18/12/2016 08:04 GMT+7

Lũ chồng lũ, dân miền Trung mất tết

D.THANH - TH.LỘC - NH.LINH - T.MAI
D.THANH - TH.LỘC - NH.LINH - T.MAI

TTO - Hàng ngàn hộ dân trồng hoa ở các tỉnh miền Trung đang điêu đứng trước nguy cơ trắng tay vì cơn lũ dị thường gây ngập úng, làm thiệt hại hàng trăm hecta hoa tết.

Hàng loạt làng hoa ở miền Trung trong thời điểm chuẩn bị tết đã bị chìm dưới nước lũ. Trong ảnh: ông Nguyễn Sơn Kề ở thôn Hảo Đức (An Nhơn, Bình Định) giội rửa ruộng mai bị ngập trong lũ vào trưa 17-12 - Ảnh: DUY THANH
Hàng loạt làng hoa ở miền Trung trong thời điểm chuẩn bị tết đã bị chìm dưới nước lũ. Trong ảnh: ông Nguyễn Sơn Kề ở thôn Hảo Đức (An Nhơn, Bình Định) giội rửa ruộng mai bị ngập trong lũ vào trưa 17-12 - Ảnh: DUY THANH

 

Đây là thiệt hại lớn chưa từng thấy ở làng mai này trước nay, bởi có khi nào địa phương phải hứng chịu năm cơn lũ liền như thế này đâu!

Ông NGUYỄN TẤN ĐỨC (chủ tịch UBND xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, Bình Định)

Làng mai cảnh xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) là nơi cung ứng mai tết khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhưng tết này, người dân ở “thủ phủ” mai cảnh coi như trắng tay khi ruộng mai của họ bị “nhúng” liên tục năm cơn lũ lớn, lớp chết, lớp hư cành, lớp nguy cơ ra hoa sớm.

“Thủ phủ” mai cảnh mất tết

Gần trưa 17-12, khi nước lũ chưa rút khỏi đường làng, ông Nguyễn Sơn Kề cùng gia đình ở làng nghề trồng mai cảnh thôn Hảo Đức (xã Nhơn An) vừa đi sơ tán tránh lũ trở về đã hối thúc vợ và hai con tạm gác chuyện dọn dẹp nhà cửa.

Mọi người cùng ào ra ruộng mai trước nhà, nhúng mình dưới nước lũ đến thắt lưng, người tạt nước người dùng vòi bơm giội rửa từng cành mai dính đầy bùn đất, rác rưới...

Nhà ông Kề trồng 2.000 chậu mai cảnh 3-5 năm tuổi. Bình thường đến thời điểm này, gia đình ông cùng những người trồng mai khác ở địa phương đã bắt đầu bán cho thương lái các tỉnh phía Bắc, phía Nam đến mua về bán lại hoặc dưỡng cây chơi tết.

“Cả năm chăm bẵm ruộng mai vì đó là nguồn sống chính của cả gia đình, một năm làm chỉ chờ có mấy ngày này chuẩn bị thu hoạch. Ruộng mai này luôn mang về cho gia đình tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Nhưng năm nay lũ chồng lũ chập, ruộng mai nhà tôi lũ ngập lút ngọn liên tục, coi như thất thu, mất tết!” - ông Kề xót xa.

Sáng qua, trời Bình Định hửng nắng sau hơn chục ngày u ám, hầu như cả làng mai Nhơn An đổ xô nhau múc nước lụt rửa mai.

Ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn Thiện Thái, người trồng 2.500 chậu mai cảnh, cho hay phải rửa nhanh vì nếu để bùn đất dính trên lá mai khô lại dưới nắng, lá sẽ rụng ngay và mai sẽ nở hoa sớm.

Có khoảng 30% lượng mai của tôi, hầu hết là loại khoảng 1 năm tuổi, bị thối gốc, chết vì ngâm quá nhiều ngày trong lũ. Số còn lại chắc chắn bị ảnh hưởng vì ngâm trong nước lũ lạnh liên tục, nguy cơ rụng lá rất lớn.

"Bây giờ mình “còn nước còn tát”, cứ cứu mai đã. Chậu nào trúng thì bán cho người ta, còn không đành để vậy nuôi dưỡng cho vụ sau” - ông Hùng tâm sự.

Vì mai cảnh cho giá trị thu nhập cao nên hầu hết người dân ở xã Nhơn An không sản xuất lúa mà dùng mặt bằng các đám ruộng đặt hàng trăm, hàng ngàn chậu mai để chăm sóc. Những ngày lũ vừa qua, làng mai bị nước vây tứ bề, hàng triệu cây mai ngập sâu trong nước.

Theo ông Nguyễn Tấn Đức - chủ tịch UBND xã Nhơn An, xã có sáu thôn thì đã có năm thôn với khoảng 1.700 hộ dân chuyên canh hoa mai cảnh với tổng số lượng vài triệu cây, cung ứng khắp cả nước vào mỗi dịp tết.

“Mỗi năm, người dân của xã này bán mai tết thu về khoảng 18 tỉ đồng, còn năm nay các cơn lũ làm chết khoảng 10% lượng mai, 70% của số còn lại chắc chắn không thể bán được vì bị hư hỏng, rụng lá, mất sức không ra hoa". 

"Có những người trồng 6.000-7.000 cây mai, chi phí đầu tư một năm cả trăm triệu đồng, nhưng giờ hầu như không thu lại được đồng nào cả. Đây là thiệt hại lớn chưa từng thấy ở làng mai này trước nay, bởi có khi nào địa phương phải hứng chịu năm cơn lũ liền như thế này đâu!” - ông Đức cho hay.

Hàng nghìn chậu cúc ở Quảng Ngãi chìm trong lũ muộn - Ảnh: TRẦN MAI
Hàng nghìn chậu cúc ở Quảng Ngãi chìm trong lũ muộn - Ảnh: TRẦN MAI

Tết này Huế không có hoa

Tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang ở hạ lưu sông Hương - “vựa hoa” quan trọng của Huế trong dịp tết - chiều 17-12 nhiều người dân cho biết đang hết sức lo lắng với nguy cơ trắng tay vì các loại hoa đã bị ngâm trong mấy ngày nay, đang có hiện tượng thối rễ và úa lá, hết đường cứu vãn.

Ông Phan Văn Mai, một người trồng hoa của xã Phú Mậu, cho biết gần 10.000 cây hoa cúc pha lê được ông gieo giống đầu tháng 10 âm lịch, như mọi năm ông sẽ thu hoạch vào cuối năm âm lịch, trừ mọi chi phí sẽ thu lãi khoảng 20 triệu đồng, đủ để gia đình ăn tết.

Thế nhưng sau ba ngày ngâm trong nước lũ, toàn bộ số hoa cúc của ông Mai bắt đầu úa lá, thối rễ.

“Tết ni chịu rồi, không biết lấy chi ăn tết đã đành, tiền giống và tiền phân của đại lý cũng không biết lấy chi mà trả đây nữa!” - ông Mai mếu máo.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng - một người trồng hoa ở thôn Tiên Nộn, cùng xã Phú Mậu - cho hay cả gia đình bà không dám nghĩ đến chữ tết.

“Lý do vì vào thời điểm này, thu nhập của cả bốn miệng ăn nhà tôi đều dựa vào hơn 10.000 cây hoa cúc nớ” - bà Hồng vừa nói vừa nhìn ruộng cúc đang ngập trong nước.

Thiệt hại nặng nhất là vợ chồng bà Dương Thị Thanh và ông Nguyễn Công Tân, chuyên trồng hoa ở thôn Thế Vinh, xã Phú Mậu.

Chiều 17-12, hai vợ chồng cùng một số người thân bắt đầu làm rạp nilông để cứu vãn mấy trăm chậu hoa nhỏ gồm đồng tiền, thọ nhung, thọ vàng, xác pháo... Mấy ngày trước, hàng ngàn chậu hoa và hơn 1.000m2 cúc, vạn thọ của gia đình này bị ngâm sâu trong dòng nước lũ dâng nhanh.

Theo ông Trần Hiếu Cơ - chủ tịch UBND xã Phú Mậu, toàn xã có 13ha hoa trồng cho vụ tết. Trận lũ vừa rồi làm thiệt hại gần như hoàn toàn diện tích hoa của xã, khiến hàng trăm hộ dân có nguy cơ trắng tay.

Không chỉ xã Phú Mậu, hàng ngàn hộ chuyên trồng hoa tết thuộc các xã Quảng Thọ, Quảng Phú (huyện Quảng Điền), Hương Hồ, Hương Toàn, Hương Vinh (thị xã Hương Trà), Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mỹ (huyện Phú Vang), Thủy Vân, Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) và Phú Hậu, Vỹ Dạ (TP Huế)... cũng đang lao đao theo cơn lũ muộn kéo dài.

Nhiều người trồng hoa dự báo rằng tết này ở Huế chắc không có hoa địa phương. Ông Hồ Vang, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay toàn tỉnh có 256ha trồng hoa tết.

Ông Vang cho biết chưa kịp thống kê thiệt hại chính thức nhưng lũ quá lớn, nằm ngoài mọi dự kiến của người dân nên diện tích hoa bị ngâm lâu trong lũ, thiệt hại hoàn toàn rất lớn. Hàng ngàn hộ dân trồng hoa tết bị thiệt hại rất nặng do trận lũ bất thường vừa qua.

Bà Phan Thị An (thôn Vọng Trì Tây, Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) bên vườn 4.000 cây hoa cúc đang chết do ngâm lâu trong lũ - Ảnh: THÁI LỘC
Bà Phan Thị An (thôn Vọng Trì Tây, Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) bên vườn 4.000 cây hoa cúc đang chết do ngâm lâu trong lũ - Ảnh: THÁI LỘC

Vựa hoa cúc mất trắng

Hoa tết tại huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) - một trong những vựa hoa cúc lớn nhất ở miền Trung - cũng tan hoang sau đợt lũ lớn vừa xảy ra. Ghi nhận cho thấy toàn bộ diện tích trồng hoa tết ở các làng hoa dọc triền sông Vệ này gần như mất trắng.

Từ con đường bêtông dọc các vựa hoa cúc Nghĩa Mỹ, Nghĩa Phương, Nghĩa Thương, Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa)... và các xóm làng dọc triền sông Vệ là hình ảnh những chậu hoa ngập chìm trong nước, người dân vẫn không buồn dọn đi.

Người dân trồng hoa ở đây cho biết trong đợt lũ đầu tiên, họ đã cố gắng cứu hoa, cả làng phải chuyển hoa từ dưới ruộng lên vị trí cao hơn để tránh ngập.

Thế nhưng hoa cúc chỉ cần trúng phải nước lũ thì dù được người dân tìm mọi cách cứu chữa nhưng vẫn héo rũ phần lá, sau lũ vài ngày là hỏng. Theo nhiều hộ dân, trong đợt lũ trước đã có khoảng 100.000 chậu hoa bị hư hỏng, đợt lũ này có đến hơn 300.000 chậu hoa ngập chìm trong lũ.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa) buồn bã cho biết hơn 500 chậu cúc đại đóa của gia đình đã chắc chắn hư hỏng sau hai ngày ngâm nước. Gần ruộng hoa của ông Nghĩa là hàng chục nghìn chậu hoa cúc của người dân vẫn còn chìm sâu trong nước.

Ông Lê Trung Thành, chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, cho biết riêng với các vựa hoa xuân thì đợt lũ này làm mất trắng, hàng trăm hộ dân trồng hoa đổ tiền đầu tư vào hoa cúc bán tết rơi vào cảnh ôm nợ nần sau khi lũ rút.

“Thống kê sơ bộ của ngành chuyên môn huyện thì con số đã lên tới hơn 300.000 chậu. Thiệt hại hơn 30 tỉ đồng” - ông Thành nói.

Bà Hồ Thị Hương (thôn Hảo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) giội rửa bùn đất trên các chậu mai sau khi lũ rút              - Ảnh: DUY THANH
Bà Hồ Thị Hương (thôn Hảo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) giội rửa bùn đất trên các chậu mai sau khi lũ rút - Ảnh: DUY THANH

Không ai nghĩ cuối tháng 11 âm lịch mà còn lũ

Bà Dương Thị Thanh (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết do chủ quan nên mới bị thiệt hại nặng nề như vậy, vì không ai có thể tưởng tượng được đến nửa cuối tháng 11 âm lịch rồi mà còn lũ, lại là lũ lớn ngâm dài ngày.

“Tính ra gần cả trăm triệu bạc tiền vốn đi tong hết cả rồi, không biết có cách chi khắc phục được đây!” - bà Thanh than.

D.THANH - TH.LỘC - NH.LINH - T.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên