19/12/2015 08:39 GMT+7

Lớp tiếng Anh miễn phí 
của bà Năm xứ dừa

TIỂU NHẬT
TIỂU NHẬT

TT - Ông Nguyễn Kim Bạc (trưởng ấp 3, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) tấm tắc: “Nhờ có lớp học tiếng Anh miễn phí của bà Năm mà con em trong vùng thuận lợi trong việc giao tiếp với khách nước ngoài, thuận lợi trong công việc...”.

Bà Năm (áo bông) cùng các học viên lớp ngoại ngữ - Ảnh: T.N.
Bà Năm (áo bông) cùng các học viên lớp ngoại ngữ - Ảnh: T.N.

Đó là lớp tiếng Anh do bà Năm (tên thật là Đặng Thanh Hương) mở. Trước khi buổi học bắt đầu, bà Năm tranh thủ hỏi chị Thu là học viên của lớp: “Hổm rày học tiếng Anh rồi có nói chuyện nhiều với khách nước ngoài không?”. Chị Thu cười tươi: “Dạ, hổm rày con nói được cũng bộn, như giới thiệu về đặc sản xứ mình nè, rồi còn mời khách lần sau nhớ đến xứ dừa quê mình nữa đó dì...”. Nghe vậy, gương mặt bà Năm rạng rỡ niềm hạnh phúc.

“Chỉ mong dì còn sức để mở hết khóa này đến khóa khác, bởi nhu cầu học của bà con mình nhiều lắm

Bà Năm

Tiếng Anh đàm thoại xứ dừa

Lớp học tiếng Anh của bà Năm gồm 34 học viên là học sinh, sinh viên, cô lái đò đưa khách đi du lịch trên các cồn, nhân viên công ty du lịch, công nhân, nông dân...

17g lớp học bắt đầu. Bà Năm ra khỏi phòng để cô Vương Thị Thảnh vô lớp dạy. Cô Thảnh cho ba học viên gồm chị Nguyễn Thị Ngọc Thu đóng vai tiếp viên quán nước, Đặng Thiên Phú (học sinh lớp 6) và sinh viên Phan Ngọc Bửu Nhi đóng vai hai du khách nước ngoài. Cuộc đàm thoại xoay quanh câu chuyện những du khách vào quán nước kêu thức uống, chị Thu nghe và đem đúng theo yêu cầu của khách.

“Du khách” hỏi toàn những câu về đặc sản xứ dừa, chị Thu giới thiệu về kẹo dừa, đồ thủ công mỹ nghệ bằng dừa... ngon ơ khiến lớp học vỗ tay rần rần. Thỉnh thoảng cô Thảnh xen vô chỉnh lại cách phát âm cho chuẩn. Cứ vậy, không khí học tập rất sôi nổi, thoải mái cho đến 18g30 lớp học kết thúc...

Bà Năm, 75 tuổi, trước đây vốn là giáo viên, dạy được hơn mười năm thì xin nghỉ để chăm sóc mẹ già bị tai biến. Sau đó mẹ mất, bà sống một mình ở quê. Mấy anh chị bà Năm sống ở nước ngoài, thành danh nhờ vào con đường học vấn và muốn làm việc gì đó đóng góp cho quê hương. Bà Năm nghĩ ngay đến ngoại ngữ, bởi trong thời kỳ hội nhập, tiếng Anh rất cần cho bọn trẻ ở quê hương xứ dừa vốn xem trọng du lịch.

Rồi Khu công nghiệp Giao Long có rất nhiều công ty nước ngoài đang đến đầu tư. Tình hình căng vậy mà xã của bà không có trung tâm ngoại ngữ, muốn học đàm thoại, bằng A, bằng B... phải đạp xe ra tận thành phố Bến Tre hoặc phải sang thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang với quãng đường 16-20km đi về. Đó là chưa kể mỗi khóa học tiếng Anh cũng tốn hơn 500.000 đồng - khoản tiền không nhỏ với bà con nghèo ở nông thôn.

Dưới sự hỗ trợ của người thân, bà Năm đứng ra mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí vào tháng 8-2015. Bà xây phòng học, trang bị đầy đủ bàn ghế, đầu đĩa, tivi... Rồi bà rước hai giáo viên giỏi về đứng hai lớp tiếng Anh vỡ lòng và đàm thoại. Lớp vỡ lòng dạy từ căn bản đến nâng cao dần, học vào các buổi thứ hai, tư, sáu do cô Vương Thị Thảnh đảm nhận.

Lớp đàm thoại học thứ ba, năm, bảy do cô Đặng Thị Thanh Hương phụ trách, dành cho những học viên đã có vốn tiếng Anh, muốn nói năng lưu loát hơn để dễ dàng trong giao tiếp. Mỗi khóa học kéo dài sáu tháng.

“Lúc đầu dự tính chỉ mở lớp cho bọn trẻ trong vùng nhưng không ngờ sinh viên, phụ huynh, cô chèo đò, cô tiếp viên quán nước, nông dân, công nhân... hay tin kéo đến học rần rần. Sĩ số mỗi lớp vọt lên 35 người mà vẫn còn nhiều người đến xin học, tôi đành phải hẹn họ khóa sau” - bà Năm cười nói.

Cô lái đò đã biết tiếng Anh

Mỗi người đến lớp học miễn phí của bà Năm với mục đích riêng, ước mơ riêng của mình. Học sinh thì muốn mài giũa thêm tiếng Anh cho thiệt cứng. Sinh viên thì rèn luyện kỹ năng nghe nói. Giáo viên muốn học để có kiến thức dạy lại cho con. Nhân viên du lịch thì muốn học để giao tiếp với du khách nước ngoài. Công nhân muốn học để dễ dàng trao đổi công việc với cấp trên, đồng nghiệp...

Chị Ngọc Thu - nhân viên Công ty Mekong chuyên phục vụ du khách nước ngoài - cho biết trước đây do không biết tiếng Anh nên mỗi lần khách đến, chị phải bưng tất cả các loại nước giải khát lên mâm ra cho khách chọn. Rồi khi khách muốn uống thêm thì giơ chai nước lên ra dấu. Khách muốn rửa mặt hoặc vệ sinh, chị chỉ đoán và dùng tay ra dấu loạn xạ.

Từ khi học lớp tiếng Anh của bà Năm và nhờ cô Thảnh chỉ thêm ngoài giờ học chính thức, dành 10 phút để dạy thêm cho chị về các loại nước giải khát, cách giao tiếp, nên sau ba tháng chị Thu đã giao tiếp rành rẽ với khách. Hiệu quả từ lớp học mang lại đã giúp công việc trôi chảy hơn, nên chị Thu quyết định sau khi kết thúc khóa học này sẽ học tiếp lớp đàm thoại để phục vụ công việc tốt hơn.

Còn chị Võ Thị Gái, 35 tuổi, làm ở Công ty du lịch Quê Dừa. Công việc của chị là chèo đò đưa rước khách du lịch, làm đã tám năm nhưng chị chỉ biết vài câu quanh quẩn như “Bạn từ đâu tới?”, “Bạn có thích Việt Nam?”, còn phần nhiều chị đều lắc đầu khi khách hỏi. Chị khoe: “Giờ tôi có thể nói nhiều, như hỏi xem khách thích điều gì khi đến quê mình, hoặc nói về cây dầm, chiếc xuồng ba lá khi khách hỏi...”.

Tương tự, anh Hồ Hữu Tiền, công nhân Công ty Alliance One, với nhiệm vụ là kiểm tra kho vải nên anh thường tiếp xúc với sếp là người nước ngoài. Tuy nhiên, do trình độ tiếng Anh hạn chế nên anh Tiền gặp khó khăn khi trao đổi công việc với sếp. Từ lâu anh Tiền định tìm lớp ngoại ngữ để học, nhưng do chỗ dạy cách nhà rất xa trong khi công việc làm cả ngày, rồi tăng ca nên anh không thể đi học được. May dì Năm mở lớp gần nhà nên anh Tiền đăng ký học liền lớp đàm thoại.

Anh xúc động kể: “Cô Hương dạy rất nhiệt tình, ai không hiểu gì cô thường nán lại 15 phút để chỉ riêng. Nhờ vậy tôi tiến bộ rất nhanh. Sau hai tháng học, tôi có thể báo cáo với sếp chất lượng nguyên liệu tốt nên mua hay bị trầy xước phải đổi trả hàng. Khi khách nước ngoài đến tham quan công ty, mua hàng, tôi cũng có thể chào hỏi, quảng cáo sản phẩm bằng tiếng Anh”.

Những học viên đặc biệt nhất là cả gia đình gồm ba mẹ con bà Trần Mai Phương cùng tham gia học lớp vỡ lòng. Về nhà, ba mẹ con thực hành và nói chuyện bằng tiếng Anh với nhau.

Bà Phương thổ lộ: “Tôi là nông dân, sống nhờ vào mấy công dừa và bưởi da xanh. Còn hai con tôi đứa học đại học ngành ngoại ngữ, đứa học lớp 6. Từ lâu cả nhà ấp ủ ý định biến vườn cây ăn trái thành một địa điểm du lịch thân thiện, muốn vậy phải giao tiếp tốt với người nước ngoài. Nào giờ không có điều kiện học, thời may bà Năm mở lớp nên ba mẹ con mới dễ dàng đăng ký học chung. Chứ không ba người học một khóa cũng tốn hơn một triệu rưỡi, mà học không chất lượng được như vầy...”.

TIỂU NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên