30/10/2015 08:21 GMT+7

Lớp xóa mù chữ giữa núi rừng

	 ĐÀO THỌ
ĐÀO THỌ

TT - Giữa cái nắng gay gắt của miền tây xứ Nghệ, chúng tôi chợt thấy lòng nhẹ nhõm khi nghe tiếng các chị em đang ê a đánh vần trong lớp học xóa mù chữ ở Nhà văn hóa bản Cha Ca.

*** Error ***Lớp học xóa mù chữ giữa núi rừng của chị em người Khơ Mú - Ảnh: Đào Thọ
*** Error ***Lớp học xóa mù chữ giữa núi rừng của chị em người Khơ Mú - Ảnh: Đào Thọ

Một chiều đầu thu, chúng tôi vượt quãng đường gần 30km từ ngã ba Xiêng Thù (xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn, Nghệ An) vào tới xã Bảo Thắng. Trong lớp học, cả thầy lẫn trò đều đang say mê học tập. Thầy giáo Nguyễn Sĩ Hải vừa dạy các bà mẹ người Khơ Mú đánh vần, vừa kiên nhẫn chỉ cách viết từng nét chữ thô mộc trên những trang giấy kẻ ô li.

Người thầy của bản

Một lớp học được tổ chức ngay giữa đại ngàn, già có, trẻ có. Hai mươi học viên lớp xóa mù chữ người Khơ Mú và một thầy giáo miền xuôi miệt mài với từng con chữ, gương mặt ai cũng căng thẳng, mồ hôi ướt đẫm lưng áo trong cái nắng chiều oi bức.

Tranh thủ giờ giải lao, chúng tôi vào lớp gặp cả thầy lẫn trò. Thầy Nguyễn Sĩ Hải (sinh năm 1978, quê ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An) có vóc người nhỏ nhắn nhưng giọng nói vô cùng ấm áp và truyền cảm. Thầy gắn bó với mảnh đất này đã hơn 10 năm, nên bây giờ bà con dân bản xem thầy như con em của họ.

Những ngày lên dạy ở đây, những “học trò đặc biệt” của thầy hôm thì mang biếu thầy bó rau, nải chuối, hôm thì mấy con cá nhỏ bắt được ở suối... với tất cả tấm lòng quý mến thầy.

Thầy Hải tâm sự: “Tôi vừa về nghỉ hè được mấy hôm thì lại tất tả lên Cha Ca dạy cho lớp xóa mù chữ này. Lớp được thành lập từ tháng 3 năm nay với sự hỗ trợ của Hội phụ nữ xã nhằm giúp chị em ở 5 bản Cha Ca 1, Cha Ca 2, Ca Da, Thà Lạng và Xao Va của xã thoát khỏi nạn mù chữ.

Tuy mới thành lập được mấy tháng nhưng nhờ nỗ lực học hỏi nên đến nay nhiều chị em đã biết đọc, biết viết. Một số người dù công việc nương rẫy bận rộn cũng tranh thủ thời gian đến học để theo kịp các học viên khác”.

Những học trò đặc biệt

Chị Moong Mẹ Bích năm nay đã hơn 40 tuổi, lớp trưởng của lớp xóa mù chữ, được thầy giáo Hải đánh giá là người tiến bộ nhanh nhất. Chị được thầy Hải giao nhiệm vụ hướng dẫn cho các học viên khác khi đánh vần nên lúc nào chị cũng bận rộn không kém gì thầy.

Ngừng một lúc, chị bẽn lẽn bảo: “Ngày trước mình không có điều kiện đi học nên bây giờ già rồi mới phải vất vả thế này. Ngày đầu cứ nghe nói sắp được đi học là mình háo hức lắm. Ban ngày được thầy giáo dạy cho cách đọc, cách viết là tối về mình thắp đèn dầu lên ôn lại bài. Nhiều lúc lên rẫy mà cứ nôn nóng để sớm về cho kịp buổi học”.

Quyết tâm kiếm bằng được con chữ trên vùng rẻo cao này thật khó khăn với những phụ nữ đã luống tuổi như chị Bích, nhưng đối với chị đó cũng là một niềm hạnh phúc.

Thấy một phụ nữ đang loay hoay đánh vần một cách khó nhọc, chúng tôi lại gần thì chị tỏ ra ngại ngần. Chị là Xeo Mẹ Hải mới đi học được mấy hôm nay. Đối với chị, việc học tập chậm chạp và không theo kịp các học viên khác là một điều khiến chị xấu hổ.

Được chúng tôi động viên, chị kể lại câu được câu mất bằng tiếng Kinh câu chuyện chị đi học: trước đây vì nhà nghèo nên chị phải bỏ học từ mẫu giáo. Từ tháng 3 năm nay, nghe nói Nhà nước mở lớp xóa mù chữ chị quyết tâm đi học cho bằng bạn bằng bè.

Với chị, không biết cái chữ xấu hổ lắm, nhưng vì nhà nghèo và đông con, phải lo kiếm cái ăn nên chị đi học không đều lắm. Phải sắp xếp xong xuôi mọi việc ở nhà cả ngày lẫn đêm rồi chị mới có thể đi học được.

Vì thế khi đến lớp chị phải cố gắng hơn mọi người để theo kịp cả lớp. “Nói thế chứ cái chữ cũng khó thật đấy. Hôm nay đọc hết rồi mà ngày mai nó lại chạy đi đâu mất” - chị Hải nói vui.

Chiều tà, bản Cha Ca đã lùi khuất sau lưng chúng tôi, nhưng tiếng ê a đánh vần con chữ vẫn vọng lên đâu đó giữa núi rừng. Những người phụ nữ Khơ Mú tranh thủ đến lớp, xong lại vội vã trở về quần quật bên nương rẫy.

Hành trình đi tìm cái chữ của họ nhọc nhằn thật, nhưng trong lớp học của thầy Hải chúng tôi lại bắt gặp những ánh mắt chan chứa niềm vui khi hướng về con chữ.

Tinh thần học tập của chị em rất cao

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Xuân An - phó hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Bảo Thắng - cho hay: “Lớp học xóa mù chữ được mở từ tháng 3-2015 với 20 học viên.

Chúng tôi huy động giáo viên dạy cho các chị vào thời gian rỗi, tránh học vào mùa rẫy, do đó thu hút được nhiều người đến học.

Tuy nhiên, tình trạng vắng học của các học viên là điều không tránh khỏi, vì hoàn cảnh gia đình không ai giống ai. Khó khăn nhất là ở các bản xa như Xao Va, Thà Lạng, Ca Da học viên phải đi bộ mất 3 - 4 tiếng đồng hồ mới tới được lớp học.

Tuy vậy chúng tôi thấy vui mừng vì tinh thần học tập của chị em ở đây rất cao”.

ĐÀO THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên