Minh Như (ngồi giữa hàng ngồi đầu tiên) cùng các bạn lúc học ở trường THCS Lê Lợi (Tân Phú, TP.HCM) |
Em không thể nào quên được cái cảm giác “trách nhiệm nặng nề” trong suốt 5 năm làm lớp trưởng.
Mỗi ngày, khi tiếng trống trường vang lên, em phải dùng cái giọng nhỏ bé của mình để hô hào các bạn tập trung thành xếp hàng giữa cái sân trường cả ngàn học sinh náo nhiệt tiếng cười đùa, hoặc phải cố gào lớn hơn giọng của 40 học sinh đang ồn ào quậy quá trong lớp để yêu cầu giữ trật tự mà không có bất cứ công cụ hỗ trợ nào.
Là lớp trưởng, em phải là người học giỏi nhất nhì lớp, không được phép không thuộc bài để làm gương cho các bạn. Lớp trưởng cũng luôn phải là người tiên phong các hoạt động lớp, Đội, Liên Đội… để phổ biến các hoạt động của trường, lớp và thuyết phục các bạn tham gia.
Những buổi trưa, khi các bạn chìm vào giấc ngủ cũng là lúc em phải tranh thủ chạy xuống phòng truyền thống luyện tập nghi thức Đội hoặc phải học thuộc bài trên lớp lẫn 400 câu lý thuyết Đội. Khi có những “sự cố động trời” do các bạn trong lớp gây ra, lớp trưởng là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Nhưng làm lớp trưởng cũng chính là một động lực lớn để em luôn đặt ra mục tiêu phấn đấu cho bản thân trong mọi mặt. Lớp trưởng cũng chính là con chim đầu đàn, là người dẫn dắt cho cả lớp đạt thành tích cao.
Khi lớp đạt thành tích tốt, lớp trưởng là người được tuyên dương đầu tiên. 5 năm làm lớp trưởng đã hình thành cho em thói quen “dẫn đầu, làm gương” trong việc học tập ở trường, chơi với nhóm bạn, cũng như dạy em nhỏ ở nhà.
Cái chức lớp trưởng không phải là một “của nợ”!
Theo em, nếu được trả lương, sẽ nảy sinh trường hợp lớp trưởng sẽ làm việc như một cái máy, làm chỉ để được giảm nửa số tiền học phí mà không thực hiện trọng trách của một lớp trưởng bằng trái tim.
Sự đố kị, ganh ghét giữa các bạn trong lớp sẽ xảy ra và ai cũng mong muốn mình được nhận vai trò lớp trưởng cho dù bạn ấy có năng lực hay không. Lúc ấy, trong lớp sẽ rất hỗn loạn, không theo nề nếp, quy củ vì ai cũng nghĩ “việc gì em phải ngoan ngoãn hay làm tốt để bạn ấy được tiền”
Theo ý kiến của riêng em, không trả lương cho lớp trưởng mà nên tưởng thưởng bằng những món quà có giá trị tinh thần. Em nghĩ chúng ta nên đưa ra những ý kiến hay hơn như là: trao phần thưởng tuyên dương cho lớp trưởng nào hoàn thành nhiệm vụ trong tuần xuất sắc…
Người lớn thường quan trọng hoá vấn đề, nhưng thực ra, đối với học sinh chúng em, phần thưởng ý nghĩa đơn giản chỉ là những lời khen thưởng, những cuốn tập, cây viết dễ thương hay những món quà lưu niệm xinh xắn… đã là một nguồn động viên có giá trị lớn lao rồi.
Hình thành tư duy "làm vì tiền" Cũng là lãnh đạo của một công ty, nhưng nhiều khi, tôi lại cảm nhận sự lãnh đạo học sinh khó hơn rất nhiều, vì ở lứa tuổi học trò, các cháu vốn rất thích nghịch ngợm và ít muốn nghe lời bạn đồng trang lứa. Mỗi khi tôi đến trường cháu, tôi lại cảm thấy rất xót con khi thấy các cháu lớp trưởng, chi đội trưởng… phải ra sức hò hét để giữ trật tự trong một môi trường tiếng ồn như ong vỡ tổ… Và sự thực là, con gái tôi đã luôn bị khàn giọng trong mùa học, trừ khi được nghỉ Tết hoặc nghỉ hè, giọng cháu mới trong trở lại… Tuy thấy con vất vả, nhưng trong suy nghĩ tôi chưa bao giờ mảy may có ý nghĩ rằng: nhà trường “nên trả công” cho lớp trưởng - con gái mình. Tôi thấy cháu yêu thích công việc của người dẫn đầu trong lớp nên thường động viên và ủng hộ con. Đôi khi cháu gặp một vài “ca khó” chẳng hạn như bảo bạn không nghe, tôi lại tư vấn cho con. Tôi vui vì thấy cháu nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm của người lãnh đạo lớp không vì bất cứ một mục tiêu vật chất nào, mà là vì đam mê, vì tình yêu và tính cam kết của cháu với lớp, với cô, với trường. Sự vất vả hay trách nhiệm trong vai trò lớp trưởng của cháu, tôi lại thấy rằng đây chính là cơ hội cho cháu phấn đấu và rèn luyện sự tự lập, tinh thần trách nhiệm, tính cam kết, tính chuyên nghiệp, tính linh động trong xử lý tình huống… cho cháu sau này. Tôi không muốn con sau này nằm trong nhóm lớp trẻ chỉ làm việc vì tiền mà không vì tình yêu và đam mê. Vì điều này có thể sẽ làm cháu mất đi cơ hội trở thành người lãnh đạo đầy nhiệt huyết. Việc trả lương cho trẻ để đảm nhận một vị trí nào đó quá sớm có thể hình thành cách tư duy “làm vì tiền”. Điều này có thể trở thành rào cản thay vì là cơ hội phát triển về năng lực và nhân cách của các cháu sau này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận