khi bàng quang đã phát tín hiệu SOS. Bởi khi mắc tiểu các cơ ở cổ bàng quang phải gồng lên mà giữ “cửa” kẻo nó bung ra. Lâu ngày cơ sẽ bị nhão dẫn đến tiểu không tự chủ. Ngoài ra cần giữ cân nặng để không bị thừa cân, béo phì. Vòng bụng càng lớn, mỡ bám ở ruột càng nhiều thì nhu động ruột kém và hạn chế hoạt động của cơ bụng khiến cho bàng quang cũng yếu theo dẫn đến tè dầm. Nhiều người cho rằng đã bị tè dầm thì hạn chế uống nước. Không phải vậy, uống đủ nước mới giúp cơ thể bình thường (đủ khối lượng tuần hoàn, tim mạch, thận và hoạt động tế bào đều cần nước). Uống đủ nước giúp duy trì cơ xương vùng chậu và bàng quang. Để tránh tè dầm chỉ nên hạn chế uống nước vào buổi tối.

Chữa di niệu: Quan trọng là tập luyện

Nếu bạn bị tè dầm, việc đầu tiên là tập luyện để củng cố trương lực cơ bàng quang. Bạn ngồi xếp chân theo tư thế bán già, hai tay để lên đùi nhắm mắt hít vào thật sâu, đồng thời thót hậu môn lại. Nín thở chừng 10 giây rồi từ từ thở ra thật chậm. Một ngày bạn chỉ cần bỏ ra 20 phút (sáng 10 phút, tối 10 phút) tập như vậy là đủ.

Cùng lúc bạn có thể đến bệnh viện y học cổ truyền để được day ấn huyệt. Day dưới rốn một vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, khi nào vòng tròn này đỏ ửng lên là thành công. Ấn huyệt Trung cực, Tam nguyên, Khí hải. Tiếp đến chà xát vùng cột sống thắt lưng cho đến khi thấy vùng da hai bên thắt lưng đỏ lên. Ấn huyệt Thận du và Bàng quang du. Tất cả thời gian day, ấn, chà xát mất 30 phút.

Tây y dùng dẫn chất tổng hợp giống như hormone chống bài niệu (Demopressin) dưới dạng nhỏ mũi hoặc phun sương. Cần cẩn trọng vì nó có thể gây chảy máu mũi và phát động cơn đau tim.

Xem ra tập luyện rất quan trọng để các bạn bảo vệ bàng quang của mình. Nếu chẳng may nó bị viêm xin đừng ngại mà phải gặp bác sĩ gấp để chữa triệt để. Tè dầm không gây tử vong nhưng nó ảnh hưởng đến chất lượng sống và cả hạnh phúc của gia đình bạn.

Eo9fSzRV.jpg

Tuổi Trẻ Cười số 472 ra ngày 15/03/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Bác sĩ LÊ THÚY TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: LÊ THÚY TƯƠI