Chuyện hải sản sống và vi khuẩn ăn thịt người vibrio vulnificus chúng ta đã nghe nát nước, sự tình lần này sẽ tập trung vào con tôm, và cách chúng trở thành “trung gian truyền bệnh” cho vi khuẩn ăn thịt người.
Vi khuẩn ăn thịt người lây qua vết thương hở
Vi khuẩn ăn thịt người vibrio vulnificus lây qua vết thương hở, bạn đã đoán ra, cái vỏ kitin từ vỏ, ngạnh, râu, đầu đến đuôi tôm đều có cơ trở thành “hung khí” tạo nên vết thương. Bình thường không sao, nhưng sẽ là nhát chí mạng nếu có mang theo vi khuẩn ăn thịt người vibrio vulnificus.
Đã rõ, nhưng đó là chuyện con tôm sống, chuyện tai ách của người chế biến, còn với thực khách, với món tôm bốc khói trên đĩa, có việc gì phải lo?
Không lo cho đa số trừ một ít chữ ngờ. Chẳng hạn, món tôm nướng, ai đảm bảo dàn râu, càng, gai, đuôi đã chín tới? Hay kiểu ăn tôm nhún lẩu buộc người dùng tự tay lột vỏ tôm. Mà người lớn đã không biết lột vỏ tôm, chừng thì trẻ con càng khó nói. Chuyện mấy nhóc lóng ngóng lột vỏ tôm rồi bị râu, càng, vỏ tôm đâm vào tay đâu hiếm. Hiển nhiên, cùng vấn đề nhưng tình huống khác, đó là việc thực khách cho con tôm nguyên đai nguyên kiện vào miệng và... nhai.
Nói chuyện lột vỏ tôm, “hung khí” thì tôm thuộc hàng em út so với team vỏ cứng như cua, sò và ốc, chưa kể các kiểu “dao lê” từ ngạnh, vây của các loài hải sản khác. Hỏi thì biết, không ít thực khách từng nếm việc bị vỏ, mài ốc tạo vết thương hở.
Nói thêm, thọ thương kiểu hàng tôm hàng cá này, người dùng không chỉ lo mỗi vi khuẩn ăn thịt người vibrio vulnificus, mà còn phải đối mặt cả làng enterobacter cloacae, streptococcus ,staphyloccus ...mặt vằn mày vện không kém.
Cẩn thận vi khuẩn ăn thịt người là kế thoát. Khi chế biến tôm có thể trang bị bảo hộ lao động bằng găng tay, còn trên bàn ăn chỉ mỗi việc biết người biết ta. Không ai cười bạn cẩn tắc lột vỏ tôm để né vi khuẩn ăn thịt người, kể cả đã chín, bằng một lớp khăn giấy hoặc khăn tay.
Loại vi khuẩn mệnh danh là "vi khuẩn ăn thịt người" sống tự do trong nước biển và nước lợ vùng cửa sông, hoặc ký sinh trong các loài thủy sinh có vỏ như tôm, hàu... Vi khuẩn này có thể gây hoại tử cân cơ người nhiễm phải rất nhanh, nguy hiểm hơn, bệnh nhiễm trùng máu do vi khuẩn này gây tỉ lệ tử vong cao, lên đến 50 - 90%. Các bác sĩ cảnh báo ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín kỹ, đặc biệt là hàu có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Một thống kê trên 180 bệnh nhân nhiễm loại vi khuẩn nguy hiểm này cho thấy có gần 93% có ăn hàu sống trong 2 ngày trước đó. Bệnh cũng có thể bị lây truyền nếu có vết thương khi tham gia các hoạt động trên biển như bơi lội, câu cá, cầm nắm hải sản. Đã có trường hợp bị nhiễm qua những vết thương rất nhỏ như vết đâm của đuôi con tôm, va phải vỏ hàu và chảy máu khi tắm biển. Ngoài ra, nếu có vết thương từ trước và tiếp xúc với vi khuẩn thì cũng bị lây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận