Cán bộ chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự huyện Mai Sơn và dân quân xã Nà Ớt dọn dẹp khắc phục hậu quả quét tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt - Ảnh: VIỆT DŨNG
Một ngày sau khi những trận ống, lũ quét đi qua (huyện Mai Sơn, Sơn La), ngôi trường rộng chừng 2.000m2 vẫn ngập chìm trong bùn đất sau khi hứng chịu 4 trận lũ từ ngày 28 đến 31-8.
Các thầy cô giáo cùng bộ đội, công an, thanh niên tình nguyện đang nỗ lực dọn dẹp phòng học, khuôn viên trong nhà trường để kịp cho các em học sinh khai giảng đúng lịch.
Ngoài Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt thì Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tà Hộc cũng bị thiệt hại nặng nề. Chúng tôi sẽ tham mưu với huyện mua đồ dùng học tập, thương phẩm để đảm bảo các em trở lại khai giảng đúng ngày 5-9
Ông PHẠM VĂN KHANH (trưởng Phòng giáo dục huyện Mai Sơn)
4 trận lũ ống, lũ quét liên tiếp ập về
Thầy Phạm Hoàng Thái (Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt) bàng hoàng kể lại: "Khoảng 17h ngày 28-8, lúc đấy các cô giáo đang chia thức ăn cho các em ở nhà bếp thì lũ ập về tràn qua bờ kè, qua hành lang nhà ở, tràn vào nhà ăn học sinh, cuốn theo hết suất ăn của các cháu.
Chỉ trong vòng 3-4 phút, nước tràn vào sân trường rồi nhanh chóng làm ngập các phòng học, phòng ở nội trú của các em. Nước tràn vào quá nhanh, các cô ở nhà bếp chỉ kịp chạy thoát thân mà không kịp chuyển đồ đạc.
Các thầy cô giáo trong trường hướng dẫn học sinh chạy lên tầng 2 tránh lũ. Chưa đầy một giờ, nước ngập gần hết tầng 1.
Đêm hôm ấy cũng không còn gì ăn cho các cháu, chỉ có mì gói cho các cháu ăn tạm, mà lũ nguy hiểm nên chúng tôi báo cho phụ huynh đến đón các em về.
Hôm sau, chúng tôi cùng các thầy cô trường mầm non, công an quay về dọn rửa nhà trường được một ngày rưỡi thì đến chừng 13h chiều 30-8, trận lũ quét lớn hơn lại ập về.
Chưa dừng lại, chiều tối hôm đó và sáng hôm sau hai trận lũ quét nữa tiếp tục kéo về. Tài sản, đồ dùng học tập, sách vở mà các thầy cô mang ra ngoài để hong khô thì những trận lũ sau lại cuốn đi hết sạch".
Lũ cuốn trôi hết sách vở, quần áo, chăn...
Thầy Nguyễn Trung Huấn - hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt - cho hay trận lũ về bất ngờ, mọi người chỉ kịp hô nhau chạy thoát thân nên hầu hết tài sản, đồ dùng học tập của các em học sinh, thầy cô, nhà trường bị lũ cuốn trôi, nhấn chìm hỏng hết.
Trận lũ chiều 28-8 bất ngờ ập về khiến nhiều thầy cô và các em học sinh chỉ còn bộ quần áo mặc trên người.
"Đồ dùng sinh hoạt như chăn, màn, quần áo, sách vở của các em, thầy cô ở tầng 1 bị nhấn chìm hết. Cơ sở vật chất, tài sản nhà trường ở phòng hội đồng, thư viện, đồ dùng học tập cũng đều bị lũ phá hỏng.
Tài sản, bàn ghế trong lớp học bị ngâm trong nước nên giờ mà động vào là các em cũng không thể ngồi học được. Các thiết bị nấu ăn, bát đũa, nồi niêu... ở nhà bếp nấu ăn cho các em ở bán trú cũng bị cuốn trôi hết" - thầy Huấn nói.
Theo thầy Huấn, các thầy cô, các em học sinh và nhà trường đã chuẩn bị gần như đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập cho năm học mới, nhưng hiện tại sau lũ thì những đồ dùng còn sót lại cũng khó sử dụng được do ngâm nước lâu ngày, dính bùn đất nên việc nhà trường, thầy cô và các em có thể trở lại học là rất khó khăn.
"Hiện giờ, các phương tiện học tập, sách vở, quần áo, chăn màn, bàn ghế của nhiều thầy cô và các em đã bị cuốn trôi hết, đồ dùng thiết bị nhà bếp nấu ăn phục vụ 220 cháu ở nội trú và 24 thầy cô cũng không còn.
Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn nên rất cần Nhà nước, địa phương quan tâm giúp đỡ. Các thầy cô cùng các lực lượng của huyện đang cố gắng khắc phục, dọn dẹp để ngày 5-9 khai giảng theo đúng kế hoạch" - thầy Huấn chia sẻ.
Sách vở, đồ dùng học tập bị hư hỏng tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt - Ảnh: CHÍ TUỆ
Đến thăm và động viên các thầy cô giáo ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt chiều 1-9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: "Hình ảnh các thầy cô vác bàn ghế qua suối trong những ngày mưa lũ vừa qua cho thấy tâm huyết của các thầy cô, dù chịu nhiều thiệt thòi vì mưa lũ trong những ngày chuẩn bị khai giảng.
Bộ GD-ĐT đang tiếp tục tham mưu với Chính phủ có những chính sách ưu đãi hơn cho các thầy cô. Ví dụ như các thầy cô giáo công tác ở các vùng khó khăn được có phụ cấp cao hơn hoặc có điều kiện, chế độ làm việc dài hạn và các điều kiện khác về chuyển vùng... Bộ tham mưu với Chính phủ để đảm bảo quyền lợi và động viên để các thầy, cô vượt qua những khó khăn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận