Huấn luyện viên của lớp võ đặc biệt này là Trịnh Công Sơn (giáo viên thể dục Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, quận 10, TP.HCM). Sau những giờ dạy thể dục trên trường, thầy Sơn (37 tuổi) lại đến lớp võ judo để dạy miễn phí cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, trẻ nhập cư và tự kỷ.
Dạy võ cho trẻ khó khăn, tự kỷ
Trong hơn một thập niên đứng lớp, thầy Sơn đã đào tạo khoảng 700 học viên. Lớp võ của thầy không phân biệt lứa tuổi, chỉ cần các bạn muốn học về võ judo, muốn bảo vệ bản thân, nâng cao sức khỏe thì có thể đến lớp học.
Thông thường thầy sẽ chia lớp thành hai nhóm, một nhóm học vào thứ hai - tư - sáu và nhóm còn lại học vào thứ ba - năm - bảy hằng tuần, từ 18h - 19h30. Đối với các em có năng khiếu, thầy Sơn sẽ kèm riêng để đi thi đấu cho quận.
"Bén duyên với lớp võ từ khi vừa tốt nghiệp đại học, về giảng dạy tôi thấy đa số các em là dân nhập cư, cuộc sống khó khăn, do đồng cảm vì ba mẹ tôi cũng là người lao động nên dạy miễn phí cho các em. Đối với dân nhập cư thì ít tiếp xúc với những hoạt động vui chơi, giải trí nên tôi mong muốn các em được nâng cao sức khỏe và có thể bảo vệ bản thân" - thầy Sơn chia sẻ.
Ở lớp võ của thầy Sơn có những học viên đặc biệt, thầy Sơn cho biết khi dạy các bạn tự kỷ thầy cũng tìm hiểu ở các thầy cô có chuyên môn dạy trẻ tự kỷ để học hỏi. Phải có tính kiên trì, biết cách ra những bài tập phù hợp cho các em nâng cao sức khỏe và có thể chất tốt hơn.
"Những bạn tự kỷ gặp môi trường mới thì thường nhút nhát nên mình cố gắng tạo không khí vui tươi để các em cởi mở hơn. Các bạn bình thường tập trong một tuần thì có thể thành thạo các động tác, còn các bạn đặc biệt sẽ phải mất 2-3 tuần. Khi các bạn rành sẽ tập chuẩn xác và thích thú hơn" - thầy Sơn nói.
Vốn ít nói và ngại giao tiếp, em Lê Văn Phát (16 tuổi, quận Bình Tân) cho biết em đã nghỉ học ở trường. "Ba biết đến lớp của thầy nên chở em đến đây học đã được hai tháng. Tuy em chưa có bạn bè mới nhưng được học thầy là em vui, thầy dạy rất có tâm" - em Phát bộc bạch.
Học tại lớp võ đã được một năm, em Đoàn Thế Đạt (học sinh Trường THPT Diên Hồng, quận 10) chia sẻ: "Lúc đầu tập chưa quen thì không thích lắm, về sau thấy được sự quan tâm của thầy nên em thích và cố gắng hơn. Thầy dạy đó giờ không lấy tiền. Học võ rèn luyện cho em sự lễ phép, lúc trước em ốm không có thể lực, bây giờ có thể lực và nhanh nhẹn hơn".
Gầy dựng nhân tố trẻ cho tuyển judo
Là một trong những nhân tố trẻ từng dự hai kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á (Sea Games 31 và Sea Games 32), vận động viên judo Trương Hoàng Phúc là một trong những học trò được thầy Sơn dìu dắt từ những ngày đầu.
"Tôi bắt đầu học judo với thầy Sơn từ năm học lớp 5, năm ấy cũng là lần đầu tiên tôi được đi thi đấu đánh giải cho quận. Thầy Sơn là người đi theo chăm lo cho từng thành viên lúc thi đấu. Thầy là người nhiệt huyết, tốt bụng và rất thương học trò. Thầy truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều, dẫn dắt tôi luyện tập ở quận rồi lên đội tuyển tới giờ" - Hoàng Phúc nói.
Anh Nguyễn Thanh Nhân - chủ nhiệm CLB Tân Thới Hòa, quận Tân Phú - cho biết thầy Sơn dạy nhiệt tình, tận tụy và hiệu quả. "Với thầy Sơn, ai muốn học thì thầy cũng dạy, không từ chối ai hết. Học trò ở đây yêu quý thầy, phụ huynh tin tưởng rất nhiều, kể cả ban giám đốc và anh em trong CLB cũng vậy. Thầy Sơn góp phần mang nhiều huy chương cho quận trong nhiều năm rồi" - anh Nhân chia sẻ thêm.
Giản dị, nhiệt huyết
Cô Nguyễn Thị Thanh Huệ - hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP.HCM) - cho biết thầy Sơn là một giáo viên trẻ rất nhiệt huyết, mọi phong trào ở trường thầy đều tham gia nhiệt tình.
"Lớp võ bên ngoài trường là lớp võ miễn phí, thầy dạy không lấy phí gì cả. Thầy không những dạy các bạn giỏi võ mà còn biết hy sinh trong cuộc sống cũng như trong xã hội ngày nay. Là giáo viên của trường, thầy được tất cả phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp yêu mến vì sự giản dị và sự nhiệt huyết trong công tác giảng dạy" - cô Huệ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận